Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: "Chây ỳ không giảm cước, tôi thấy nhục lắm"
Trước động thái “trông” nhau điều chỉnh giá cước của các hãng vận tải taxi, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phản ứng gay gắt: “Các anh phải thay đổi chứ cứ để báo chí nói chây ỳ, móc túi, tôi thấy nhục lắm”.
Mức giảm chưa tương xứng
Cuộc họp bàn giải pháp kéo giảm giá cước vận tải bằng đường bộ do Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức đầu tuần này với sự tham dự của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã nóng ngay từ phút đầu, với thông tin do Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) cung cấp về việc cước vận tải vẫn “đứng hình” từ đầu năm 2016 đến nay.
Cụ thể, trong khi giá xăng Ron92 được điều chỉnh 4 lần với tổng mức giảm 2.650 đồng/lít (16%), dầu diezel giảm 4 lần với tổng mức giảm còn lớn hơn - 2.400 đồng/lít (20%), thì không phải doanh nghiệp taxi nào cũng công bố giảm giá cước và nếu có thì mức giảm… rất không giống nhau.
. |
Tại TP.HCM, nơi tập trung số lượng xe taxi lớn nhất nước, có 23 doanh nghiệp giảm giá cước với mức giảm bình quân từ 3 đến 4%. Tại Hà Nội, số lượng hãng taxi tiến hành điều chỉnh giá cước trên đồng hồ tính tiền lên tới 86 và mức giảm bình quân là 6-12%. Kỷ lục giảm giá cước taxi lớn nhất đang thuộc về các doanh nghiệp ở Bắc Kạn (14 - 25%); Bắc Giang (3,06 - 20%). Mức giảm phổ biến tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định là từ 3 đến 7%, tùy theo các loại tuyến (nhiều hay ít các trạm thu phí BOT vốn vừa tăng gấp 3 lần phí sử dụng đường bộ).
Điều đáng nói là, theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, trong cơ cấu giá thành vận tải hiện nay, chi phí nhiên liệu ước chiếm 25-35% đối với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi), 35 - 45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải hành khách, hàng hóa), nên mức giảm cước mà các doanh nghiệp áp dụng chưa tương xứng.
Trong khi đó, theo lý giải của ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, trước Tết Nguyên đán 2016, các hãng taxi trong Thành phố đã giảm giá cước, với mức giảm dao động từ 300 đến 500 đồng/km. “Doanh nghiệp không muốn tăng hay giảm giá, vì mỗi lần điều chỉnh, chi phí rất tốn kém. Nhiều hãng taxi đã khoán cho tài xế, nên khi xăng tăng giá thì tài xế ‘làm reo’ không chạy, xăng xuống thì lái xe được lợi, chứ doanh nghiệp không được lợi gì”, ông Hỷ nói.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Taxi TP.HCM khẳng định, ngay chiều 22/2, hàng loạt hãng taxi TP.HCM đã đăng ký giảm giá. “Taxi không dại gì mà ôm một mức giá không sát với mặt bằng thị trường, vì người tiêu dùng sẽ tẩy chay. Hiện gần như các hãng phải ‘trông’ nhau để điều chỉnh giá cước”, ông Hỷ nói.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, để giảm giá cước, các hãng taxi phải gửi hồ sơ xin đăng ký giảm giá với các cơ quan chức năng. Nếu được chấp thuận, các hãng sẽ cho xe tạm dừng hoạt động để cài đặt bằng phần mềm chuyên dụng, kiểm định đồng hồ, in lại bảng giá, thông báo với khách hàng, với chi phí khoảng 500.000 đồng/xe/lần cài đặt. Như vậy, với một đơn vị có 200 đầu xe, chi phí cho 3 lần điều chỉnh sẽ mất khoảng 300 triệu đồng.
Chia sẻ nhận định này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc giá xăng dầu giảm lẻ tẻ liên tục và thủ tục hành chính rườm rà khiến giá cước vận tải khó điều chỉnh theo kịp thời.
Không thể trì hoãn
Phản ứng khá gay gắt ý kiến của đại diện Hiệp hội Taxi TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cái dở nhất của các doanh nghiệp taxi là khoán trắng cho tài xế, nên xăng giảm giá thì lái xe được, xăng tăng giá, lái xe đình công đòi tăng cước. Để phục vụ người dân tốt hơn, doanh nghiệp phải thay đổi phương thức quản lý, không thể khoán trắng cho lái xe. “Taxi kêu 50% chạy ‘rỗng’, sao không đặt câu hỏi tại sao để chạy ‘rỗng’? Các anh phải thay đổi chứ cứ để báo chí nói chây ỳ, móc túi, tôi thấy nhục lắm”, ông Thanh bức xúc.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ, giá cước vận tải theo cơ chế thị trường và dựa trên cơ chế cạnh tranh, nhưng có sự điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, có thể khẳng định, với việc chi phí nhiên liệu chiếm 25 - 35% giá thành, dứt khoát khi giá xăng dầu giảm, giá cước cũng phải giảm, chỉ có biên độ như thế nào cho hợp lý.
“Các doanh nghiệp vận tải đưa ra quá nhiều lý do khác nhau để trì hoãn giảm giá, nhưng chỉ cần giá xăng tăng một cái là tăng cước vận tải ngay. Các vị nói chi phí đầu tư xe hay phí cầu đường tăng để biện minh là không hợp lý khi một bộ phận quan trọng hình thành nên cơ cấu giá cước là nhiên liệu đầu vào đã giảm giá rất sâu”, Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường phản bác một số ý kiến than lỗ của một số lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo ông Trường, vận tải hành khách đường bộ đã vận hành theo cơ chế thị trường từ lâu, nên việc “lôi” các doanh nghiệp vận tải ngồi đối chất với các cơ quan quản lý nhà nước về giá cước là vạn bất đắc dĩ, nhưng không thể không làm vì dư luận đang rất bức xúc.
Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải thừa nhận, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm trong vấn đề này, trong đó có việc quản lý chưa tốt (như việc kê khai giá thủ tục còn phức tạp, điều chỉnh đồng hồ taximet còn mất nhiều thời gian và chi phí…), nên cần khắc phục ngay bằng cách điều chỉnh các quy định khi xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư 152 hiện nay.
Trước mắt, Thứ trưởng Trường đề nghị các hiệp hội và doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội và phải coi đó là văn hóa doanh nghiệp. “Giá xăng dầu giảm rất sâu, nên sau cuộc họp này, taxi và xe khách tuyến cố định cần tính toán để giảm giá ngay đợt này. Bộ Tài chính cần ban hành quy trình triển khai kê khai giá một cách đơn giản, không để mất nhiều thời gian, thủ tục như hiện nay”, Thứ trưởng Trường đề nghị.
Theo Baodautu
TIN LIÊN QUAN |
---|