Chủ động phòng, chống lũ ống, lũ quét

24/07/2014 08:30

(Baonghean) - Lũ quét, lũ ống luôn xảy ra bất ngờ tại các huyện miền núi và thường gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng của người dân. Bởi vậy, các cấp, ngành liên quan cần có các giải pháp chủ động phòng, chống, nhất là ngành khí tượng thủy văn cần làm tốt công tác dự báo lũ quét, lũ ống kịp thời, chính xác để giảm thiểu thiệt hại.

Người dân cạy đá để phòng sạt lở ở Thị trấn Hòa Bình - Tương Dương.
Người dân cạy đá để phòng sạt lở ở Thị trấn Hòa Bình - Tương Dương.

Nguy cơ lũ quét, lũ ống…

Chỉ mới trận mưa đầu mùa nhưng dòng khe Nậm Chọt ở dọc các bản Chọt, bản Piêng Lôm, xã Tri Lễ (Quế Phong) nước chảy cuồn cuộn. Nguy cơ lũ ống, lũ quét là rất cao nhưng dường như người dân nơi đây vẫn rất chủ quan. Hiện còn khá nhiều hộ dựng nhà hoặc cơi nới nhà ở sát với các khu vực khe suối. Ngay tại bản Piêng Lôm 2, năm nay gia đình anh Lô Văn Thuận đã dựng căn nhà sát dòng suối. Anh Thuận chia sẻ: “Do đất bằng khan hiếm nên vẫn phải liều để dựng nhà, tận dụng mặt bằng làm nơi sửa chữa xe máy kiếm sống, lúc nào mà lũ dâng thì gia đình tôi mới di dời”. Sát bên còn nhiều hộ khác ở ven khe như gia đình anh Vi Văn Quang, Hà Văn Cường, Hà Văn Xuyên…

Ông Lô Xuân Thu - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: “Xã Tri Lễ địa bàn rộng lớn, có 33 thôn, bản, với trên 1.700 hộ dân, trong đó có khoảng trên 400 hộ dân sống ven khe suối thuộc diện phải di dời khi mùa lũ đến. Nguy cơ lũ ống, lũ quét ở Tri Lễ là rất cao, địa bàn hiểm trở, với nhiều dãy núi cao, vách đứng, khe suối dày đặc, nhiều khu dân cư chủ yếu sống quanh các suối Tà Pàn, khe Nậm Chọt, Chà Lam, Huồi Xái… Mưa lớn kéo dài liên tục từ 4-5 tiếng sẽ có nguy cơ sạt lở đất, xuất hiện lũ quét, lũ ống”.

Bên cạnh đó là xã Cắm Muộn có nhiều bản làng sinh sống dọc các dòng khe, suối lớn như Khe Quẻ, sông Quàng. Trong đó, khoảng 100 hộ dân nằm ở vùng cảnh báo lũ quét, đặc biệt tại khu vực bản Đỏn Phạt có trên 70 hộ nằm ở vùng hoàn toàn thấp trũng, chỉ cần trận mưa vừa đã có thể gây ngập úng. Vì vậy, Nhà nước vận động các hộ dân xen dắm đến nơi khác sinh sống tuy nhiên chỉ có hơn 10 hộ dân di dời còn lại vẫn cố bám trụ tại đây, bởi theo bà con sinh sống vùng ven khe suối đã quen, di chuyển đến nơi khác cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Được biết, huyện Quế Phong có địa hình dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc, độ dốc lòng sông lớn từ 3-5% (cục bộ 10%), nguy cơ lũ quét luôn nằm trong tình trạng cảnh báo. Được biết, toàn huyện Quế Phong có khoảng trên 20 điểm dễ xảy ra lũ ống lũ quét, tập trung ở các xã Quang Phong, Cắm Muộn, Tri Lễ, Thông Thụ, Nậm Giải…

Đến các bản Ta Đo, Xốp Tít, Vang Phao, Na My, Huồi Khí, Phà Nọi, Chà Lạt … xã Mường Típ - Kỳ Sơn, hầu hết các bản làng trên đều ở dọc ven dòng Nậm Mộ. Ông Lương Xuân Liễu - Trưởng bản Ta Đo cho hay: Bản có trên 100 hộ dân nhưng có khoảng 30 hộ dân nằm dọc ven dòng Nậm Mộ. Vào mùa mưa nước lũ từ Lào đổ về khiến dòng Nậm Mộ trở nên rất hung dữ, mùa lũ năm 2013 nước lũ cuốn trôi 2 người nhưng may mắn thoát chết. Xã Mường Típ có trên 200 hộ dân nằm trong tình trạng cảnh báo nguy cơ lũ quét đang rất cần được di dời đến nơi an toàn.

Tại Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), có rất nhiều hộ dân bất chấp nguy hiểm xây dựng nhà ở sát mép dòng sông Nậm Mộ. Dấu tích của trận lũ quét lịch sử của năm 2011 vẫn còn đó, nhiều đoạn dòng sạt lở cuốn theo cả những móng nhà xuống sông, lòng sông lồi lõm đá cuội bị dồn từng ụ lớn. Chúng tôi thấy nhiều căn nhà mới được mọc lên, khách sạn Phanh Dần còn đổ trụ xây thẳng ra gần giữa lòng sông Nậm Mộ dãy nhà 3 tầng. Hiện nay huyện Kỳ Sơn có khoảng gần 400 hộ ảnh hưởng vùng lũ quét, lũ ống thuộc các xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Keng Đu, Bắc Lý, Mỹ Lý, Na Loi, Đoọc Mạy.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có 240 điểm cảnh báo nguy cơ của lũ ống, lũ quét ở 25 xã của 6 huyện: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp với 2.124 hộ (12.387 người). Ông Trần Văn Quỳ - Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Đến thời điểm này, toàn tỉnh ta có 22 dự án di dân cho vùng thiên tai, trong đó có hơn 10 dự án chủ yếu di dân vùng ven khe suối với tổng trị giá 755 tỷ đồng. Nhưng chỉ mới giải ngân được 176 tỷ đồng nên nhiều công trình thiếu vốn đang bị “treo”. Hiện chỉ mới xây dựng được 4 công trình đã đưa vào sử dụng ở các xã Nhôn Mai, Mai Sơn (Tương Dương), 2 công trình ở Nậm Giải… Nếu các công trình trên hoàn thành sẽ di dời được 1.776 hộ dân, nhưng từ năm 2012 đến nay mới di dời được khoảng gần 300 hộ dân”.

Chủ động phòng chống

Tại huyện Quế Phong có khoảng 300 hộ nằm vùng nguy cơ lũ quét, lũ ống nhưng đến thời điểm này huyện chỉ mới di dời được trên 150 hộ dân đến khu tái định cư di dân khẩn cấp vùng lũ quét. Huyện Quế Phong dựa trên cơ sở lũ quét lịch sử năm 2007 để xây dựng phương án PCBL, lũ ống, lũ quét; cảnh báo các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét để các địa phương và nhân dân chủ động phương án phòng tránh. Huyện thành lập các đoàn thường xuyên xuống cơ sở để kiểm tra các công trình hồ chứa, kiểm tra phương án triển khai PCBL, lũ quét của các xã. Xây dựng bảng tổng hợp số dân sơ tán phòng chống lụt bão, thành lập các tổ xung kích thôn, bản. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động chưa quyết liệt, ngoài các hộ nằm trong vùng di dời theo dự án thì huyện vẫn chưa vận động được hộ nào ở vùng nguy hiểm di dời xen dắm đến nơi an toàn.

Đối với huyện Kỳ Sơn, hiện đã kiện toàn lại Ban chỉ huy PCLB của các địa phương, triển khai phương án phòng tránh lũ quét nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay: “Năm 2011, nước lũ từ thượng nguồn đổ về rất lớn và do nắm thông tin chưa kịp thời nên Kỳ Sơn đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Từ bài học đó, huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với nước bạn Lào (Noọng Hét - Mường Nọc) để nắm được thông tin lượng nước từ thượng nguồn Lào chảy về, từ đó có các biện pháp phòng chống nước lũ kịp thời, hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Hiện đã vận động 13 hộ dân ở Thị trấn Mường Xén sống ven dòng Nậm Mộ di dời đến nơi an toàn. Toàn huyện đã tổ chức di dời được gần 30 hộ dân chủ yếu tập trung ở các xã Tà Cạ, Mỹ Lý, Mường Ải …

Để chủ động phòng chống nguy cơ lũ quét, UBND tỉnh đã có kế hoạch thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đối với vùng nguy cơ lũ quét xác định có khoảng 2.575 hộ trên 15.000 hộ bị ảnh hưởng cần phải sơ tán khi xảy ra sự cố. Thành lập bộ phận cứu hộ, cứu nạn của xã, thôn, cử người theo dõi tình hình, chuẩn bị các lực lượng xung kích để sơ tán dân. Chỉ đạo các ngành giao thông vận tải, xây dựng, viễn thông, công an, quân đội... chuẩn bị phương án phòng, chống bão lũ; bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc thông suốt và lực lượng cơ động ứng cứu khi cần thiết. Chuẩn bị cơ số thuốc y tế, kinh phí, nhu yếu phẩm cần thiết để chi viện cho đồng bào khi có thiên tai xảy ra.

Khó khăn đặt ra hiện nay là trong 10 huyện miền núi có 35 xã sử dụng điện thoại qua vệ tinh chất lượng kém, mùa mưa lũ không thể liên lạc được, trong đó có 10 xã chưa có điện thoại (9 xã của Kỳ Sơn và 1 xã Tương Dương). Ngoài ra, công tác phòng chống lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế như phương châm “4 tại chỗ” đã được triển khai tại các xã nhưng chưa đồng đều, một số xã chưa chỉ đạo quyết liệt. Lực lượng xung kích cứu hộ tại các xã, thôn, bản còn yếu. Một việc làm cấp thiết hiện nay là cần có kế hoạch bổ sung lồng ghép các nguồn vốn để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các dự án tái định cư để sớm đưa người dân vùng nguy cơ lũ quét đến nơi an toàn.

Văn Trường

Mới nhất

x
Chủ động phòng, chống lũ ống, lũ quét
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO