Chủ động phòng dịch bệnh cho nuôi trồng thuỷ sản trong mùa bão lụt

07/10/2011 21:41

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 2.000 ha ao đầm nước lợ, mặn, tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Xuân,...

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 2.000 ha ao đầm nước lợ, mặn, tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Xuân, Quỳnh Thanh, Quỳnh Liên, Quỳnh Lương, Quỳnh Dị, Mai Hùng, An Hoà của huyện Quỳnh Lưu và một số vùng của huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và thành phố Vinh. Tuy diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, mặn chỉ bằng 1/10 diện tích nuôi nước ngọt nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn gấp nhiều lần. Bình quân tôm nuôi nước mặn đạt năng suất từ 6 đến 10 tấn / ha. Điển hình như hộ anh Thanh (xã Nghi Quang, Nghi Lộc) thả nuôi 2,2 ha, thu nhập hàng năm hơn 1,2 tỷ đồng.




Nông dân xã Hưng Hoà vây lưới quanh ao nuôi tôm để hạn chế
thất thoát do mưa lụt.


Theo Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản Nghệ An, đến thời điểm này, các cơ sở nuôi tôm trong tỉnh đã thu hoạch xong tôm vụ 1, một số cơ sở đã thả tôm vụ 2, với diện tích 329 ha. Do thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp của các đợt mưa từ hai cơn bão số 4 và số 5, một số diện tích nuôi tôm đã bị nhiễm bệnh do vi rút đốm trắng, do nguồn nước bị ô nhiễm.

Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản đã chỉ đạo các cơ sở nuôi tôm thương phẩm kiểm tra tu bổ bờ bao, đặt ống xả tràn, xả nước thấp, vây lưới, chắn đăng, sẵn sàng cọc tre và dụng cụ để gia cố bờ bao khi có tình huống xấu xảy ra. Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước: Độ pH, độ kiềm, ô xy hoà tan… trong ngưỡng thích hợp, rải vôi quanh bờ phòng nước trôi phèn xuống làm biến động độ pH trong ao nuôi; bổ sung vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

Những diện tích chưa thả tôm có thể nuôi một số cá như cá vược, rô phi, bống bớp…để gối vụ và cải tạo môi trường cho vụ nuôi tôm tiếp theo.

Những cơ sở, hộ nuôi tiếp tục thả, nuôi tôm cần theo dõi sát tình hình thời tiết, điều tiết mực nước và chất lượng nước, phát quang cây bụi quanh bờ, hạn chế ô nhiễm do môi trường; thức ăn phải đảm bảo chất lượng và định lượng, không cho ăn thừa, không dùng thức ăn đã hết hạn sử dụng, dùng một số chế phẩm sinh học phòng ngừa bệnh tiêu hoá cho tôm.

Khi vật nuôi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần lấy mẫu xác định đúng mầm bệnh để xử lý, phòng ngừa, cách ly và báo cáo ngay với cơ quan thú y để kịp thời xử lý, tránh để lây lan trên diện rộng.

Với những diện tích thả sớm tôm vụ 2 đã đạt kích cỡ thương phẩm, cần khẩn trương thu hoạch nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do bão lụt.


Bài, ảnh: Minh Thông

Chủ động phòng dịch bệnh cho nuôi trồng thuỷ sản trong mùa bão lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO