Chủ động phương án phòng chống hạn

05/12/2014 09:28

(Baonghean) - Năm nay, đến tháng 12, Nghệ An chưa hứng chịu cơn bão nào, mưa lụt cũng gần như không xảy ra. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc lượng nước dự trữ ở các hồ đập ở mức thấp đáng báo động. Theo đó, dự báo tình hình hạn hán vụ xuân sẽ diễn ra sớm và khốc liệt hơn những năm trước.

TIN LIÊN QUAN

Công ty Thủy lợi Bắc Nghệ An quản lý 17 hồ đập lớn, có dung tích từ 1,5 triệu đến 75 triệu m3, phục vụ nước cho sản xuất và sinh hoạt của 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Trong khi mực nước trên các sông hiện vẫn đang ở mức bình thường, thì lượng nước trong các hồ đập lại ở tình trạng thấp đáng lo ngại. Những năm trước, sau khi kết thúc mùa mưa, tất cả các hồ đập do đơn vị quản lý đều tích nước đầy ắp. Thế nhưng năm nay, đến thời điểm hiện tại chỉ mới có 10 hồ đầy nước, những hồ còn lại đều không đạt dung tích thiết kế, trong đó có những hồ lớn như hồ Vực Mấu, Vệ Vừng, Đình Dù… “Không những vậy, do đưa vào nâng cấp, sửa chữa, nên có hai hồ là hồ Ba Tùy (dung tích 4 triệu m3) và hồ Nhà Trò (dung tích 4,5 triệu m3) hiện đã xả kiệt nước.

Theo kế hoạch, đến tháng 8/2015, việc nâng cấp hai hồ này mới hoàn thành, chờ mùa mưa tích nước để phục vụ cho sản xuất năm 2016. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, trong sản xuất vụ xuân và hè thu năm 2015, sẽ có 570 ha của 2 huyện Yên Thành và Quỳnh Lưu lấy nước từ hai hồ này không có nước sản xuất. Trừ khoảng 30 ha của vùng hồ Nhà Trò (Yên Thành) sẽ cấy lúa được nhờ nguồn tưới hỗ trợ từ hồ Bàu Da, những diện tích còn lại sẽ phải chuyển sang trồng các loại cây khác chịu hạn như ngô, khoai, cây màu khác”- ông Lê Văn Cường - Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Bắc Nghệ An chia sẻ.

Trường THPT Quỳnh Lưu 2 ra quân làm thủy lợi. Ảnh: Văn Trường
Trường THPT Quỳnh Lưu 2 ra quân làm thủy lợi. Ảnh: Văn Trường

Trước tình hình đó, trên toàn bộ hệ thống, công ty có phương án trình UBND tỉnh đóng nước hai đợt để sửa chữa toàn bộ các công trình kênh mương, máy bơm, đồng thời lên kế hoạch nạo vét cửa vào và kênh chính Đô Lương để đảm bảo yêu cầu có đủ mực nước và đưa lưu lượng nước từ sông Lam vào hệ thống. Đồng thời, các trạm bơm Văn Tràng 1, Văn Tràng 2, Trạm bơm Minh Mỹ cũng đang được gấp rút sửa chữa xong trước ngày 5/12 để kịp thời phục vụ cho sản xuất vụ xuân. Hiện nay, đơn vị đang xây dựng kế hoạch cấp nước, dự kiến diện tích phục vụ cho sản xuất vụ xuân là 30 nghìn ha. Riêng với 17 hồ đập, xây dựng kế hoạch tưới tiêu hết sức hợp lý và khoa học theo phương pháp “nông, lộ, phơi” để đảm bảo hết sức tiết kiệm nước trong vụ đông xuân, dành nước cho sản xuất hè thu trong điều kiện hạn hán, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường như hiện nay, đồng thời xây dựng phương án chống hạn để ứng phó khi cần thiết, như dùng máy bơm dã chiến, vận hành các cống tiêu đúng quy trình để ngăn mặn, giữ ngọt...

Là địa phương vùng miền núi thấp, nên có nhiều năm, tình trạng hạn hán ở Thanh Chương diễn ra khá nặng nề. Trên địa bàn huyện, ngoài 5 hồ đập lớn do Xí nghiệp Thủy lợi huyện quản lý là Cầu Cau, Cửa Ông, Mụ Sỹ, Sông Rộ, còn có 124 hồ đập nhỏ do địa phương quản lý. Ông Lê Đình Thanh – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Hiện tại, nguồn nước trên các hồ đập tuy không được như mọi năm, nhưng cơ bản nước vẫn phục vụ tốt cho làm đất và gieo cấy vụ xuân. Tuy nhiên, nếu trời vẫn tiếp tục nắng hạn, ra Tết không có mưa thì khả năng hạn xảy ra vào giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng và trổ bông là rất lớn. Với đợt phát động toàn dân ra quân làm thủy lợi vừa qua, tất cả các xã đều tập trung nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đắp bờ giữ nước. Trong phương án sản xuất, Thanh Chương cũng luôn có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, không gây thất thoát và lãng phí nguồn nước tưới.

Theo tổng hợp của Chi cục Thủy lợi tỉnh, tổng lượng mưa năm 2014 đến thời điểm này cực kỳ thấp. Lượng mưa trung bình chỉ đạt 1.270 ly, thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm 360 ly và thấp hơn cùng kỳ năm 2013 tới 790 ly. Đặc biệt, rất đáng lo ngại là tổng lượng mưa trong mùa mưa năm nay thiếu hụt so với những năm trước. “Theo tính toán, tổng lượng mưa trong mùa mưa 2014 từ tháng 7 đến tháng 11/2014 chỉ đạt 837 ly, thấp hơn lượng mưa trong mùa mưa năm 2013 tới 708 ly, nghĩa là chỉ bằng 54%. Đây là điều rất đáng lo ngại, vì lượng nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của hơn nửa đầu năm 2015, trong đó có hai vụ sản xuất đặc biệt quan trọng là vụ xuân và vụ hè thu, đều phụ thuộc vào mùa mưa này. Tình hình hạn hán được dự báo sẽ rất khốc liệt”- ông Nguyễn Trường Thành - Phó Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết.

Nếu như mọi năm, vào thời điểm tháng 9, 10, 11, Nghệ An liên tục hứng chịu các cơn bão lớn, kèm theo đó là mưa lụt thì năm nay, trên địa bàn tỉnh ta không có bão, mưa lớn cũng chỉ xảy ra vài đợt nhưng ngắn và không đáng kể. Bởi vậy, nếu năm ngoái, đến thời điểm này chúng ta vẫn còn 41 hồ do doanh nghiệp quản lý có trên 70% dung tích hoặc đầy nước, thì năm nay chỉ còn 17 hồ. Riêng với hệ thống hồ đập địa phương quản lý, dù chưa huyện nào báo có hồ cạn kiệt, song hầu hết chưa đạt mực nước thiết kế, trong khi những năm trước, sau khi kết thúc mùa mưa các hồ đều tích nước đầy tràn. Trên sông Lam, hiện mực nước vẫn đang đạt mức thiết kế, nhưng theo kinh nghiệm nhiều năm và đặc biệt là tình hình mưa của năm nay, vào mùa kiệt từ tháng 3 đến tháng 7 năm sau, mực nước sông sẽ xuống rất thấp. Nếu các công trình Thủy điện Khe Bố, Bản Vẽ tích nước để phát điện, không xả đủ lưu lượng nước thì vùng lưu vực sông Lam sẽ cực kỳ khó khăn.

Để có thể chủ động phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước sản xuất, các địa phương phải sớm xây dựng phương án cấp nước, trên cơ sở khả năng cân đối đủ nguồn nước để bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý. Những vùng cao cưỡng, không cân đối được nguồn nước tưới suốt vụ thì nên chuyển đổi sang trồng những loại cây có khả năng chịu hạn. Đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát, sử dụng nguồn nước hiệu quả cũng như tăng cường các biện pháp tưới khoa học, hết sức tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Đây được coi là những khuyến cáo cần thiết ở mọi vụ sản xuất, tuy nhiên năm nay tình hình dự báo hạn hán sẽ diễn ra sớm và khốc liệt hơn, việc sử dụng nước tiết kiệm và hợp lý càng cần phải nghiêm túc chấp hành.

Tiếp nối với chiến dịch toàn dân ra quân làm thủy lợi, để chuẩn bị điều kiện cấp nước cho sản xuất mà trước mắt là vụ xuân 2015, các địa phương cần tiếp tục tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt phương tiện lấy nước để chủ động vận hành, đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước, thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, tổ chức tu sửa công trình, hồ đập, làm thủy lợi nội đồng, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, làm giao thông đồng ruộng kết hợp chuyển đổi ruộng đất và xây dựng NTM. Tuy nhiên, trong quá trình này, những địa phương có xây mới, làm mới kênh mương thì phải có biện pháp phù hợp để giữ nước hạn chế thấp nhất rò rỉ, thất thoát gây lãng phí nguồn nước tưới.

Phú Hương

Mới nhất

x
Chủ động phương án phòng chống hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO