Chủ động phòng, chống dịch bệnh Ebola
(Baonghean) - Dịch Ebola đang hoành hành tại 4 nước Tây Phi và có nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Để ứng phó, phòng chống dịch, Nghệ An đang chủ động triển khai nhiều biện pháp tích cực. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giám sát, phát hiện bệnh… Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề này.
(Baonghean) - Dịch Ebola đang hoành hành tại 4 nước Tây Phi và có nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Để ứng phó, phòng chống dịch, Nghệ An đang chủ động triển khai nhiều biện pháp tích cực. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giám sát, phát hiện bệnh… Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề này.
P.V: Xin bác sỹ cho biết nguy cơ dịch Ebola lây lan về Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng?
Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng: Bệnh Ebola là căn bệnh truyền nhiễm do virus siêu nguy hiểm Ebola gây nên. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Sudan và Cộng hoà Congo vào năm 1976, làm 800 người tử vong. Từ đó đến nay, bệnh xuất hiện rải rác ở nhiều nơi. Và từ cuối năm 2013, Ebola bùng phát trở lại ở 4 nước Tây Phi, gồm Guinea, Liberia, Sierra và Nigeria. Tính đến ngày 20/8, đã có gần 2.000 người mắc Ebola, trong đó 1.169 người mắc đã tử vong. Tỷ lệ người mắc Ebola tử vong hiện là 70% và có thể lên đến trên 90%.
Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại Sân bay Vinh. Ảnh: Hà đan |
Ebola có cơ chế lây từ việc người lành tiếp xúc trực tiếp với máu và các chất bài tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch hoặc chất nhờn) của người mắc bệnh, hoặc người lành tiếp xúc với các động vật mang virus Ebola như dơi ăn trái, vượn, khỉ, tinh tinh, lợn, nhím, linh dương…
Việt Nam chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh Ebola, tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh là hoàn toàn có thể. Bệnh Ebola có thể “nhập cảnh” vào Việt Nam, Nghệ An qua khách du lịch, người đi làm việc, học tập từ các nước từ vùng có dịch trở về bằng đường không, đường bộ, đường biển.
P.V: Trước nguy cơ dịch bệnh, Nghệ An đã triển khai những biện pháp ứng phó, phòng chống nào?
Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng: Trước nguy cơ dịch bệnh Ebola, vừa qua tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh trong 7 tháng đầu năm 2014, đồng thời triển khai công tác phòng, chống dịch Ebola, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Lệ Thanh chủ trì, với sự tham gia của tất cả các sở, ban, ngành liên quan. Tại hội nghị, Nghệ An đã đặt ra 4 tình huống giả định theo các cấp độ (Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam; Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam, nhưng chưa có ca bệnh xâm nhập vào Nghệ An; Dịch lan rộng ở Việt Nam và có ca bệnh xâm nhập vào tỉnh Nghệ An; Dịch bùng phát trong cộng đồng), với các biện pháp cụ thể kèm theo. Các sở, ban, ngành cũng đã đề xuất UBND tỉnh cho mua thêm 1 máy đo thân nhiệt đặt ở Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn để phát hiệm sớm trường hợp nhiễm bệnh.
UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo, phân công trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh cụ thể cho tất cả các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh trên tinh thần “4 tại chỗ”. Các sở, ban, ngành, địa phương tiến hành xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Ebola cho riêng mình, đồng thời tăng cường công tác phối hợp với ngành Y tế, đặc biệt là cung cấp, chia sẻ thông tin và giám sát dịch bệnh.
Hiện tại, Nghệ An đang tích cực thực hiện phòng, chống Ebola với việc đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu về dịch Ebola như tác hại, cơ chế lây để có những ứng xử phù hợp. Ngành Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác phòng, chống dịch tại Sân bay Vinh, Cảng Cửa Lò, Cửa khẩu Nậm Cắn và trên đường biên giới. Sân bay Vinh đã được bố trí máy đo thân nhiệt. Ngành chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn nêu cao tinh thần giám sát dịch bệnh ở cộng đồng, nhất là đối với những người đi lao động từ các nước châu Phi về, bởi việc phát hiện ca bệnh đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng để phòng, chống dịch hiệu quả. Sắp tới, ngành Y tế tiến hành tổ chức các lớp tập huấn về giám sát ca bệnh do virus Ebola cho các huyện, thành, thị.
P.V: Bác sỹ khuyến cáo gì để người dân không hoang mang và chủ động ứng phó dịch Ebola?
Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng: Ebola không chỉ là nỗi lo của một quốc gia mà đã là nỗi lo chung của cả cộng đồng. Tuy vậy, chúng ta cần bình tĩnh, không hoang mang bởi bệnh Ebola chỉ có thể lây khi người tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người mắc bệnh, của động vật mang virus. Bệnh không dễ lây như các dịch bệnh qua đường hô hấp. Hiện tại, trên thế giới mới chỉ có 4 nước Tây Phi nói trên là có người mắc bệnh; ở các nước khác mới chỉ phát hiện người có triệu chứng nghi ngờ và qua giám sát thì chưa phát hiện trường hợp mắc. Ở Việt Nam, công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh Ebola đang được thực hiện nghiêm và quốc tế đánh giá cao điều này.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh Ebola, mỗi người dân cần làm tốt công tác vệ sinh cá nhân; hạn chế tiếp xúc với các động vật nghi ngờ; giữ gìn vệ sinh môi trường; khi tình trạng sức khỏe có biểu hiện xấu nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra, bởi bản thân dịch bệnh Ebola cũng không có triệu chứng đặc thù riêng… Đối với những người có nhu cầu đi lao động, du lịch, học tập tại các nước có nguy cơ cao thì nên cân nhắc, cẩn trọng và hạn chế tối đa..
P.V: Xin cảm ơn bác sỹ!
Thanh Sơn (Thực hiện)
Trong chiều 19/8 tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, qua giám sát bằng máy đo thân nhiệt, các cơ quan chức năng đã phát hiện 2 hành khách người Nigeria có biểu hiện sốt. 2 hành khách này đã được chuyển đến khu vực cách ly của Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh để tiến hành cách ly, theo dõi, kiểm tra, xét nghiệm, chăm sóc sức khỏe theo quy định. Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam để gửi mẫu xét nghiệm. Được biết 2 hành khách quốc tịch người Nigeria xuất cảnh từ Nigeria ngày 18/8/2014, tiếp đó bay trên chuyến bay số hiệu QR964 của hãng hàng không Qatar Airway đi từ Qatar tới Việt Nam… Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế cũng đề nghị những hành khách đi cùng chuyến bay trên ngồi ở các hàng ghế số 24, 25, 26, 27 của chuyến bay QR964 ngày 19/8/2014 chủ động đến các cơ sở y tế nơi gần nhất hoặc liên hệ với số điện thoại: 0989 671 115 để được hướng dẫn về các biện pháp phòng bệnh và theo dõi sức khỏe; gửi danh sách các hành khách ngồi trên các số ghế trên cho các địa phương để tiếp tục theo dõi. Sau khi có thông tin phát hiện 2 trường hợp đầu tiên có biểu hiện nghi vấn… dư luận cho rằng Việt Nam nên đóng cửa, cấm nhập cảnh đối với những du khách đến từ các nước vùng dịch, cấm công dân của mình đi tới các nước này như một số nước châu Phi đang thực hiện. |