Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè thu
(Baonghean.vn) - Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 46.696 ha lúa, trong đó có36.457 ha lúa cấy và 10.239 ha gieo thẳng. Hiện nay phần lớn diện tích lúa đang ở giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh, tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Chi cục BVTV tỉnh, hiện các loại sâu hại đã và đang phát sinh, đòi hỏi những biện pháp phòng trừ chủ động.
Gia đình chị Đỗ Thị Lan - xóm 6, (xã Hoa Thành, Yên Thành) có 6 sào lúa cấy từ cuối tháng 5 dương lịch, hiện đang phát triển rất tốt. Mấy ngày nay, trên ruộng đã bắt đầu có rầy, nhưng được khuyến cáo là chưa cần phun thuốc nên chị vẫn đang tiếp tục theo dõi để phun trừ khi cần thiết. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành - ông Nguyễn Văn Dương cho biết: từ ngày 17/6, Yên Thành đã gieo cấy xong trên 13.000 ha lúa hè thu. Hiện tại, điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho cây lúa phát triển, nhưng các loại sâu hại như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng và châu chấu cũng đã phát sinh gây hại trên lúa mới cấy. Tuy nhiên, do cây lúa đang ở thời kỳ phát triển mạnh, khả năng hồi phục nhanh cũng như mật độ sâu bệnh hại ở nhiều vùng chưa đến mức phải phun trừ nên huyện đang khuyến cáo bà con thường xuyên kiểm tra tình hình phát triển của sâu bệnh, chỉ phun trừ ở những diện tích nhiễm với mật độ cao, đồng thời cử cán bộ bám đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ để đưa ra những hướng dẫn và khuyến cáo kịp thời cho bà con.
Chăm sóc lúa là biện pháp cần thiết để phòng chống sâu bệnh.
Theo thống kê của Chi cục BVTV tỉnh, hiện sâu cuốn lá nhỏ non lứa 3 đã phát sinh gây hại trên diện tích lúa cấy giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh với mật độ phổ biến 10-50 con/m2, nơi cao 50-100 con/m2 và cá biệt lên tới 150 con/m2. Đến ngày 20/6, toàn tỉnh đã có 2.992 ha nhiễm sâu, tập trung tại các huyện Yên Thành, Thanh Chương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu,... trong đó có 199 ha nhiễm nặng. Bên cạnh đó, châu chấu cũng đã phát sinh gây hại 1.154 ha trên lúa đã gieo cấy tại một số huyện như Yên Thành, Nam Đàn, Diễn Châu,... với mật độ nơi cao lên đến 20-40 con/m2; Rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại với mật độ phổ biến 10-50 con/m2, nơi cao 200-300 con/m2, cá biệt tại huyện Yên Thành có nơi mật độ lên đến 1.000 con/m2. Ngoài ra, ốc bươu vàng cũng đã phát sinh gây hại trên 315,5 ha lúa tại Nam Đàn, trong đó có 150 ha nhiễm nặng, các đối tượng khác như bọ trĩ, sâu keo, sâu đục thân, sâu cuốn lá lớn... cũng đã rải rác xuất hiện. Các địa phương đã tổ chức chỉ đạo phun trừ được trên 1.036 ha nhiễm sâu cuốn lá, 342 ha nhiễm rầy với mật độ cao.
Theo dự báo, sâu cuốn lá nhỏ lứa 3, rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ tiếp tục phát sinh gây hại nặng hơn trên diện tích lúa hè thu giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh. Các loài như châu chấu, bọ trĩ... sẽ tiếp tục phát sinh gây hại, cục bộ một số vùng sẽ có mật độ cao, các địa phương và người dân cần tập trung giám sát đồng ruộng, theo dõi diễn biến để có biện pháp quản lý kịp thời.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Thạch Lam (Trưởng Phòng BVTV - Chi cục BVTV tỉnh), thì tuy sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 có mật độ tương đối cao và đã gây trắng lá trên một số diện tích, nhưng hiện lúa hè thu đang trong thời kỳ có tốc độ ra lá nhanh, đẻ nhánh khỏe, khả năng hồi phục nhanh nên nông dân không nên dùng biện pháp phun thuốc hóa học nếu chưa cần thiết, vừa lãng phí, vừa tác động xấu đến môi trường, dễ gây bùng phát sâu lứa 4 hoặc các loại dịch hại khác ở giai đoạn tiếp theo.
Thay vào đó, bà con nên tập trung chăm bón, thúc lúa đẻ nhánh, phục hồi phát triển. Với các loại rầy nâu, rầy lưng trắng, chỉ phun trừ trên những diện tích có mật độ quá cao, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa (1.500-2.000 con/m2). Đặc biệt, đây là giai đoạn cây lúa phát triển rất mạnh, khả năng lưu dẫn nội hấp rất tốt nên khi cần, bà con nên sử dụng các loại thuốc nội hấp như Chess 50WG, Oshin 20WP, Elsin 10 EC, Sutin 5EC, 50 SC, Dantosu 16WSG,... để phun trừ, chú ý trên những vùng trước đây thường bị bệnh lùn sọc đen gây hại.
Bà con cũng cần đặc biệt lưu ý chấp hành nghiêm túc nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV để đạt hiệu quả phòng trừ cao nhất.
Phú Hương