Chủ tịch Trung Quốc thăm Trung Đông: Chớp thời cơ, đúng thời điểm?

20/01/2016 13:35

(Baonghean) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức tới 3 nước Trung Đông gồm Iran, Saudi Arabia và Ai Cập từ ngày 19-23/1. Các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy, đã đến lúc Bắc Kinh muốn nắm giữ vai trò quan trọng hơn ở khu vực có nhiều biến động này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Internet.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Internet.

Thời điểm chính trị

Đây là lần đầu tiên trong vòng 12 năm một Chủ tịch Trung Quốc đến thăm Iran và Ai Cập. Nguyên thủ Trung Quốc cũng thăm chính thức Saudi Arabia lần gần nhất cách đây đã 7 năm. Chuyến thăm Trung Đông của ông Tập diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia đang ở mức đỉnh điểm sau vụ Saudi Arabia xử tử một giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite. Vậy tại sao Trung Quốc muốn tiến vào nơi mà họ gọi là “bãi mìn ngoại giao”?

Giới phân tích cho rằng, trước hết, Trung Quốc muốn tạo sự khác biệt. Trung Quốc không muốn gia tăng ảnh hưởng của mình ở khu vực bằng việc “nhúng tay” trực tiếp vào chảo lửa Syria mà tìm tới 2 quốc gia đang đối địch nhau là Iran và Saudi Arabia. Trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã phái Thứ trưởng Ngoại giao Trương Minh đến Saudi Arabia và Iran để tìm cách góp phần giảm thiểu mối căng thẳng phát sinh giữa hai nước.

Có vẻ như Bắc Kinh muốn đi trước một bước trong căng thẳng Iran - Saudi Arabia khi Nga chưa tới nơi, còn Mỹ cũng đã có dấu hiệu muốn ngừng lại hay quá bối rối với mớ bòng bong mà Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama vẫn chưa giải quyết xong ở Syria, Iraq. Bên cạnh đó, thông qua việc củng cố và tăng cường hợp tác với 2 đại diện đối lập nhau ở Trung Đông, Trung Quốc cũng gửi đi thông điệp về chính sách ngoại giao cân bằng và Bắc Kinh có thể nắm giữ vai trò điều phối với tất cả các bên.

Ở một khía cạnh khác, dù không tới Syria nhưng với việc “làm thân” với Iran và Saudi Arabia, Trung Quốc chắc chắn sẽ được lợi khi khủng hoảng ở Syria đến lúc “hạ màn”. Bởi Iran là đồng minh của Chính phủ Syria, trong khi Saudi Arabia lại ủng hộ phe đối lập. Như vậy, khi cuộc chiến kết thúc, dù bên nào thắng thì Trung Quốc cũng có nhiều cơ hội để vào Syria với vai trò nhà đầu tư, tìm cách kiểm soát dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác.

Ngoài ra, nếu có thể làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia, Trung Quốc sẽ vơi bớt nỗi lo mang tên Hồi giáo. Xung đột giáo phái tại Trung Đông giữa hai dòng Sunni và Shiite có thể sẽ gây hiệu ứng “xuất khẩu” tư tưởng cực đoan ra bên ngoài, tạo thiên đường cho các nhóm khủng bố và tác động xấu đến Trung Quốc. Cụ thể hơn, đó là viễn cảnh gia tăng các hành động tấn công, bạo động, khủng bố của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ thiểu số tại khu vực Tân Cương. Điều này góp phần giải thích tại sao Trung Quốc đang ra sức tìm kiếm vai trò chính trị ở Trung Đông và giờ là thời điểm thích hợp.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Iran Hassan  Rouhani năm 2014 tại Thượng Hải.(Ảnh: AP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani năm 2014 tại Thượng Hải.(Ảnh: AP.

Thời cơ kinh tế

Khi đã khẳng định những lợi ích chính trị, Trung Quốc sẽ có thêm cơ hội và lợi ích bền vững về kinh tế. Trung Đông vốn là 1 trong 3 tuyến đường mà Bắc Kinh chọn cho chương trình “Một vành đai, một con đường” - chương trình dự kiến sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của nước này.

Trung Đông cũng là nơi Trung Quốc nhập khẩu tới hơn một nửa lượng dầu mỏ để phục vụ nhu cầu khổng lồ của mình. Bắc Kinh cần tìm nguồn cung ổn định để đảm bảo sự phát triển đúng thời điểm Trung Đông cần một khách hàng mới.

Đó là lý do trong chuyến công du lần này, Chủ tịch Trung Quốc dẫn theo trên 100 doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty năng lượng nhà nước. Cơ hội đầu tư vào năng lượng và các lĩnh vực khác còn lớn hơn khi Iran – 1 trong những cường quốc dầu mỏ của khu vực vừa được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết hồi tháng 7 năm ngoái.

Các doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đang dồn dập đổ về Tehran tìm những cơ hội làm ăn mới. Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc chắc chắn không thể chậm chân trong việc tìm được chỗ đứng ở Iran. Đó là chưa kể, trong khi nhiều người Iran bảo thủ vẫn kiên quyết chống lại nhập khẩu các sản phẩm Mỹ và phương Tây, đó rõ ràng là cơ hội để nhà đầu tư Trung Quốc có thể giành được thị phần đáng kể tại đây.

Trong khi xem Iran là “cường quốc” ở khu vực, là một đối tác rường cột tin cậy đủ sức phá thế bá quyền của phương Tây, Bắc Kinh cũng không quên mở các kênh tiếp xúc với Saudi Arabia. Căng thẳng hiện nay có thể sẽ không làm giá dầu bật tăng, nhưng về dài hạn, bất kỳ xung đột nào ở Trung Đông đều sẽ có tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Trung Đông là 1 trong 3 tuyến đường mà Trung Quốc chọn cho chương trình “Một vành đai, một con đường”. Ảnh: Internet.
Trung Đông là 1 trong 3 tuyến đường mà Trung Quốc chọn cho chương trình “Một vành đai, một con đường”. Ảnh: Internet.

Xác định những lợi ích kinh tế và chính trị với khu vực “nhiều tai họa nhưng cũng lắm lợi ích” này, ngay trước chuyến thăm của ông Tập, vào ngày 13/1, Trung Quốc lần đầu tiên công bố “Văn kiện chính sách của Trung Quốc đối với các nước Arập”, trong đó đưa ra cơ chế hợp tác “1+2+3” xác định hợp tác năng lượng là trục chính, xây dựng cơ sở hạ tầng và tiện lợi hóa đầu tư thương mại là 2 cánh, còn hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân, hàng không vũ trụ và năng lượng mới là 3 khâu đột phá.

Rõ ràng, Trung Quốc đang tận dụng thời cơ và thời điểm để gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông. Chỉ có điều bước đi của Bắc Kinh sẽ khác biệt so với Mỹ và Nga, dù không còn là “kẻ ngoài cuộc” nhưng chắc Trung Quốc sẽ không trực tiếp can thiệp vào những rắc rối ở Trung Đông.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Chủ tịch Trung Quốc thăm Trung Đông: Chớp thời cơ, đúng thời điểm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO