Chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa cho biết, hiện nay tại nhiều địa phương, người chăn nuôi đang gia tăng tái đàn gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp Tết Nguyên đán.
Do thời tiết lạnh, làm cho sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh tồn tại, lây lan. Vì vậy nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng tái phát và lây lan dịp trước và sau Tết Quý Tỵ đang là rất cao.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo chính quyền cơ sở, các ban ngành của địa phương chủ động xây dựng kế hoạch nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hóa chất để phòng, chống dịch lây lan vào địa bàn và ứng phó kịp thời khi có ở dịch xảy ra.
Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục trong cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh gia súc, gia cầm; vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh có hiệu quả, khai báo cho chính quyền địa phương hoặc nhân viên thú y khi phát hiện gia súc, gia cầm bệnh, chết bất thường.
Đồng thời, chỉ đạo tổ chức các cơ quan chức năng xây dựng chương trình, dự án tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đối với những bệnh có nguy cơ cao, đặc biệt ưu tiên phòng các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng và tai xanh.
Riêng đối với bệnh cúm gia cầm, hiện nay do vi rút cúm đã lưu hành trong đàn thủy cầm, đàn chim hoang và chim di trú tại rất nhiều địa phương, đặc biệt gần đây đã xuất hiện nhiều nhánh vi rút cúm mới xâm nhập vào trong nước qua nhiều đường, vì vậy biện pháp chủ đạo vẫn phải tiếp tục tiêm phòng vắc xin, đồng thời tăng cường giám sát ổ dịch, giám sát lưu hành và biến đổi của vi rút cúm gia cầm.
Theo Chinhphu.vn - LC