Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi

06/01/2015 11:44

(Baonghean) - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, không khí lạnh tăng cường trong năm nay sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Việc đảm bảo cho 690 nghìn con trâu, bò, hơn 970 nghìn con lợn và hơn 15 triệu con gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An “chống chọi” được trong mùa rét đậm, rét hại đang được các ban, ngành và người dân hết sức quan tâm.

Rét đậm, rét hại ở đồng bằng Bắc bộ sẽ xảy ra trong nửa đầu tháng 1/2015. Thời tiết chuyển lạnh đi kèm nhiều đợt mưa phùn kéo dài khiến nguồn cung thức ăn không thể đảm bảo cho gia súc, gia cầm, dẫn đến vật nuôi chết vì đói và lạnh. Trong điều kiện thời tiết như vậy cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức đề kháng cho vật nuôi, nếu không được chăm sóc, phòng tránh dịch bệnh tốt sẽ làm cho vật nuôi dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh và các bệnh về hô hấp gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT đã thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.

Anh Lê Quang Hải (xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương) chăm sóc đàn lợn của gia đình.
Anh Lê Quang Hải (xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương) chăm sóc đàn lợn của gia đình.

Chúng tôi theo chân đoàn công tác do ông Trần Văn Chất – Giám đốc Trung tâm Giống chăn nuôi làm trưởng đoàn kiểm tra tại các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn. Tại Thanh Chương, huyện có số lượng gia súc, gia cầm lớn của tỉnh (hiện tổng đàn trâu, bò của huyện đạt gần 73 nghìn con, hơn 110 nghìn con lợn và 1,4 triệ̣u con gia cầm), việc thực hiện các biện pháp phòng tránh đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi đang được các ban, ngành cùng bà con nhân dân chuẩn bị chu đáo và đồng bộ. Về phía UBND các xã, thị trấn, đã thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc tại từng xóm, xã. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân qua hệ thống truyền thanh cơ sở. Đặc biệt, công tác tiêm phòng được tiến hành nghiêm túc và toàn diện trên toàn bộ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Nguồn thức ăn dự trữ cho vật nuôi cũng hết sức dồi dào, phong phú khi toàn huyện vụ đông đã triển khai có hiệu quả với hơn 3.000 ha ngô và rau khoai.

Về xã Thanh Ngọc, một trong những địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi, với hơn 40 gia trại và trang trại. Tại đây, tuy thời tiết hiện chưa xuất hiện rét đậm, rét hại, nhưng bà con đã thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh. Vì là địa phương tiến hành sản xuất vụ đông tốt, nên nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc, gia cầm tương đối ổn định. Đặc biệt, tại đây còn có phương pháp tạo nguồn thức ăn chăn nuôi bằng ủ men sinh học. Bà con tận dụng các loại lá và thân cây trồng như ngô, sắn để ủ thành thức ăn bổ dưỡng cho vật nuôi. Thậm chí, đối với lá và củ sắn cũng có thể ủ thành nguồn thực phẩm bổ dưỡng.

Nếu như trước đây nguồn thức ăn cho trâu, bò chủ yếu là rơm rạ - thành phần dinh dưỡng chủ yếu là xenlulo, thì giờ đây nhờ công nghệ ủ men sinh học, nguồn thức ăn cho chăn nuôi bổ sung được nhiều chất đạm và vitamin, giúp vật nuôi phát triển nhanh cả về cân nặng và chất lượng thịt. Quy trình thực hiện cũng không quá phức tạp và ít tốn kém, nên người dân dễ dàng làm. Cụ thể, đối với thân và lá thì xay hoặc thái nhỏ, sau đó trộn men sinh học theo tỷ lệ nhất định, cho vào túi bóng, hút hết không khí trong túi và ủ từ 10 đến 15 ngày là có thể sử dụng. Hiện tại, có gần 30 hộ dân đang tiến hành theo phương pháp này, trong thời gian tới, sau khi nghiệm thu chương trình có thể nhân rộng công nghệ cho bà con.

Ngoài ra, trong những ngày rét đậm, rét hại, trong xã có hơn 50 máy làm đất, nên bà con có thể tận dụng nguồn lực này để giảm sức kéo cho trâu, bò khi thời tiết không thuận lợi. Anh Lê Quang Hải, xóm Minh Nhuận hiện đang phát triển mô hình chăn nuôi gia trại lợn khép kín với tổng đàn trên 50 con gia súc chia sẻ: “Hiện tại, việc chăn nuôi của gia đình và bà con trong xóm đã tiến bộ hơn trước nhiều, khi vật nuôi được đảm bảo trong hệ thống chuồng trại tốt. Vào mùa Đông, việc chắn gió cũng dễ dàng hơn khi các cửa thông gió có thể đóng, mở dễ dàng, thức ăn cho gia súc trong những ngày rét cũng được dự trữ đầy đủ”.

Đối với Anh Sơn là huyện trung du có thời tiết lạnh và địa bàn phức tạp, bà con cũng đã kịp thời chủ động chăm sóc đàn vật nuôi của mình. Hiện tổng đàn trâu, bò của huyện có hơn 35,5 nghìn con; đàn lợn đạt 55 nghìn con và hơn 700 nghìn con gia cầm. Nếu như năm 2010, huyện có 180 con gia súc chết do thả rông trong đợt rét đậm, thì từ năm 2013, toàn huyện đã khắc phục được tình trạng trên. Theo ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn, lâu nay việc trồng trọt và chăn nuôi đều được bà con đồng thời phát triển, tạo tiền đề cho sự phát triển của nông nghiệp.

Trong vụ đông năm nay, toàn huyện canh tác trên 3.500ha ngô. Thân cây ngô là loại thức ăn cung cấp tương đối đầy đủ chất dinh dưỡng. Huyện tiến hành gieo trồng thành 2 trà, trà 1 là ngô hàng hóa trên diện tích đất tốt. Còn đối với những diện tích đất xấu, thấp trũng, bà con gieo muộn hơn, mật độ dày hơn để làm nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Do đó, trong thời kỳ rét đậm, rét hại sắp tới, nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc được đảm bảo.

Ngoài ra, năm nay, diện tích trồng mía của Anh Sơn lên tới 1.600ha, đối với những hộ nuôi bò với số lượng dao động trên dưới 10 con thường mua ngọn, lá mía về để cung cấp nguồn thức ăn cho trâu, bò trong những ngày mưa rét không thể chăn thả. Khí hậu đối với vùng núi hơn rất nhiều so với vùng đồng bằng, nên công tác phòng, chống đói rét lại càng diễn ra gấp rút. So với thời gian trước, những năm gần đây, tất cả hộ nuôi bò trong toàn huyện đã xây dựng được hệ thống chuồng trại, không còn tình trạng thả rông trâu, bò. Do đó, việc kiểm soát thức ăn, nhiệt độ và tình trạng sức khỏe của đàn gia súc được bà con quan tâm cẩn thận hơn.

Đến thời điểm hiện tại, các đoàn đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc tại 8 huyện. Theo đánh giá chung, các ban, ngành của mỗi huyện đều thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con để phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Về phía người dân, đặc biệt tại các vùng cao cũng đã thay đổi được thói quen chăn nuôi bằng cách đảm bảo hệ thống chuồng trại và giám sát được sức khỏe của đàn vật nuôi.

Thanh Quỳnh

Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO