Chủ tịch Trung Quốc thăm Pakistan: Thắt chặt quan hệ đồng minh

22/04/2015 09:51

(Baonghean) - Ngày 20/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Islamabad bắt đầu chuyến thăm chính thức Pakistan. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc tới Pakistan trong vòng 9 năm qua. Với quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và kế hoạch đầu tư của Trung Quốc trị giá 46 tỷ USD vào quốc gia Nam Á này, quan hệ đồng minh giữa Trung Quốc và Pakistan sẽ được thắt chặt hơn nữa.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (trái) đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình  tại sân bay. Ảnh: AFP
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (trái) đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay. Ảnh: AFP

Ngay sau khi tới Islamabad, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên tầm quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mang sang Pakistan kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng ở quốc gia Nam Á trị giá 46 tỷ USD trong 15 năm tới đây.

Đổi lại, Pakistan sẽ giúp Trung Quốc thâm nhập vào Ấn Độ Dương thông qua cảng biển nước sâu Gwadar của nước này trên Vịnh Arab trong kế hoạch hiện thực hóa hành lang kinh tế Pakistan - Trung Quốc. Đây cũng là khoản đầu tư vô cùng quan trọng đối với Pakistan trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang bị trì trệ. Pakistan hy vọng khoản đầu tư này sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng năng lượng dai dẳng và biến quốc gia này thành trung tâm kinh tế khu vực.

Chỉ nhìn vào số tiền khổng lồ mà Trung Quốc dự kiến đầu tư vào Pakistan cho thấy, Bắc Kinh “để mắt” tới Islamabad như thế nào. Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan chính là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong chuyến thăm này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Pakistan. Không những là đồng minh quan trọng, Trung Quốc còn là đối tác thương mại lớn nhất của Pakistan với kim ngạch thương mại hai chiều vượt 16 tỷ USD trong năm 2014.

Chính vì thế, bên cạnh sự liên kết về chính trị thì liên kết về kinh tế sẽ là động lực mạnh mẽ kết nối mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan. Do đó, Trung Quốc mong muốn thành lập một hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan bao gồm các tuyến đường bộ, đường sắt và các dự án năng lượng kết nối cảng nước sâu Gwadar ở Tây Nam Pakistan với Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc. Đây chính là “con đường ra biển” của một trong những vùng đất khó khăn và có địa hình hiểm trở nhất Trung Quốc.

Ngoài ra, đây cũng chính là dự án nằm trong kế hoạch khôi phục lại “con đường tơ lụa” nổi tiếng một thời của Trung Quốc, thậm chí dự án hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan còn có thể tạo điều kiện để “con đường tơ lụa” trên biển mà Trung Quốc theo đuổi trở nên thuận lợi hơn. Ngoài ra, hiện đã có nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào Pakistan, đặc biệt là trong các dự án cơ sở hạ tầng như xây dựng đường bộ, nhà máy điện và viễn thông.

Với khoản đầu tư lần này mà Trung Quốc mang tới, Pakistan sẽ có cơ hội thúc đẩy nền kinh tế vốn đang trì trệ của mình phát triển, còn Trung Quốc có thể sẽ vươn tới Ấn Độ Dương dễ dàng thông qua hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan. Theo các nhà phân tích, đối với Pakistan, sự hợp tác kinh tế này với Trung Quốc còn quan trọng hơn nhiều so với các khoản viện trợ “nhỏ giọt” hơn 1,5 tỷ USD hàng năm của Mỹ dành cho Pakistan.

Song, ngoài tăng cường hợp tác về kinh tế, trong chuyến thăm Pakistan lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước còn ký kết một số dự án hợp tác về an ninh, quốc phòng. Lâu nay, sự gần gũi giữa các phiến quân Hồi giáo ở Pakitan và Afganistan với các tay súng người Duy Ngô Nhĩ chống đối Bắc Kinh ở Tân Cương luôn khiến chính phủ Trung Quốc “đứng ngồi không yên”. Do đó, Trung Quốc dựa vào mối quan hệ đồng minh tốt đẹp với Chính phủ và quân đội Pakistan để gây ảnh hưởng và thuyết phục những kẻ khủng bố Hồi giáo ở Pakistan cũng như Afghanistan không tấn công các mục tiêu của Trung Quốc hoặc không hỗ trợ các chiến binh Duy Ngô Nhĩ trỗi dậy ở khu tự trị Tân Cương. Ngoài ra, các hợp đồng mua bán vũ khí giữa hai nước đang ngày càng đưa Trung Quốc trở thành quốc gia cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Pakistan và chiếm ưu thế trước vũ khí Mỹ ở thị trường Nam Á này. Ví dụ mới nhất là Trung Quốc đã đồng ý bán cho Pakistan 8 chiếc tàu ngầm diesel trị giá khoảng 4 tỷ USD, số lượng gấp đôi hạm đội tàu ngầm của Pakistan hiện nay.

Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện một lần nữa cho thấy, mối quan hệ đồng minh giữa hai nước Trung Quốc - Pakistan ngày càng được thắt chặt trong bối cảnh sự tương trợ lẫn nhau sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên.

Nguyễn Cao Biền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Chủ tịch Trung Quốc thăm Pakistan: Thắt chặt quan hệ đồng minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO