Chủ động phòng, chống dịch Ebola

13/08/2014 09:21

(Baonghean) - Đại dịch Ebola đang lan rộng tại nhiều quốc gia ở Tây Phi đe dọa tính mạng của rất nhiều người. Khoảng 90% người nhiễm virus Ebola có thể tử vong. Nhận biết sớm các triệu chứng khi nhiễm virus Ebola để sớm có biện pháp cách ly, điều trị tích cực nhằm giảm thiểu rủi ro cho cả người bệnh và cộng đồng.

(Baonghean) - Đại dịch Ebola đang lan rộng tại nhiều quốc gia ở Tây Phi đe dọa tính mạng của rất nhiều người. Khoảng 90% người nhiễm virus Ebola có thể tử vong. Nhận biết sớm các triệu chứng khi nhiễm virus Ebola để sớm có biện pháp cách ly, điều trị tích cực nhằm giảm thiểu rủi ro cho cả người bệnh và cộng đồng.

Kiểm tra y tế tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh Internet
Kiểm tra y tế tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh Internet

Triệu chứng căn bệnh Ebola

Ebola là căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ do virus Ebola gây nên, tỷ lệ tử vong ở người nhiễm có thể lên đến 90%. Ebola có thể lây từ vật sang người và từ người sang người. Động vật được xác định là vật chủ mang virus là dơi, cụ thể ở đây là dơi quạ ăn quả. Virus Ebola có thể lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu và các chất bài tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch hoặc chất nhờn) của người mắc bệnh. Ebola có thể lây qua các vết xước nhỏ hoặc những tiếp xúc từ niêm mạc của người lành với người bệnh, thậm chí qua một vật trung gian như chăn đệm, ga giường, quần áo và kim tiêm.

Người nhiễm bệnh sốt xuất huyết Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sốt cấp tính, suy nhược, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp đến bệnh nhân sẽ nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, phát ban dày đặc trên mặt, viêm kết mạc, suy thận và gan; đi ngoài phân đen, chảy máu từ mắt, tai, mũi, miệng và trực tràng, làm sưng mắt và bộ phận sinh dục. Thông thường, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện rõ rệt từ 8 - 10 ngày sau khi tiếp xúc. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 đến 21 ngày. Tính đến thời điểm này, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh Ebola.

Hiện tại, Ebola đang lan truyền với tốc độ chóng mặt tại khắp Tây Phi. Các nhà chức trách và y tế đang quan ngại dịch Ebola sẽ trở thành một dịch bệnh toàn cầu bởi tình hình ở châu Phi hiện tại ngoài tầm kiểm soát.

Bộ y tế vào cuộc

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch này, ngày 10/8, Bộ Y tế chính thức đưa vào vận hành Văn phòng đáp ứng khẩn cấp làm đầu mối phối hợp quốc tế (trong đó có phối hợp với WHO và Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ) và kết nối, hỗ trợ các địa phương trong trường hợp khẩn cấp để đối phó với dịch bệnh Ebola có nguy cơ lây lan vào Việt Nam. Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân, đồng thời chỉ định các bệnh viện làm nơi cách ly trong trường hợp phát hiện ca bệnh xâm nhập và có phương án mở rộng khu cách ly, thành lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh lan rộng. Khi có trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu sẽ chuyển về cơ sở điều trị cách ly. Ngoài ra, Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng các trang, thiết bị, rà soát cơ sở cách ly, phương tiện vận chuyển cấp cứu, hóa chất chống dịch; lên kế hoạch mua khẩn cấp 10.000 bộ trang phục phòng hộ cá nhân, tổ chức tập huấn, diễn tập phòng, chống dịch cho cán bộ y tế và các cơ sở y tế… Hiện tại, Bộ Y tế đã chỉ đạo việc sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách qua cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường hàng không có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định. Ngày 15/8, tất cả cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường hàng không sẽ thực hiện khai báo y tế với những du khách đến từ châu Phi. Nếu hành khách có triệu chứng mắc bệnh Ebola thì tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Nghệ An: Giám sát chặt cảng hàng không, cửa khẩu, cảng biển

Ở Nghệ An, các biện pháp giám sát dịch Ebola cũng khẩn trương tiến hành. Theo đó UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế có công văn khẩn đề nghị các cơ quan tại Cảng Hàng không Sân bay Vinh hỗ trợ, phối hợp bộ phận kiểm dịch triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Ebola, hướng dẫn hành khách vào khu vực kiểm tra y tế một cách hợp lý, quản lý vùng cách ly theo quy định; chỉ cho phép nhập cảnh khi hành khách đã hoàn thành việc khai báo y tế, giải quyết thủ tục nhập cảnh cho những hành khách có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh và hành khách cùng đi khi được cách ly đủ thời gian đúng quy định; chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh, dự phòng cá nhân bảo vệ cho cán bộ, nhân viên trực tiếp xúc với hành khách nhập cảnh…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh và Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện thuộc bộ, ngành đóng trên địa bàn và các đơn vị y tế trong, ngoài công lập tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh Ebola và chủ động báo cáo ca bệnh cho Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để kịp thời phối hợp xử lý đúng quy định; đặc biệt chú ý các trường hợp đến hoặc trở về Việt Nam từ các nước châu Phi, các nước đang có dịch; Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại Sân bay Vinh, Cảng Cửa Lò và Cửa khẩu Nậm Cắn, triển khai áp dụng tờ khai y tế đối với người nhập cảnh…

Ngành Y tế khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng quá mức. Hiểu rõ về dịch, cơ chế lây và biện pháp ngăn dịch lan rộng; nếu người nhà bị bệnh cần thông báo ngay cho cơ quan y tế công cộng để có biện pháp cách ly; chú ý khi người xung quanh mình có các triệu chứng như đau nhức, sốt, tiêu chảy, hắt xì; mặc các trang phục bảo hộ theo đúng tiêu chuẩn y tế khi tiếp xúc với bệnh nhân Ebola; thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiệt trùng tuyệt đối sau khi tiếp xúc với người bị bệnh Ebola; chú ý thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, vệ sinh nhà cửa; không ăn thịt thú rừng, tránh bay tới những vùng đang có dịch… Khi có dấu hiệu ho, sốt, mệt mỏi thì nên đến cơ sở y tế kịp thời.

Thanh Sơn

Chủ động phòng, chống dịch Ebola
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO