Chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N6

26/08/2014 11:01

(Baonghean) - Lần đầu tiên, vi rút cúm A/H5N6 từng gây tử vong trên người được ghi nhận phát hiện ở Việt nam. Là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn, hoạt động giao thương diễn ra thường xuyên, trong khi Hà Tĩnh- địa phương “láng giềng” lại là 1 trong 2 tỉnh phát hiện có vi rút này trên đàn vật nuôi, Nghệ An cần có những biện pháp phòng, chống kịp thời và quyết liệt.

Trang trại chăn nuôi vịt của anh Nguyễn Văn Chương (khối 5 Thị trấn Hưng Nguyên) hiện có hơn 1.000 con vịt gốc, nằm ngay cạnh tuyến đường tránh Vinh. Thời gian qua, đàn vịt của gia đình anh Chương đã được tiêm phòng định kỳ đầy đủ, tuy nhiên, anh tỏ ra khá lo lắng trước thông tin xuất hiện mẫu vi rút mới tại Hà Tĩnh. “Các phương tiện vận chuyển gà vịt chạy qua tuyến đường tránh Vinh này thường xuyên, trang trại lại nằm sát đường nên rất lo bị phát tán, lây lan dịch bệnh. Hiện nay, chúng tôi chỉ tập trung phòng bệnh bằng cách nuôi nhốt, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và mua vôi về rải ở lối ra vào”- anh Chương cho biết.

Là địa bàn nằm sát TP. Vinh (Nghệ An) và tỉnh Hà Tĩnh, lại có tuyến đường tránh Vinh chạy qua nên Hưng Nguyên được coi là một trong những địa phương “nhạy cảm” với dịch cúm A/H5N6. Ông Nghiêm Xuân Bảo – Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Hưng Nguyên cho biết: Toàn huyện có trên 600 nghìn con gia cầm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, chúng tôi xác định đề phòng nhằm có những ứng phó kịp thời là hết sức cần thiết, đặc biệt trong thời điểm hiện nay. Trạm đã phối hợp với huyện, xã tăng thời lượng tuyên truyền về tính chất, tác hại của chủng vi rút cúm A/H5N6 và các chủng vi rút khác trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu; khuyến cáo người chăn nuôi để ý đàn gia cầm, phát hiện báo cáo ngay những trường hợp gia cầm ốm để có biện pháp xử lý kịp thời”.

Diễn tập phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh: T.T
Diễn tập phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh: T.T

Nghệ An hiện có tổng đàn gia cầm lên tới trên 16 triệu con. Trước tình hình dịch cúm A/H5N6 lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam đã gây bệnh trên đàn vịt nuôi ở địa phương “láng giềng” Hà Tĩnh, việc tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm là hết sức cần thiết. Theo ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, do nằm tiếp giáp với Hà Tĩnh, nên việc vận chuyển, buôn bán gia cầm rất có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới Nghệ An. Đây là loại vi rút rất nguy hiểm, trong khi hiện chỉ mới có vắc xin phòng chủng vi rút H5N1 chứ chưa có vắc xin dành cho các chủng vi rút mới, cho nên công tác ngăn ngừa hiện đang được coi là biện pháp hàng đầu, khả dĩ nhất trong tình hình hiện nay. “Chúng tôi đã chỉ đạo Trạm Kiểm dịch Nam Nghệ An tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát gia cầm và sản phẩm gia cầm đưa vào địa bàn TP. Vinh tiêu thụ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật. Tỉnh đã có Công điện số 22 về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, quyết định cấp 102 triệu đồng để các cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu giám sát trên gia cầm và môi trường ở các tụ điểm buôn bán gia cầm tại TP. Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Hưng Nguyên nhằm phát hiện sớm vi rút cúm A/H5N6 và các chủng vi rút cúm khác trên gia cầm để có biện pháp xử lý kịp thời. Hiện tại, chúng tôi đang làm các thủ tục cần thiết, triển khai lấy mẫu, xét nghiệm sớm để giám sát chủ động. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các trạm thú y tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, để giám sát chặt việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, nghiêm túc thực hiện việc kiểm dịch tại gốc. Khi phát hiện có vi rút cúm A/H5N6 xuất hiện trên gia cầm hoặc trong môi trường phải tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý triệt để, kịp thời, không để vi rút phát tán ra diện rộng”- ông Minh cho biết.

Như vậy, để chủ động ngăn chặn vi rút cúm A/H5N6 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác lây nhiễm vào địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các địa phương cần chỉ đạo các lực lượng liên quan như: Thú y, Quản lý thị trường, Công an... thường xuyên kiểm tra, giám sát các tụ điểm kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia cầm; tăng cường quản lý nhằm ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm từ vùng dịch, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vào địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác giám sát, phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh để xử lý ổ dịch trong diện hẹp. Đặc biệt, các địa phương giáp với tỉnh Hà Tĩnh như: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương và TP Vinh phải xây dựng ngay kế hoạch chủ động giám sát vi rút cúm trên gia cầm và môi trường tại chợ buôn bán gia cầm sống, khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm ổ dịch. Xử lý, tiêu hủy triệt để gia cầm, đàn gia cầm dương tính với vi rút cúm A/H5N6 theo hướng dẫn của cơ quan thú y khi được phát hiện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên đài phát thanh, truyền hình huyện, thành, thị và hệ thống loa phóng thanh của xã, phường, thị trấn về nguy cơ lây nhiễm chủng vi rút cúm A/H5N6 cho người và gia cầm. Yêu cầu người dân báo dịch ngay khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường; nghiêm cấm việc dấu dịch và bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; không buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao phát sinh ổ dịch cúm gia cầm như: khu vực chăn nuôi gia cầm, chợ buôn bán, điểm thu gom gia cầm, cơ sở ấp nở, cơ sở giết mổ gia cầm...

Theo Thông báo của Bộ NN & PTNT, tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã phát hiện một ca tử vong đầu tiên trên thế giới do nhiễm vi rút cúm A/H5N6. Các quốc gia khác như: Đức, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Đài Loan, Lào cũng đã phát hiện cúm A/H5N6 độc lực thấp hoặc các mẫu gia cầm dương tính với virut cúm A H5N6 nhưng không gây bệnh lâm sàng. Tại Việt Nam cũng đã phát hiện một số trường hợp dương tính với vi rút cúm A/H5N6 trên gia cầm tại Lạng Sơn và Hà Tĩnh. Kết quả phân tích cho thấy các mẫu vi rút này có tỷ lệ tương đồng trên 99% so với chủng vi rút cúm A/H5N6 gây tử vong trên người tại Trung Quốc.
Về mức độ nguy hiểm của cúm A/H5N6, GS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cho biết: "Mức độ nguy hiểm của cúm A/H5N6 được đánh giá tương đương cúm A/H5N1. Sự trở lại của cúm A/H5N1, việc tồn tại của cúm A/H1N1, nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập và sự xuất hiện của chủng cúm A/H5N6 là thực sự đáng lo ngại vì những biến đổi khó lường của vi rút cúm. Chúng đặc biệt nguy hiểm bởi cơ thể người chưa có kháng thể chống lại những vi rút mới, trong khi đặc tính của vi rút cúm là luôn biến đổi để thích nghi”.

Hương Thành

Mới nhất

x
Chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO