Chồng đi biển, vợ thợ nề

07/01/2014 14:00

(Baonghean) - Về vùng ven biển các xã Quỳnh Long, An Hòa, Sơn Hải - Quỳnh Lưu, chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy cảnh những phụ nữ chân yếu tay mềm tay bay, tay thước xây nhà cứ nhanh thoăn thoắt.

Đa phần chồng theo nghề đi biển, mỗi người một hoàn cảnh nhưng ở họ đều toát lên vẻ đẹp của phụ nữ vùng biển yêu lao động, chịu thương chịu khó, dám gánh vác cả những công việc nặng nhọc nhất để xây dựng tổ ấm gia đình. Tôi chợt nhớ tới câu thơ của một tác giả: “Anh hỏi em sao chọn nghề xây dựng?/ Có gì vui với nắng gió công trường/Làn da đen và đôi tay chai sạn …”

Chiều muộn, gió từ cửa biển lùa vào vùng Hòn Câu làng Trọng Hòa (Quỳnh Long) lạnh thấu xương nhưng tốp thợ nề chỉ “độc” toàn phụ nữ đang tích cực người cầm bay “da trét”, người phụ hồ. Chúng tôi thấy căn nhà cấp 4, mái trước được đổ bê tông đang trong quá trình hoàn thiện, bờ tường chủ yếu được xây bằng táp lô thẳng tăm tắp.

Chị Nguyễn Thị Bảy được gọi là “thợ cả,” dân trong nghề phải kính nể bởi chị có đôi tay tài hoa, xây vừa nhanh vừa đẹp lại “phào” chỉ tường rất “nét”. Chị Bảy đang đứng chênh vênh trên dàn giáo tay bay, tay thước lia lịa thao tác trên bức tường vui vẻ kể chuyện nghề: “Theo nghề thợ xây được dăm năm, ban đầu chuyên “xách xô, vác xi”, học hỏi được 2 năm thì tôi quyết định đứng ra làm “thợ cả”. Gom quân trong làng được chừng hơn chục chị em, rồi ai thuê gì xây nấy. Đầu tiên chỉ dám nhận những căn nhà nhỏ, tu sửa bờ rào, dần dà có kinh nghiệm, tay nghề cao thì chúng tôi nhận xây cả những căn nhà đổ bằng và cả nhà cao tầng”. Chị Bảy chỉ tay: “Căn nhà cấp 4 chúng tôi đang xây có tổng diện tích trên 80 m2, chỉ cần 8 thợ vừa xây vừa phụ hồ, khoảng 2,5 tháng là hoàn chỉnh đưa vào sử dụng. Theo chị Bảy thì ngoài việc xây nhà mình phải biết cách tính toán để tư vấn cho chủ nhà mua nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép… vừa đủ, không dư thừa lãng phí. Trong quá trình xây phải tính toán kết cấu, độ an toàn của ngôi nhà. Nếu xây nhà tầng thì phải tính từ phần móng sâu bao nhiêu và cần bao nhiêu trụ để gánh đỡ ngôi nhà.

Theo như chị Bảy: “Nghề thợ nề đối với cánh đàn ông đã vất vả, với phụ nữ càng vất vả hơn, chưa kể nghề này tai họa luôn rập rình, chuyện dẫm phải đinh, sứt sát chân tay là thường tình. Vào mùa nắng nóng, cả ngày ở công trường gió nam Lào quạt cho nóng rát cả mặt mày. Biết là vậy nhưng chị em chúng tôi cũng chấp nhận vì đây là nghề giúp gia đình tôi cải thiện thêm cuộc sống”. Được biết gia cảnh chị Bảy cũng vất vả, con nhỏ, mẹ đau yếu, chồng đi biển quanh năm không đủ nuôi nổi mấy miệng ăn nên chị đã quyết tâm theo nghề của cánh nam giới này.

Chị Trần Thị Năm sinh năm 1985, quê ở Quỳnh Long. Bước ra từ đống táp lô vữa bụi, chị thổ lộ: “Chúng tôi được phân công 4 thợ chính chuyên xây, 3 thợ chuyên phụ hồ, nhưng thực tế khi cần chúng tôi vẫn vừa phụ vừa xây, không ai phân biệt thợ xây, thợ phụ hồ vì ai cũng hoàn cảnh khó khăn mới theo nghề vất vả nặng nhọc này”. Chị Năm thuộc diện khéo tay, xây thuần thục đến nỗi chẳng cần phải theo “dây chạc”, xây đến đâu hồ vữa gọn gàng đến đó không rơi đổ, rất tiết kiệm cho gia chủ.

Chị Năm tươi cười: “Chúng tôi đang phấn đấu xây kịp tiến độ để gia chủ được ở nhà mới trong Tết Nguyên đán mà tổ thợ lại được trả tiền công để thêm trang trải trong dịp Tết.” Chồng chị Năm trước đây làm nghề muối, rồi lại theo nghề biển, mấy năm nay nghề biển bạc bẽo, có những chuyến trắng tay do tàu không đánh bắt được cá. Cả mấy miệng ăn phải trông chờ vào tay bay, tay thước của chị Năm. Theo chị Lê Thị Lợi - một thợ xây thì: Công việc nặng nhọc, thu nhập chưa phải là cao nhưng bù lại 2 đứa con trai, đứa lớp 8, đứa lớp 10, đều chăm ngoan học giỏi và yêu thương bố mẹ, đó là niềm động viên lớn lao để tôi tiếp tục theo nghề thợ xây. Chị Trần Thị Vân - chủ ngôi nhà đang xây cho hay: Thợ nề là phụ nữ có cái hay là không rượu chè, làm việc “đi sớm, về muộn”, xây cẩn thận và chắc chắn.

Nhờ uy tín trong xây dựng mà tiếng tăm của tổ thợ chị Bảy vang xa. Tổ thợ của chị đến nay đã có trên 20 lao động nữ, đã xây dựng được hàng chục ngôi nhà cấp 4 và 5 ngôi nhà cao tầng, như nhà cao tầng của ông Trần Tọa, ông Nguyễn Lạc ở xã An Hòa - Quỳnh Lưu, hiện nay tổ thợ của chị Bảy đang hoàn thiện 3 căn nhà cấp 4 khác. Chị Bảy kể: Bình quân thu nhập của chị em đạt 100.000 đồng/ngày, số tiền chưa phải là lớn nhưng nhận được nhiều công trình, có việc làm quanh năm là tốt lắm rồi.

Sang xã An Hòa, chúng tôi bắt gặp những phụ nữ đang đổ móng ngôi nhà mới ven đường. Đây là tổ thợ của chị Hồ Thị Cúc, quê ở xóm Hồng Phong, xã An Hòa. Chị Cúc mới sinh năm 1984, nhưng trong tay đã có đội ngũ thợ nề, thợ hồ hùng hậu trên 80 lao động nữ. Chị triển khai nhận một lúc 10 căn nhà xây dựng mới, trong đó có cả nhà cao tầng.

Tổ thợ của chị Hồ Thị Cúc đang tích cực xây nhà ở xã An Hòa.
Tổ thợ của chị Hồ Thị Cúc đang tích cực xây nhà ở xã An Hòa.

Chị Cúc kể: “Ban đầu làm nghề phụ hồ, rồi thành “thợ chính” và đứng ra làm “ông bầu” chuyên thầu nhận công trình dân dụng cũng “rầy” lắm. Lúc đầu nhiều người coi khinh nói rằng: “Đàn bà con gái biết chi mà xây nhà cửa, giao cho nó mà sập nhà à …” Nhưng chỉ 8 năm tạo dựng đến nay chúng tôi làm không hết việc, mỗi năm nhận xây dựng từ 15-20 ngôi nhà, trong đó đã xây dựng được trên 50 ngôi nhà tầng ở các xã Quỳnh Bá, Quỳnh Nghĩa, Tân Thắng… Chúng tôi chủ yếu tuyển dụng hầu hết là lao động nữ vùng biển, chị em dễ quản lý và siêng năng với công việc.

Nói chung, tổ thợ chúng tôi không nề hà bất cứ công việc nào từ xách nước, trộn hồ, trộn vữa, khuân gạch, đào đất… Phần đông các “thợ cả cầm bay xây đều tự học và từng trải qua thợ hồ. Nói chung nghề này cần sức khỏe, khéo tay và kinh nghiệm là có thể cầm bay thành thợ chính”. Chị Cúc hiện đang học hỏi thêm các kỹ sư xây dựng về cách đọc bản vẽ, bản vẽ kết cấu để xây dựng những ngôi nhà cao tầng chắc chắn hơn. Theo chị Cúc thì lâu nay xây nhà ở quê dù cao tầng nhưng hầu hết không ai có bản vẽ thiết kế, thời gian gần đây, nhiều hộ dân có điều kiện họ thuê vẽ thiết kế và yêu cầu chủ thầu phải xây như thiết kế. Vì vậy cũng phải học hỏi mới có thể đọc để biết được, chỗ nào không hiểu thì lại tiếp tục đọc thêm sách kỹ thuật và hỏi kỹ sư xây dựng chuyên ngành.

Chị Hồ Thị Hoa ở xóm Hoàng Phong - An Hòa chia sẻ: Chị Cúc ngoài việc là chủ tổ thợ nhưng suốt ngày cầm bay, chỉ bảo cách xây cho chị em. Trước khi xây chúng tôi đều phải đảm bảo chất lượng kỹ thuật như nhúng hoặc tưới nước vào gạch trước khi xây để gạch no nước, xây tường xong phun nước lên để bảo dưỡng tường không bị nứt nẻ. Trước khi trộn bê tông thì phải rửa sạch đá sỏi.

Chúng tôi theo dõi thấy thợ xây đã vất vả thì thợ phụ hồ là lao động nữ càng nặng nhọc hơn. Thợ xây có mặt ở đâu thì thợ phụ hồ có mặt ở đó làm đủ các công việc như sàng cát, đá, trộn hồ, xách hồ vữa đến lệch vai để phục vụ thợ xây. Chị Mạc Thị Lành ở xóm Bắc Lợi - An Hòa kể: “Mỗi ngày chúng tôi làm trên 8 tiếng, tính ra lượng hồ vữa, gạch, đá nâng lên hạ xuống mỗi ngày có khi cả tấn. Cực vậy nhưng chị Lành vẫn cười tươi: Thợ xây cũng cực lắm chứ, họ phải đứng trên độ cao chênh vênh cả ngày, nói chung là đi làm cả ngày về đau ê ẩm khắp người nhưng ngủ dậy hết đau lại đi tiếp. Vì nghề này so với nghề làm muối thì thu nhập cao hơn, nghề muối phập phù lắm. Mấy năm nay mưa bão phá hủy hết cánh đồng muối, nước dâng làm ngập cả kho muối, diêm dân khốn khó, may mà có thêm nghề thợ xây này mà mưu sinh”.

Ông Nguyễn Xuân Quyết - Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết: An Hòa là xã khó khăn, cuộc sống lâu nay chủ yếu dựa vào nghề làm muối, con trai theo nghề đi biển. Mấy năm nay nghề muối, nghề đi biển bấp bênh, riêng nghề muối bắt đầu phải nghỉ từ mùa thu vì vậy dôi dư lao động nữ khá nhiều nên việc chị em thành lập các tổ thợ nề đã giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động nữ của toàn xã. Hiện toàn xã có 5 tổ thợ nề thì có 2 tổ chủ yếu là lao động nữ, nhờ từ nghề thợ nề mà nhiều hộ dân đã cải thiện được cuộc sống, có tiền xây dựng nhà cửa, trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.

Tuy nhiên nghề thợ nề lao động nữ đang còn phải đối mặt không ít những khó khăn. Như khi ốm đau thì đang phải tự bỏ tiền ra bồi dưỡng lo thuốc men. Làm việc trong môi trường ảnh hưởng đến nhiều sức khỏe như chân tay bị vôi, xi măng ăn da, những nguy hiểm do tai nạn nghề nghiệp rình rập, người thợ có khi phải thi công trên những độ cao của nhà cao tầng. Nhưng bảo hộ, bảo hiểm vẫn còn thiếu, giàn giáo chỉ được bắc tạm bợ, tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Phần lớn các thợ xây ít được đào tạo bài bản, chủ yếu trưởng thành từ kinh nghiệm, không được trang bị kiến thức cũng như những kỹ năng cơ bản về an toàn lao động.

Chia tay chị em thợ nề trời xẩm tối, tôi vẫn thấy bóng dáng họ chìm trong màn mưa lạnh buốt. Họ như con ong cần mẫn, âm thầm xây dựng nên nhiều công trình điểm tô cho quê hương đất nước.

Văn Trường

Mới nhất
x
x
Chồng đi biển, vợ thợ nề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO