Chủ động phòng chống dịch bệnh sau lũ

21/10/2013 16:02

(Baonghean) - 2 tuần sau trận lụt “lịch sử”, chúng tôi tìm về Thị xã Hoàng Mai, cuộc sống của người dân đang dần trở lại bình thường. Xác định rõ công việc cần làm sau lụt bão là công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở người và gia súc, Thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu đã tập trung vận động nhân dân tổng dọn vệ sinh môi trường…

Sau khi lũ rút đã để lại một khối lượng bùn đất, rác thực vật, xác động vật ngổn ngang từ trong nhà ra cửa, giếng nước, đường sá, đồng ruộng..., nguy cơ dịch bệnh rất cao. Để hỗ trợ bà con vùng lũ trong xử lý môi trường, các đơn vị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban chỉ huy Quân sự huyện và Huyện đoàn đã cử chiến sĩ, đoàn viên của mình tình nguyện giúp các địa phương thu dọn vệ sinh, thu gom xác gia súc, vệ sinh các lớp học, khắc phục các tuyến đường bị sạt lở… Phía chính quyền các phường xã, cùng với việc chỉ đạo người dân tự thu dọn, gom rác gia đình mình đưa ra điểm tập kết để chuyển đi đã huy động thanh niên và các đoàn thể giúp các trường học.

800 lít hóa chất do Chi cục Thú y tỉnh cấp đã được Trạm Thú y Thị xã Hoàng Mai triển khai tiêu độc khử trùng các chuồng trại chăn nuôi của các hộ dân ở 10/10 phường, xã. Ông Phạm Chí Diên - Trưởng phòng Kinh tế - Tổng hợp, Thị xã Hoàng Mai, cho biết: “Nước sinh hoạt là một trong những vấn đề nan giải sau lụt, các giếng nước của người dân đều bị ô nhiễm, vậy nên song song với việc cứu đói ổn định đời sống cho nhân dân, thị xã cũng đã chú trọng xử lý nước sinh hoạt cho người dân”.

Trong tổng số hơn 11.429 hộ dân tại 181 thôn, khối của TX. Hoàng Mai bị ngập lụt, đã xử lý được 10.473/11.377 giếng nước bị ngập; 4.543/4.543 bể cạn được xử lý bằng các hóa chất (Cloramin B và phèn). Cùng với bể và giếng nước, 100% công trình vệ sinh ở các gia đình vùng lụt đều được phun thuốc và hóa chất xử lý. Bác sĩ Nguyễn Thị Phương - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Quỳnh Thiện, cho biết: “Các hộ có giếng đào, bể cạn đều đã được cán bộ trạm y tế cùng với y tế khối hướng dẫn xử lý hóa chất và súc rửa ngay sau khi nước rút. Đối với xác gia súc gia cầm bị chết trôi về địa bàn, xã chỉ đạo các xóm thu gom và đào hố sâu chôn lấp và xử lý bằng vôi bột.

Công nhân Công ty CP Đầu tư và phát triển môi trường TX. Hoàng Mai giúp dân thu dọn rác thải sau cơn bão số 10.
Công nhân Công ty CP Đầu tư và phát triển môi trường TX. Hoàng Mai giúp dân thu dọn rác thải sau cơn bão số 10.

Mặc dù gần 100% giếng khơi và bể cạn đã xử lý nhưng tâm lý người dân vẫn rất thận trọng. Sau khi xử lý, nước giếng và thùng chỉ dùng giặt rửa, những ngày đầu các hộ dân mua nước đóng chai hoặc nước máy để ăn uống. Gần đây có mưa, nhân dân tranh thủ hứng vào bể cạn để dùng. Hiện tại, mặc dù chưa xuất hiện ổ dịch nhưng theo chúng tôi ghi nhận được tại Trạm Y tế xã Quỳnh Dị thì đã xuất hiện một số bệnh sau lũ như hiện tượng trẻ em bị bệnh về đường hô hấp (do khí hậu ẩm thấp); bệnh ngoài da mẩn ngứa, bệnh phụ khoa…

Bác sĩ Lê Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu (bao gồm cả khu vực Hoàng Mai) cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của ngành, rút kinh nghiệm từ các lần dập dịch trước, ngay trước khi lụt xảy ra, trên cơ số được cấp, chúng tôi đã kịp thời cấp chuyển về các xã, phường vùng lũ: gồm 144 kg Cloramin B, 14.500 viên lọc nước Aquatabs và 15.000 viên Cloruamin B cho tất cả các xã trong huyện Quỳnh Lưu và Hoàng Mai. Đối với các địa bàn bị ngập nặng, ngoài cơ số được cấp bổ sung sau lụt do bão số 10, thì trung tâm cấp thêm và hiện tại cũng đã chuẩn bị đầy đủ cơ số vật tư, thuốc men để dự phòng các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh.

Lũ đã đi qua gần 3 tuần và đến thời điểm này chưa có dịch bệnh lớn phát sinh, đó là một điều mừng của người dân vùng lũ. Tuy vậy, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nguyên Truyền - Trưởng phòng Kế hoạch, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Dù sau lụt không có bệnh dịch lớn xảy ra nhưng do tại Thị xã Hoàng Mai, nhất là vùng Quỳnh Dị, Thị trấn Hoàng Mai… từng là nơi có “ổ” dịch tiêu chảy cấp, vi khuẩn tả và sốt xuất huyết nên ngành không thể chủ quan. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng như huyện đang cử cán bộ thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến từ các xã để ngay khi phát hiện các dấu hiệu dịch thì tập trung bao vây xử lý ngay”.

Hiện nay, rác thải trên địa bàn thị xã mỗi tuần chỉ được thu gom để chở đi bãi rác tập trung 1 lần. Do chưa quy hoạch chỗ tập kết và dụng cụ, phương tiện còn hạn chế nên tình trạng rác ứ đọng hoặc tập kết rác tùy tiện vẫn xảy ra. Trong điều kiện thời tiết mưa ẩm rất lớn, cộng với rác thải ứ đọng tạo ra nguy cơ dễ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, thiết nghĩ ngoài việc xử lý môi trường, Thị xã Hoàng Mai cần có giải pháp tăng cường thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải kịp thời, tránh tình trạng rác thải ứ đọng để góp phần làm sạch môi trường chung, hạn chế điều kiện cho dịch bệnh phát sinh.

Nguyễn Hải

Mới nhất
x
Chủ động phòng chống dịch bệnh sau lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO