Chủ động, linh hoạt triển khai đề án vị trí việc làm

03/09/2017 16:23

(Baonghean) - Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đến nay 38/38 huyện, thành, thị ủy, các Ban đảng, đơn vị trên địa bàn Nghệ An đã hoàn thành việc xây dựng đề án vị trí việc làm, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã thẩm định và xây dựng đề án vị trí việc làm của tỉnh gửi Ban Tổ chức Trung ương thẩm định, phê duyệt.

Quán triệt nhận thức, tư tưởng

Nghệ An là một trong những địa phương chủ động triển khai sớm việc xây dựng đề án vị trí việc làm (VTVL) trong các cơ quan đảng và tổ chức chính trị - xã hội, xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng góp phần giảm biên chế một cách hợp lý, đảm bảo thực hiện chủ trương của Đảng về rà soát, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, phù hợp, có tính ổn định, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và là cơ sở để thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để đánh giá khả năng, năng lực của công chức, viên chức và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao xác định VTVL, khung năng lực, bản mô tả công việc và số lượng biên chế ứng với mỗi VTVL của từng cơ quan, đơn vị.

Cán bộ Huyện ủy Kỳ Sơn trao đổi với người dân bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn. Ảnh: Khánh Ly
Cán bộ Huyện ủy Kỳ Sơn trao đổi với người dân bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn. Ảnh: Khánh Ly

Sau khi có hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho BTV Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, Tổ thư ký xây dựng đề án; tổ chức tập huấn, hướng dẫn đề cương chi tiết tổng hợp đề án VTVL cho 38 cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thành, thị ủy với sự tham gia của 250 đại biểu. Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng thành lập Hội đồng thẩm định đề án các cơ quan, đơn vị và tiến hành xây dựng đề án của tỉnh, đồng thời chọn 4 đơn vị chỉ đạo điểm (Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động tỉnh, huyện Tân Kỳ và Báo Nghệ An) để rút kinh nghiệm.

Trong quá trình triển khai, Ban chỉ đạo đề án đã quán triệt cho đội ngũ cấp ủy có sự thống nhất về mặt nhận thức, tư tưởng và hành động, xác định rõ đề án VTVL là xu thế tất yếu, xây dựng đề án khoa học, phù hợp với thực tiễn sẽ giải quyết được những bất cập trong việc sắp xếp tổ chức, bộ máy và quản lý biên chế hiện nay, muốn triển khai đề án hiệu quả nhất thiết phải thoát ly tư duy “níu giữ biên chế”.

“3 Không, 3 Rõ”

Ban Tổ chức Tỉnh ủy là cơ quan gương mẫu đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Từ việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, xây dựng VTVL và hệ thống quy chế nội bộ của ban, nhận thấy việc lãnh đạo, điều hành công việc giữa các phòng có lúc, có nơi vẫn còn chồng chéo, dẫn đến hiệu quả chưa như mong muốn, Ban đã chủ động rút gọn từ 6 phòng xuống 4 phòng. Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhận xét: “Việc tinh gọn đầu mối các phòng không những vẫn đảm bảo yêu cầu công việc mà còn lược bỏ các khâu trung gian, giảm đầu mối, giảm biên chế, vận hành bộ máy thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả, thể hiện được tinh thần 3 Không - “Không cồng kềnh, Không chồng chéo, Không bỏ sót” và 3 Rõ - “Rõ người, Rõ việc, Rõ trách nhiệm”.

Trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ, một số ban khác cũng đã xây dựng các giải pháp, lộ trình thực hiện, hướng tới xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động tỉnh… Một số huyện cũng đề nghị nhất thể hóa chức danh trưởng ban tuyên giáo và giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, điều động biệt phái cán bộ phụ trách an ninh của công an huyện làm phó văn phòng huyện ủy tham mưu công tác nội chính của cấp ủy cấp huyện...

Công dân làm việc tại bộ phận một cửa huyện Nghi Lộc 2. Ảnh: Thu Giang
Công dân làm việc tại bộ phận một cửa huyện Nghi Lộc 2. Ảnh: Thu Giang

Bên cạnh đó, một số đơn vị đã chủ động thu gọn đầu mối và rà soát, phân loại cán bộ công nhân viên chức theo từng nhóm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tránh sự chồng chéo khi phân công, giao việc. Như tại Báo Nghệ An, căn cứ vào kết quả rà soát chất lượng lao động từ các phòng ban và mô tả cụ thể công việc của từng cá nhân, từng bộ phận, Ban Biên tập đã có phương án bố trí, luân chuyển, sắp xếp các vị trí rõ người, rõ việc, theo đúng bằng cấp được đào tạo và phù hợp với năng lực chuyên môn.

Việc phân loại và xác định năng lực cán bộ, phóng viên để đào tạo được phân thành 4 nhóm: Nhóm 1 được đào tạo bài bản, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có thể đào tạo nâng cao làm nòng cốt trong chuyên môn; nhóm 2 được đào tạo bài bản, nhưng còn hạn chế về năng lực, cần đào tạo các kỹ năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nhóm 3 hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng chưa được đào tạo bài bản, cần đào tạo theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ được giao; nhóm 4 gồm những người cần phải đào tạo lại.

Trên cơ sở đó, tòa soạn đã xây dựng kế hoạch tiến hành đào tạo nâng cao đối với những cán bộ tiềm năng hoặc cán bộ còn nhiều hạn chế về năng lực chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan…

Góp phần đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế

Qua xây dựng đề án VTVL, nhiều địa phương, đơn vị đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế như yêu cầu. Ví như tại huyện Con Cuông, theo đề án, huyện dự kiến tinh giản 8 biên chế, đạt 11,94% (vượt so với yêu cầu đến năm 2021 tỷ lệ tinh giản tối thiểu 10%), cụ thể thu gọn 2 đầu mối, giảm 6 biên chế (gồm các vị trí ở Ban tổ chức; Hội CCB, đoàn thanh niên; Hội phụ nữ; MTTQ; Trung tâm BDCT huyện).

Đồng chí Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho hay: “Từ nay đến năm 2021, cơ quan Huyện ủy giảm 1 biên chế ở Ban Tổ chức, quán triệt quan điểm không tuyển mới mà luân chuyển, điều động cán bộ từ các cơ quan trong hệ thống chính trị về công tác. Do đó, mặc dù số biên chế tinh giản của riêng cơ quan Huyện ủy không đảm bảo tỷ lệ 10% theo tinh thần Nghị Quyết 39 nhưng xét toàn bộ biên chế chung của cơ quan Huyện ủy, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Trung tâm BDCT vẫn vượt tỷ lệ yêu cầu”.

Trong khi đó, tại huyện Đô Lương, đề án VTVL của huyện được xây dựng trên cơ sở thống nhất nguyên tắc từ năm 2017 không tăng biên chế và đến năm 2021 giảm 10,3% tổng biên chế. Do một số vị trí cán bộ chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời nên một số cơ quan thiếu biên chế (Ban Tuyên giáo, Văn phòng Huyện ủy, Hội Nông dân, MTTQ huyện), có cơ quan lại thừa biên chế như Huyện đoàn…

Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, huyện đề xuất theo hướng sáp nhập Trung tâm bồi dưỡng chính trị với Ban Tuyên giáo, cơ cấu chức danh Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ, thực hiện tinh giản biên chế VTVL nhóm phục vụ như lái xe (giảm 1 biên chế để thực hiện khoán xe), đưa một vị trí phục vụ nhà bếp chuyển sang công việc khác, bố trí kế toán cơ quan Huyện ủy kiêm kế toán Trung tâm bồi dưỡng chính trị và yêu cầu giảm bớt người ở một số tổ chức như Hội phụ nữ, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy…

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên của lãnh đạo các cấp và sự chủ động bám việc, bám nhiệm vụ được phân công của thành viên Ban Chỉ đạo, bộ phận giúp việc xây dựng đề án ở các cơ quan, đơn vị… các khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra trong quá trình xây dựng đề án đã được tháo gỡ kịp thời. Đến ngày 23/2/2017, 38/38 huyện, thành, thị, cơ quan, đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng đề án VTVL và gửi về tỉnh để thẩm định...

(Còn nữa)

Khánh Ly - Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Chủ động, linh hoạt triển khai đề án vị trí việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO