Chộn rộn Tết Độc lập vùng cao
(Baonghean) - “Sắp đến tết Mồng Hai rồi”, “Ít bữa nữa là tết Độc Lập!...”. Đó là những câu nói cửa miệng của trẻ vùng cao với một niềm háo hức. Mà đâu chỉ con trẻ, Người lớn ở vùng cao xứ Nghệ cũng một tâm trạng chộn rộn đón ngày Quốc Khánh của đất nước (2/9) như thế.
Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh một Việt Nam mới đến nay, một sinh hoạt văn hóa tinh thần dần trở thành một thứ bản sắc của người vùng cao. Đó là Tết Độc lập. Cữ này thường là lúc nông nhàn. Lúa rẫy, lúa ruộng đều đã làm cỏ xong và đang kỳ đẻ nhánh. Khoảng gần 2 tháng nữa mới đến mùa gặt lúa.
Vui hội vùng cao. Ảnh: Trọng Sách |
Đối với cộng đồng người Thái ở miền Tây Nghệ An, Tết Độc lập là một dịp vui lớn. Ngày này, phần lễ không phải là điều quan trọng. Nhiều dòng họ chỉ mổ gà ăn mừng nhưng không cúng tổ tiên. Có những dòng họ chỉ đặt mâm lên bàn thờ tổ tiên để “báo cáo” về sự kiện đặc biệt trong nhà rồi vào cuộc vui. Dẫu vậy thì ngày Tết Độc lập cũng là dịp để anh em họ tộc ngồi lại với nhau chung mâm cơm. Từ đó mối thâm tình họ hàng, làng bản thêm được cố kết.
Ngày Tết Độc lập thường được chuẩn bị một cách đơn giản. Nhà nào kinh tế khấm khá có thể mổ con lợn nhỏ cốt để khao họ hàng với 1 vò rượu cần. Phần lớn các gia đình chỉ mổ 1, 2 con gà để những thành viên sum họp chung vui. Sau bữa cơm Tết, người ta cũng chỉ nghỉ ngơi, hội hè trong một buổi sáng rồi lại bước vào những công việc ngày thường. Dẫu chỉ là một bữa tiệc nhỏ, nhưng không khí thiêng liêng ngày độc lập vẫn khiến người ta gợi nhớ…
Chẳng hiểu sao cứ vào buổi sáng ngày Tết Độc lập khí trời lại thường mát dịu pha chút se se lạnh gió Thu. Thắp nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên chợt thấy thiêng liêng và nhẹ nhõm. Đó là một bầu không khí đặc biệt khiến ngày Tết Độc lập như một dấu ấn tốt đẹp của một năm. Sau lễ này là những lễ hội mùa Thu khác của người trồng lúa rẫy. Đó là lễ cúng rẫy, lễ mừng cơm mới.
Người Thái ở Quế Phong có tục đón Tết Độc lập khá nhộn nhịp. Dịp này, làng bản thường góp rượu cần về cùng nhau chung vui. Không khí lễ hội thực sự xuất hiện khi tiếng cồng chiêng nổi lên và những điệu múa xòe uyển chuyển như muốn níu chân khách vãng lai.
Chọi bò trong ngày Tết Độc lập do đồng bào Mông, bản Sơn Hà (xã Tà Cạ, Kỳ Sơn) tổ chức. Ảnh: Hồ Phương |
Người Khơ mú là cộng đồng đông đảo ở huyện miền núi Kỳ Sơn. Từ ngày có độc lập tự do, cộng đồng này cũng tổ chức lễ mừng ngày Quốc khánh. Người Khơ mú cũng gọi đó là Tết Độc lập. Người ta chỉ đơn giản là ngồi chung nhau bên ché rượu cần để tận hưởng thời khắc kỷ niệm ngày đất nước thoát khỏi gông cùm nô lệ của phong kiến, thực dân.
Tết Độc lập cũng là lúc đã xong mùa làm cỏ rẫy. Người Mông ở các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong lại tổ chức ngày Tết Độc lập của mình. Cũng như quan điểm của người Thái, Khơ mú, Tết Độc lập chủ yếu là một dịp vui chứ không nặng nề phần nghi lễ.
Ở một số bản Mông thuộc huyện Kỳ Sơn, ngày Tết Độc lập người ta còn góp tiền mua bò để tổ chức chung vui. Nhà có điều kiện kinh tế khấm khá thì góp nhiều hơn nhà khó khăn. Dẫu góp nhiều hay ít thì ngày Tết Độc lập vẫn là cuộc vui trọn vẹn của cả cộng đồng. Từ sáng sớm, người ta đã dậy mổ bò để chuẩn bị cho bữa tiệc của cả bản.
Trong cuộc vui, người ta mời nhau chén rượu ngô, món thịt bò luộc và đâu đó một điệu hát vang lên bên mâm tiệc. Bên con dốc trước nhà, trên những bãi đất bằng phẳng nhỏ nhoi, những thiếu nữ với trang phục truyền thống với những màu sắc sặc sỡ mở hội ném pao. Cuộc vui cũng chỉ diễn ra chỉ trong một ngày chứ không kéo dài đến nửa tháng như Tết Nguyên đán.
Dẫu vậy thì ngày Tết Độc lập cũng không thể thiếu những trận đấu bò. Điều này đã trở thành thông lệ trong dịp lễ hội của cộng đồng người Mông.
Vui hội chọi gà. Ảnh: Trọng Sách |
Ngày nay, vào dịp Tết Độc lập, con trai Mông còn rủ nhau ra tận Mộc Châu (Sơn La), hay Điện Biên, Lai Châu để “bắt” vợ. Gọi là “bắt” vậy thôi, nhưng kỳ thực đó là những chuyến đi tìm bạn đời. Nếu kết quả tốt, thì cuối năm, vào mùa lúa rẫy sẽ có những đám cưới diễn ra trong không khí vui tươi và những ngày Đông vùng cao thêm ấm cúng.
Hữu ViTIN LIÊN QUAN