Chú trọng đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn

21/03/2012 17:57

Đào tạo nghề và tạo việc làm mới nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số thời gian qua đã và đang được các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh ta hết sức quan tâm

(Baonghean) - Đào tạo nghề và tạo việc làm mới nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số thời gian qua đã và đang được các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh ta hết sức quan tâm.

Chỉ tính riêng năm 2011, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 35 nghìn phụ nữ, chiếm 49%, đào tạo nghề cho hơn 84 nghìn người, trong đó nữ chiếm 45%; xuất khẩu lao động hơn 13 nghìn người, nữ chiếm 45%.

Bên cạnh đó, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan thúc đẩy việc tạo điều kiện cho chị em phụ nữ vay vốn giải quyết việc làm, phát triển làng nghề, đưa khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Đến nay 100% tỷ lệ nữ vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng khác. Nhờ đó đời sống của chị em ngày càng khá hơn, xuất hiện nhiều nữ doanh nghiệp giỏi, chị em tự tin làm chủ cuộc sống, bình đẳng trong kinh tế, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2011 xuống còn 18,87%.




Chị Nguyễn Thị Hải (xóm 2, Hưng Tân, Hưng Nguyên) áp dụng KHKT vào chăn nuôi, cho thu nhập cao.

Là một trong những huyện có nhiều cách làm hay, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Hưng Nguyên đã phối hợp với các ban, ngành, đặc biệt là phòng LĐTBXH - cơ quan thường trực của Ban để thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu đề ra. Ban đã duy trì có hiệu quả việc liên kết giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho chị em nghèo được vay vốn. Riêng năm 2011, đã có 104 tổ vay vốn với số hộ dư nợ 3.843 hộ, tổng dư nợ 51,948 tỷ đồng. Ngoài ra, quỹ tình thương đã huy động vốn cho 1.700 lượt chị em vay, nâng tổng số dư nợ đến cuối năm 2011 là 20 tỷ đồng. Đảm bảo cho 98% phụ nữ có nhu cầu được vay vốn từ các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.

Chị Nguyễn Thị Hồng - Phó phòng LĐTBXH huyện, Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện cho biết: Để phụ nữ bình đẳng với nam giới trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, Ban đã phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức mở các lớp tập huấn về kiến thức KHKT, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho phụ nữ. Năm 2011, mở được 11 lớp thu hút 363 hội viên, trong đó nữ chiếm 73% chủ yếu tập trung vào các nghề như chăn nuôi thú y, chăn nuôi lợn thịt, may công nghiệp, cách trồng hoa cúc ...Năm 2011, toàn huyện có 2.800 lao động được đào tạo nghề thì số lao động nữ chiếm 45%.Giải quyết việc làm mới cho 2.700 lao động, trong đó có 1.295 phụ nữ, chiếm tỷ lệ 47,96%. Trong số 800 lao động đi làm việc ở nước ngoài thì có 341 lao động nữ, chiếm 42,62%.

Từ các lớp học đào tạo ngắn hạn (2 - 3 tháng/lớp), chị em đã biết áp dụng các kiến thức học được vào chăn nuôi, trồng trọt góp phần đưa kinh tế hộ ngày càng phát triển. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Hải (sinh năm 1976) ở xóm 2 xã Hưng Tân. Trước đây, khi chưa được tiếp cận khoa học kỹ thuật, chị Hải chỉ dám nuôi từ 2 - 3 con lợn nái, sau thời gian tham gia lớp đào tạo ngắn hạn về cách chăm sóc đàn lợn và nuôi trồng thủy sản, chị Hải đã tự tin bàn với chồng mở rộng quy mô chăn nuôi, đào ao thả cá. Đến nay, gia đình chị Hải đã có hẳn một trang trại lợn thịt lên đến hàng trăm con, 7 con lợn nái mỗi năm sinh sản trên 20 lứa, trên 4 nghìn m2 ao thả cá, cộng thêm nghề thu mua lúa xay xát gạo nhập cho các nhà hàng ở TP Vinh, mỗi năm chị Hải thu lãi ròng trên 100 triệu đồng.

Được biết, trong năm 2011, Hội Liên hiệp phụ nữ và Sở LĐTB&XH đã ký kết chương trình đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ vùng nông thôn, miền núi giai đoạn 2011 - 2015. Đây là chương trình phối hợpgiữa Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH và T.Ư Hội LHPN Việt Nam. Thời gian qua Hội LHPN và Sở LĐTB & XH đã phối hợp tổ chức được 13 lớp bồi dưỡng các kiến thức liên quan đến công tác dạy nghề cho 115 lượt cán bộ chủ trì cấp huyện, thành phố thị xã và gần 720 cán bộ cơ sở. Mỗi năm, Trung tâm dạy nghề Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã mở từ 1 - 2 lớp đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ nghèo từ nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia thông qua Sở LĐTB&XH.

Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2011 - 2015 với phương châm tăng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề để có việc làm ổn định, giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, Sở LĐTB & XH, Hội Liên hiệp phụ nữ sẽ đào tạo 400 - 500 học viên/năm chủ yếu là lao động nữ, đồng thời mở các lớp bồi dưỡng, các cuộc hội thảo nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực trình độ cho cán bộ hội, cùng phối hợp thực hiện các chủ trương, chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho lao động nữ, nhất là lao động nữ nông thôn, miền núi.


Thanh Thủy

Mới nhất
x
Chú trọng đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO