Chống tham nhũng: Cuộc đấu tranh trong mỗi con người

Nhà báo Nguyễn Bắc Văn 08/12/2022 10:06

(Baonghean.vn) - Ngày Quốc tế chống tham nhũng ra đời và được tổ chức vào mùng 9/12 hàng năm, kể từ khi thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Có hiệu lực từ năm 2005, đến đầu năm 2020, Công ước có gần 190 quốc gia tham gia. Việt Nam là thành viên chính thức từ năm 2009.

Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực; tồn tại ở mọi quốc gia và thời nào cũng có, không phân biệt chế độ chính trị hay trình độ phát triển. Như bóng tối vươn theo quyền lực, quyền lực càng lớn, tham nhũng càng dễ nảy sinh. Từ thời Hy Lạp cổ đại đã có chuyện các quan chức ăn đút lót của dân, tham ô công quỹ. Theo luật của thành phố Athena thời đó, quan chức tham nhũng sẽ bị tước quyền công dân, quyền tham gia vào các tổ chức của thành phố, của bang. Còn tại thành phố Byzantium, hình phạt cho tội danh này là thiến hoặc làm cho mù mắt.

Nhà báo Nguyễn Bắc Văn

Ở Việt Nam, từ xa xưa, cha ông ta đã nói: “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”, “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”; và răn dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Nhằm ngăn chặn quan lại tham ô, nhiều triều đại phong kiến đã có luật quy định cụ thể, như Luật Hồng Đức thế kỷ XV coi tham nhũng là tội nguy hiểm; trong đó có ghi “Ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan, xử tội “biếm” (hạ chức) hoặc bãi chức;… từ 50 quan trở lên thì xử tử”.

Vì căn bệnh trầm kha mang tính toàn cầu này, Ngày Quốc tế chống tham nhũng ra đời và được tổ chức vào mùng 9/12 hàng năm, kể từ khi thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (ngày 31/10/2003). Có hiệu lực từ năm 2005, đến đầu năm 2020, Công ước có gần 190 quốc gia tham gia. Việt Nam là thành viên chính thức từ năm 2009. Hội nghị Quốc tế chống tham nhũng lần thứ 20 năm nay diễn ra từ ngày 6-10/12/2022 tại Washington DC (Mỹ), với chủ đề: Nhổ tận gốc tham nhũng, bảo vệ các giá trị dân chủ. Để hiện thực hóa được mong muốn ấy là điều không dễ, bởi tham nhũng ngày càng tinh vi, có tổ chức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được sống trong hòa bình và an ninh của mỗi người.

Sớm thấy tác hại của tham nhũng, chỉ sau khi Nhà nước ta ra đời hơn 1 tháng, ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Trong đó, Người viết: “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu mà ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức”. (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.1995, T.4, tr.56).

Đồ họa: Diệp Thanh

Quá trình xây dựng đất nước, Đảng ta luôn coi trọng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, được thành lập ngày 1/2/2013, cuộc chiến với thứ “giặc nội xâm” này bước sang giai đoạn mới, ngày càng đi vào chiều sâu, quyết liệt với những kết quả để lại dấu ấn tốt trong lòng nhân dân. Trong 10 năm, từ năm 2012 đến năm 2022, đã có 170 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương và nhiều tướng lĩnh. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, 67 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 13 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (gồm 5 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 7 bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy; 18 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương,…). Một số liệu xưa nay chưa từng có.

Song điều trăn trở lớn nhất là, làm quyết liệt như vậy, nhưng tham nhũng vẫn chưa bị ngăn chặn mà còn diễn ra phức tạp thêm nhiều lĩnh vực mới như trong phòng, chống dịch bệnh, chứng khoán, bất động sản,... Giữa đại dịch Covid-19, khi cả nước gồng mình lên chống dịch như chống giặc, người dân dù vất vả đến mấy vẫn sẵn sàng chia sẻ với nhau từ gói mì tôm, bó rau thì hàng trăm cán bộ lại lợi dụng hoàn cảnh ấy để kiếm chác. Những người được gọi là “công bộc” của dân mà lại đang tâm nâng khống giá kít test xét nghiệm để hưởng lợi; nhận hoặc môi giới hối lộ trong các chuyến máy bay giải cứu đồng bào ta từ các tâm dịch về nước. Những hành vi tham nhũng ấy không còn tình người, nói gì đến đạo đức công vụ.

Thật đau lòng, số đối tượng vi phạm nêu trên lại hầu như là cán bộ được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ thực tiễn, nhiều người được đánh giá có trình độ, phẩm chất, năng lực, được cất nhắc vào các cương vị công tác quan trọng, thậm chí là đứng đầu ngành hay địa phương. Điều gì làm cho họ đánh mất chính mình và ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự, uy tín của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân? Phải chăng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút,…” (SĐD, T.5, tr.117). Đó chính là suy thoái đạo đức, lối sống.

Suy thoái và tham nhũng là hai mặt của bóng tối. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là căn nguyên dẫn đến tham nhũng, kể cả tham nhũng chính trị, chạy chức, chạy quyền; ngược lại, tham nhũng làm cho suy thoái ngày càng trầm trọng thêm, làm biến chất, hư hỏng cán bộ. Chống được suy thoái thì sẽ ngăn chặn được tham nhũng. Chống tham nhũng đã khó, nhưng chống suy thoái về đạo đức, lối sống lại càng khó hơn, bởi đó là biểu hiện sa vào cá nhân chủ nghĩa, nó ẩn hiện trong mỗi con người, nếu không chiến thắng được nó, sẽ gục ngã. Thực tế, không ít cán bộ vốn được tôn vinh là anh hùng, có nhiều đóng góp cho xã hội, nhưng không chống lại được lòng tham để rồi vướng vào vòng lao lý.

Như thế mới thấy, chống tham nhũng không chỉ là chống lại những kẻ lợi dụng chính sách, lạm dụng chức quyền để làm trái, hưởng lợi, mà đó còn là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi con người, nhất là người có chức quyền, mỗi tổ chức, trước hết là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng và những người đảm đương trọng trách này.

Đồ họa: Diệp Thanh

Để nhổ tận gốc tham nhũng, thiết nghĩ, trước hết cần đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đề cao trách nhiệm nêu gương, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, phải có một cơ chế, chính sách pháp luật phòng ngừa chặt chẽ, đồng bộ để “không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm minh để “không dám tham nhũng” và một cơ chế, chính sách phù hợp để “không cần tham nhũng”. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải nêu gương, giữ mình để không bị mọi cám dỗ lung lay. Quyền lực được trao đến đâu phải có cơ chế kiểm soát đến đó.

Với quan điểm chống tham nhũng phải đi liền với chống tiêu cực, ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 32, bổ sung chức năng, nhiệm vụ đối với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng mà bao gồm cả phòng, chống tiêu cực với trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ở cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã được thành lập sẽ làm cho công tác này được triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Tham nhũng như một thứ vi rút ăn mòn niềm tin của người dân và công lý, ảnh hưởng đến sự tồn vong của mọi chế độ. Không những thế, nó còn như bóng ma dìm con người ta xuống bùn sâu tủi nhục. Nói về tham nhũng, tiêu cực, nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ, có những người có thiếu thốn gì đâu, nhưng tham thế, chưa làm cái gì đã nghĩ đến chấm mút. Nói nhỏ là chấm mút, nói to là vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng là đảng viên, dân coi thường… Tiền nhiều, khi chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều cao quý, thiêng liêng nhất. Thực tế, không ít cán bộ nhà lầu, xe hơi vì tham nhũng thế là mất tất cả, gia đình tan nát, danh dự, sự nghiệp không còn. Thật đau xót!

Chống tham nhũng: Cuộc đấu tranh trong mỗi con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO