Chú trọng phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn

18/11/2013 18:12

(Baonghean) - So với các địa phương vùng đồng bằng, Nghi Lộc là huyện có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trang trại. Hiện nay, việc chú trọng, khuyến khích ưu tiên để nhân rộng các mô hình trang trại quy mô lớn đang được xem là hướng đi mới mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn.

Chúng tôi ghé thăm trang trại chăn nuôi gà của anh Nguyễn Văn Hòa ở vùng đồi Kho Vòm - xóm Vận Tải - xã Nghi Hoa đúng dịp cơ sở vừa vào đàn mới 2 ngày tuổi, chuẩn bị nguồn thực phẩm gà thịt cho dịp xuất bán cuối năm. Đây là trang trại chăn nuôi gà công nghiệp lớn của xã Nghi Hoa, quy mô trên 7000 con/năm. Mô hình chăn nuôi này liên doanh với Công ty cám thức ăn chăn nuôi Sipi (Thái Lan) nên cơ bản các khâu con giống, thức ăn, đầu ra cho sản phẩm được công ty hỗ trợ. Anh Hòa cho biết : Mỗi năm gia đình nhập hơn 7000 con gà giống, khoảng 40 tấn thức ăn.

Các yếu tố xây dựng khung kho chuồng trại công nghiệp, cơ sở vật chất, nhân lực, kỹ thuật thú y, nhất là chăm sóc phòng tránh dịch bệnh thường gặp trên gà đều phải tính toán đảm bảo đúng quy trình. Hàng năm, cơ sở xuất bán ra thị trường tối thiểu 4 lứa gà thịt, bình quân 20-30 tấn/lứa, tương đương trên 100 tấn gà thịt/năm. Theo tính toán, mỗi con gà từ khi nuôi đến xuất bán kéo dài khoảng 3 tháng, trọng lượng lúc xuất bán đạt khoảng 3kg/con. Nếu thị trường ổn định, giá gà thịt bán ra đạt từ 32 - 40 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi con bán ra đều có lãi 7-10 ngàn đồng. Hiện nay anh Hòa đang tạo việc làm cho 4-5 lao động địa phương với mức lương ổn định 4 triệu đồng /người/ tháng.

Trang trại chăn nuôi gà của anh Nguyễn Văn Hòa - xóm Vận Tải - xã Nghi Hoa.
Trang trại chăn nuôi gà của anh Nguyễn Văn Hòa - xóm Vận Tải - xã Nghi Hoa.

Từ năm 1999, anh Nguyễn Trọng Phúc - xóm 16 - Nghi Long đã triển khai nuôi 50 con gà công nghiệp tại xóm 2 - Nghi Hoa. Tuy nhiên, do yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi gà thời điểm đó không phù hợp với điều kiện thực tế địa phương nên anh Phúc chuyển dần sang hình thức tự đầu tư là chính để tạo tính chủ động trong chăn nuôi. Bước đầu, anh nhận thầu các vùng đất cao, khó cải tạo tại các địa phương để gây dựng cơ sở chăn nuôi. Chủ động học hỏi kinh nghiệm, lăn lộn tìm kiếm thị trường, con giống tại các tỉnh phía Bắc như Hà Tây, Hà Nội, đến nay, anh Phúc đã phát triển 3 cơ sở tư nhân nuôi gà công nghiệp theo hình thức trang trại lớn, quy mô trên 50 ngàn con/lứa/năm.

Hàng năm, 3 cơ sở cung cấp cho thị trường trong tỉnh trên 120 tấn gà thịt, bao gồm các sản phẩm gà công nghiệp, gà Loan Phượng và gà Mic giống cỏ đưa về doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện anh Phúc đang tạo việc làm cho 15 lao động địa phương. Anh Phúc cho hay: Hiện đang là dịp cuối năm, sức tiêu thụ tăng, do vậy các cơ sở đều phải tăng tốc vào đàn, thuê thêm lao động để chăm sóc, đảm bảo cung ứng kịp sản phẩm gà thịt cho thị trường..

Là huyện có nguồn lực lao động dồi dào, nhiều kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi truyền thống cộng với nguồn phụ phẩm nông nghiệp lúa, ngô dồi dào, thị trường đầu ra thuận lợi, Nghi Lộc tập trung khai thác thế mạnh tại các vùng đất cao khô, sỏi đá, các vùng đất trồng cây lâu năm không có hiệu quả, hoặc không có khả năng sản xuất để đầu tư chăn nuôi. Đến nay, toàn huyện có 243 trang trại, gia trại. Trong đó, 22 trang trại chăn nuôi lợn quy mô 70 con/trại trở lên, 33 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô 2000 con/ trại trở lên, 12 trang trại chăn nuôi gia súc quy mô 15 con/trại trở lên. Trong số 30 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp có 15 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp quy mô 7000 con trở lên, 14 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp liên doanh với Công ty cám thức ăn chăn nuôi Sipi tập trung tại các xã Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Hoa, Nghi Văn, Nghi Phương.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc, cho biết: Phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại là hướng đi trong phát triển kinh tế của huyện. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn đầu tư, huyện khuyến khích phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, thu hút đầu tư theo phương châm hợp tác, liên doanh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Để khuyến khích người dân đầu tư, huyện đã tạo điều kiện trong vấn đề cấp bìa cho các trang trại có nhu cầu thầu đất, phù hợp với điều kiện quy hoạch sử dụng đất, không gây ô nhiễm môi trường. Ban hành chính sách hỗ trợ 10 triệu đồng/trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô 2000 con/trại trở lên (sau khi triển khai và áp dụng cơ chế này có hiệu quả, huyện đang tạm dừng chính sách này).

Qua tìm hiểu thì để phát triển và khai thác tốt tiềm năng trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nhất là chăn nuôi gia cầm, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Nghi Lộc đang gặp nhiều khó khăn. Ông Đặng Thọ Thiệu - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Hoa, cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 3 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp lớn, quy mô 10 ngàn -18 ngàn con/lứa. Hai năm qua, giá cả thị trường khó khăn, chi phí đầu tư cho chăn nuôi đội cao. Cơ chế vay vốn ngân hàng trong chương trình phát triển nông nghiệp thấp, tối đa 50 triệu đồng/hộ nên người chăn nuôi khó huy động vốn đầu tư sản xuất. Trong khi đó, vấn đề cấp bìa và thuê đất lâu năm khó khăn nên cơ sở thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư cho chăn nuôi không có. Có nhiều chu kỳ chăn nuôi, chủ trang trại không chú trọng dồn sức đầu tư. Cũng theo ý kiến của ông Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện thì hiện nay, huyện mới chỉ thực hiện thủ tục cấp bìa sử dụng đất cho 5/15 trang trại đạt chuẩn theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp.

Do đặc thù địa hình nằm tại vùng phụ cận Thành phố Vinh, mưa lụt, các đối tượng dịch bệnh khá nhạy cảm trên đàn vật nuôi, từ nay đến năm 2020, huyện Nghi Lộc xác định việc quan trọng trong phát triển kinh tế trang trại là lựa chọn vật nuôi phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường; quy hoạch phát triển các trang trại chăn nuôi lớn trên các vùng bán sơn địa, xa dân cư. Ưu tiên lựa chọn các đối tượng nuôi là gia cầm và gia súc, hạn chế phát triển chăn nuôi lợn. Về lâu dài, huyện xây dựng đề án phát triển kinh tế trang trại gắn với quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2014-2020.

Bài, ảnh: Lương Mai\

Mới nhất
x
x
Chú trọng phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO