(Baonghean) - Hội nghị chống khủng bố quốc tế do Liên đoàn Thế giới Hồi giáo tổ chức hiện đang diễn ra tại thánh địa Mecca của Arab Saudi. Diễn ra chỉ ít ngày sau khi Mỹ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về chống chủ nghĩa khủng bố, hội nghị lần này của các nước Hồi giáo nhằm nêu rõ thông điệp: Cần phải bảo vệ hình ảnh của người Hồi giáo toàn cầu khỏi sự hủy hoại của chủ nghĩa khủng bố.
 |
Một nhóm phiến quân Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Ảnh: AP |
Hồi giáo không đồng nghĩa với khủng bố
Đạo Hồi ra đời vào đầu thế kỷ thứ 7 tại khu vực Bán đảo Arab do nhà tiên tri Mohammad sáng lập. Mặc dù là tôn giáo ra đời muộn nhất ở Trung Đông, nhưng Hồi giáo đã nhanh chóng phát triển, trở thành tôn giáo có vị trí quan trọng nhất khu vực Trung Đông và đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên toàn cầu. Trên thực tế, đại đa số các tín đồ Hồi giáo là những phần tử ôn hòa chứ không phải những kẻ bảo thủ cực đoan, và đại đa số các phần tử bảo thủ cực đoan cũng không phải những kẻ khủng bố. Thế nhưng, không thể phủ nhận hầu hết những kẻ khủng bố trên thế giới hiện nay đều là những tín đồ Hồi giáo. Sau hàng loạt các vụ tấn công như tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Pháp, bắt cóc con tin tại Australia..., mới đây nhất, hai vụ xả súng tại Đan Mạch cũng do thủ phạm gốc Hồi giáo thực hiện. Có lẽ vì vậy mà tại Hội nghị chống khủng bố quốc tế do Liên đoàn Thế giới Hồi giáo tổ chức, tân vương Salman của Arab Saudi đã nhấn mạnh thông điệp rằng: Cần phải bảo vệ hình ảnh của người Hồi giáo toàn cầu khỏi sự hủy hoại của chủ nghĩa khủng bố, không để thế giới đánh đồng Hồi giáo với khủng bố. Với sự tham gia của hơn 700 đại biểu, trong đó có các học giả, quan chức, các đại diện từ nhiều trung tâm và hiệp Hồi giáo trên toàn thế giới, hội nghị tập trung thảo luận về nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố, bao gồm nguyên nhân về kinh tế và xã hội, nguyên nhân về giáo dục, văn hóa và truyền thống, từ đó vạch ra kế hoạch toàn diện chống khủng bố.
Cuộc chiến không chỉ của phương Tây
Hai ngày trước khi Hội nghị chống khủng bố quốc tế do Liên đoàn Thế giới Hồi giáo tổ chức khai mạc, Mỹ cũng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về chống chủ nghĩa khủng bố. Tại đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các nước Hồi giáo cùng tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố với các nước phương Tây. Tổng thống Obama cho rằng, những kẻ khủng bố đang làm mọi cách để chứng tỏ “tính chính danh” – đó là đấu tranh bạo lực để chống lại “kẻ thù” của đạo Hồi, với mục tiêu cao nhất là khôi phục Hồi giáo nguyên gốc trên phạm vi toàn cầu. Bởi vậy, cộng đồng quốc tế phải hiểu rằng “không bao giờ những tổ chức kiểu như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể đại diện cho đạo Hồi”.
Trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra lời kêu gọi các nước Hồi giáo cùng tham gia cuộc chiến chống khủng bố, châu Âu cũng đã có ý tưởng hợp tác với các nước Hồi giáo là Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Yemen, Algeria và các quốc gia vùng Vịnh trong cuộc chiến cam go này. Lý giải cho bước đi này của châu Âu, bà Federica Mogherine, Trưởng ban Chính sách Đối ngoại của Liên minh châu Âu cho rằng, đây là lựa chọn mà EU tin tưởng “có thể đánh bại tận gốc của chủ nghĩa khủng bố”, và đây là “lần đầu tiên hai bên có nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải làm việc cùng nhau”.
Việc Mỹ và châu Âu cùng đưa ra ý tưởng hợp tác với các nước Hồi giáo trong chống khủng bố cho thấy, hành động từ phía các nước Hồi giáo không chỉ là tự bảo vệ hình ảnh của chính mình như lời tân vương Salman, mà còn thể hiện nỗ lực chung vì hòa bình của nhân loại. Hiện nay, cuộc chiến chống khủng bố vẫn luôn được nhận định là “cuộc chiến không có hồi kết”. Điều nguy hiểm là những tên khủng bố thế hệ mới như một dạng “virus biến thể” đã nhanh chóng điều chỉnh các phương thức tấn công để thích nghi với các chiến dịch chống khủng bố đang được tiến hành trên phạm vi toàn cầu. Bởi vậy, dù cả hội nghị tại Mỹ cũng như hội nghị tại Arab Saudi đều chưa đưa ra những bước đi cụ thể cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, song sự đoàn kết của các quốc gia phương Tây - Hồi giáo sẽ là động lực quan trọng trong nỗ lực loại bỏ các tổ chức khủng bố như IS khỏi đời sống xã hội.
Khi phát động cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện ngày 11/9/2001, Mỹ đã nêu rõ đây không phải là cuộc chiến chống những người Hồi giáo. Cần nhắc lại một lần nữa rằng, đa số tín đồ Hồi giáo là những phần tử ôn hòa chứ không phải kẻ bảo thủ cực đoan, những kẻ khủng bố. Đó cũng là minh chứng cho chân lý tôn giáo và sự khác biệt tôn giáo không phải là nguồn gốc của các hoạt động khủng bố. Chỉ có những kẻ cuồng tín cực đoan mới gây ra các hành động bạo lực cực đoan. Và cuộc chiến chống khủng bố của các nước phương Tây cũng như của chính các nước Hồi giáo sẽ không thể chỉ dùng súng đạn, mà là giải quyết hàng loạt các vấn đề liên quan đến kinh tế, văn hóa, xã hội để tư tưởng Hồi giáo cực đoan không có cơ hội phát triển trong lòng cộng đồng người Hồi giáo.
Thúy Ngọc