Chủ quán ăn, nhà hàng ở TP Vinh tìm đến ‘phao cứu sinh’ mùa Covid-19
(Baonghean.vn) - Thực hiện tạm dừng hoạt động kinh doanh các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống chỉ cho phép bán hàng mang về, các chủ quán ăn, nhà hàng đã chuyển sang mô hình kinh doanh online.
Tạm thời dừng bán hàng tại chỗ, các quán hàng ăn uống ở TP. Vinh chuyển hướng sang bán online, treo biển bán mang về, ship tận nơi. Ảnh: Thanh Phúc |
Trước đây, quán ăn sáng trên đường Lê Viết Thuật (TP. Vinh) chuyên phục vụ món bánh mướt ram (chả cuốn) chỉ bán ăn tại chỗ với lượng khách ổn định 60-80 suất/ngày chứ chưa bao giờ thực hiện đi giao hàng hay nhận đặt hàng qua điện thoại.
Từ 8/6 đến nay, khi tỉnh, thành phố có lệnh tạm dừng kinh doanh, chỉ được phép bán mang về thì 2 ông bà vẫn mở cửa, chờ khách quen đến mua mang về. Song lượng khách giảm đến 70% so với khách ăn trực tiếp. Sốt ruột vì thu nhập giảm mạnh, 2 ông bà mới quyết định tìm cách bán đồ ăn của quán qua zalo, Facebook.
Những suất bánh mướt cuốn ram được đóng vào hộp xốp ship tận nơi cho khách. Ảnh: Thanh Phúc |
Bà Nguyễn Thị Quang, chủ quán bánh mướt ram cho biết: “2 ông bà túc tắc bán bánh mướt cuốn ram, lượng khách ổn định, chưa khi nào giao hàng tận nơi cho khách vì không có thời gian. Với lại, Facebook, Zalo cũng không thành thạo, chỉ vào để kết nối bạn bè, người thân chứ chưa khi nào quảng cáo món ăn trên đó. Giờ không được phép bán tại chỗ, nếu chỉ chờ khách quen đến mua mang về thì ít nên buộc phải tìm cách bán hàng trên mạng.
"Nhờ có con hỗ trợ nên qua 2 ngày, cũng đã biết cách đưa món ăn lên Zalo, Facebook, nhận đặt hàng qua mạng và qua điện thoại, lượng khách cũng tương đối. Những đơn ship gần thì ông đi giao, ship xa hơn thì gọi thuê ship ngoài”- bà Quang cho hay.
Thay vì phục vụ khách tại quán thì nhân viên của cửa hàng chè trên đường Hà Huy Tập (TP. Vinh) đóng gói để giao hàng cho khách. Ảnh: Thanh Phúc |
Không chỉ quán của bà Quang, mà các quán ăn sáng khác như xôi, bánh mướt, bún, phở… từ bán trực tiếp, phục vụ tại chỗ chuyển sang bán online, giao hàng tận nơi.
“Thật ra, mặt hàng ăn uống mà bán online cũng bất tiện do khá lỉnh kỉnh, bún, phở, nước, gia vị, rau sống…; thứ 2, khách thường tiện đường ăn ghé đi làm; thứ 3, không đủ thời gian và nhân viên đi giao hàng vì khách thường vào ăn sáng trong thời gian cao điểm từ 6h30 – 8h sáng.
Tuy nhiên, khi không được phép bán tại chỗ nữa buộc chúng tôi phải thay đổi phương thức kinh doanh sang bán online, nhận đặt và ship hàng qua điện thoại. Nếu trước đây chỉ phục vụ ăn sáng thì nay nhận ship cả ngày sáng – trưa – chiều; đồng thời bỏ tiền chạy quảng cáo trên mạng xã hội để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn”, anh Hoàng Linh, chủ một quán bún trộn trên đường Nguyễn Kiệm cho hay.
Chuyển sang bán hàng online nên dịch vụ ship hàng vì thế cũng "đắt khách" hơn. Ảnh: Thanh Phúc |
Theo anh Linh chia sẻ, hiện mỗi ngày anh nhận được khoảng 150 – 170 đơn đặt hàng, nếu từ 2 suất trở lên miễn phí ship trong bán kính 5km, ngoài 5km, khách hàng hỗ trợ ship 5.000 đồng/đơn hàng. So với bán trực tiếp thì sụt giảm khoảng 20% doanh thu, nhưng như anh Linh chia sẻ thì “Có cách để duy trì kinh doanh là vui rồi”.
Mở quán chuyên các món về chè trên đường Hà Huy Tập (phường Hà Huy Tập, TP.Vinh) được 5 năm thì cũng chừng đó năm, chủ quán Hồ Thị Mỹ Dung duy trì hai phương thức bán hàng: trực tiếp và online. Quán chè của Dung có hẳn một Fanpage, cập nhật quy trình nấu, các món quán có, giá cả… để phục vụ lượng khách đặt hàng mang về thông qua các ứng dụng Now, Foody. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một kênh kinh doanh phụ còn chủ yếu vẫn là bán trực tiếp tại quán.
Gọi món online nên các quán hàng phải bố trí một người ngồi chốt đơn, trả lời và tư vấn cho khách qua máy tính, điện thoại. Ảnh: Thanh Phúc |
Dịch bệnh bùng phát, các quán ăn uống chỉ được bán mang về thì kênh kinh doanh online lại là kênh bán hàng chính của quán, ngoài lượng khách quen cố định đến mua hàng mang về thì giờ quán có thêm lượng khách lớn đặt hàng qua Facebook, Zalo và ứng dụng đặt đồ ăn khác. Quán bố trí 1 nhân viên chuyên check đơn hàng, trả lời khách; 1 nhân viên pha chế; 1 nhân viên đóng hộp, 3 nhân viên giao hàng. Do đó, dù phải tạm dừng kinh doanh tại chỗ nhưng quán vẫn được duy trì, nhân viên vẫn có việc làm và thu nhập ổn định là nhờ có kênh tiêu thụ online.
Chấp hành nghiêm túc lệnh tạm dừng kinh doanh để phòng chống dịch bệnh, song để duy trì kinh doanh, ổn định thu nhập và có tiền trang trải các chi phí như: thuê mặt bằng, tiền lãi ngân hàng, tiền thuế, tiền lương nhân viên... thì một trong những cách làm linh hoạt, khắc phục khó khăn trong thời điểm này của người kinh doanh đó là áp dụng hình thức bán hàng online qua mạng, giao hàng tận nhà (ship hàng) và bán tại cửa hàng cho khách mang về.
Vào thời điểm này thì kinh doanh online được coi là “phao cứu sinh” cho các cửa hàng ăn uống để thực hiện mục tiêu “kép” vừa kinh doanh, vừa chấp hành quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Thanh Phúc |
Đối với những người am hiểu về Internet, sử dụng thành thạo mạng xã hội thì đăng tải các hình ảnh đồ ăn kèm với thông tin nhận ship hàng tận nơi hoặc phục vụ bán cho khách mang về trên Facebook, Zalo… Còn đối với một số chủ cửa hàng đã lớn tuổi, không am hiểu về công nghệ thông tin lại lựa chọn phương án dán biển quảng cáo với nội dung “Bán hàng mang về” hoặc “Giao hàng tận nhà theo yêu cầu” cùng với số điện thoại liên hệ ngay tại cửa để thông báo tới khách hàng.
Dù không phải là hình thức kinh doanh mới lạ nhưng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 như hiện nay thì kinh doanh online được coi là “phao cứu sinh” cho các cửa hàng ăn uống để thực hiện mục tiêu “kép” vừa kinh doanh, vừa chấp hành quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19.