Chưa quyết liệt và thiếu đồng bộ

20/07/2014 17:29

(Baonghean) - Ngày 25/8/2011, Ban thường vụ Thành ủy Vinh đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/Th.U về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố. Sau 3 năm thực hiện, công tác quản lý đô thị ở thành phố Vinh vẫn còn rất nhiều bất cập, nhất là tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT làm nơi buôn bán.

(Baonghean) - Ngày 25/8/2011, Ban thường vụ Thành ủy Vinh đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/Th.U về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố. Sau 3 năm thực hiện, công tác quản lý đô thị ở thành phố Vinh vẫn còn rất nhiều bất cập, nhất là tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT làm nơi buôn bán.

Những chuyển biến

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 05, Thành phố Vinh có một bộ mặt mới, khang trang, sạch đẹp hơn. Thành phố đã tổ chức 6 đợt cao điểm ra quân đồng loạt giải tỏa hành lang ATGT, vỉa hè đô thị và chống tái lấn chiếm, góp phần đưa nhiều tuyến phố nhức nhối về tình trạng lấn chiếm trước đây như Phan Đình Phùng, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Cao Thắng, Thái Phiên, Trần Phú,… có phần giảm xuống. Ý thức của người dân được nâng lên, giảm tình trạng vi phạm trật tự ATGT. Trong 3 năm, lực lượng thanh tra đô thị thành phố đã kiểm tra 3.660 trường hợp về trật tự xây dựng, lập biên bản vi phạm gần 400 trường hợp, thu nộp ngân sách 1,98 tỷ đồng; lập biên bản trình UBND thành phố ban hành 87 quyết định cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại các phường, xã như: Hưng Dũng, Vinh Tân, Hà Huy Tập, Bến Thủy, Trường Thi, Nghi Phú, Hưng Đông, Trung Đô, Quán Bàu, Hưng Bình, Quang Trung; tháo dỡ tại chỗ, thu hồi đất lấn chiếm 30.316m2 tại các phường, xã: Hồng Sơn, Vinh Tân, Trường Thi, Hà Huy Tập, Nghi Phú, Đông Vĩnh, Trung Đô, Nghi Ân.

Lực lượng chức năng giải tỏa lấn chiếm ở đường Nguyễn Trãi (Nghi Phú).
Lực lượng chức năng giải tỏa lấn chiếm ở đường Nguyễn Trãi (Nghi Phú).

Các chiến dịch ra quân đều nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân các phường, xã. Người dân đã tự giác tháo dỡ gần 4000 mái che các loại. Lực lượng chức năng cấp phường, xã đã tháo dỡ 4.251 mái che, thu giữ 3.922 biển quảng cáo, 445 cọc chống, 1.968 m2 lưới thép B40, 389 m2 rào tạm, 168 xe đẩy bán hàng rong, 934 ô che, hàng ngàn bộ bàn ghế, cưỡng chế tháo dỡ 195 ki-ốt; giải tỏa 27 điểm giữ xe, buôn bán hàng di động, xử phạt 1,04 tỷ đồng. Công an phường, xã xử phạt 6,97 tỷ đồng vì các hành vi vi phạm hành chính trật tự an toàn giao thông. Thành phố cũng đã lựa chọn một số xã phường làm mẫu để xây dựng điểm về trật tự văn minh đô thị như Trường Thi, Hưng Bình, Lê Mao, Nghi Phú. Một số tuyến đường được lựa chọn làm mẫu để xây dựng tuyến phố xanh, sạch, đẹp như: Nguyễn Thị Minh Khai - Hồ Tùng Mậu; Quang Trung - Lê Lợi - Mai Hắc Đế,... Có thể khẳng định rằng, sau những chiến dịch ra quân liên tiếp, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, bộ mặt đô thị Thành phố Vinh đã có chuyển biến tích cực so với trước khi thực hiện Chỉ thị 05, đã hình thành những tuyến phố văn minh, đường thông, hè thoáng...

Sau giải tỏa là tái lấn chiếm

Mặc dù vậy, một thực trạng đáng buồn là ngay sau các đợt giải tỏa, tình trạng tái lấn chiếm hành lang, vỉa hè, lòng lề đường lại tiếp tục diễn ra.

Xã Nghi Phú được xem là cửa ngõ nối trung tâm Thành phố Vinh và các vùng phụ cận, với nhiều khu đô thị mới, nhiều tuyến đường quan trọng, được UBND thành phố chọn là điểm làm mẫu về trật tự văn minh đô thị. Thế nhưng, hiện nay, tình trạng kinh doanh khu vực chợ chiều Quán Bánh diễn ra lộn xộn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vào buổi chiều, Quốc lộ 1A đoạn ngã 4 Quán Bánh bị thu hẹp vì người dân tràn ra vỉa hè thậm chí là lòng đường để buôn bán. Tình trạng này đã xảy ra từ rất nhiều năm nay nhưng không thể xử lý triệt để. Trên tuyến vỉa hè đường Nguyễn Trãi, Quốc lộ 46, Hoàng Phan Thái, nhiều hộ lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán. Tại các tuyến điểm khác như Trường Thi, Hưng Bình, Lê Mao, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn xảy ra, nổi bật như các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Công Tráng, Trần Phú... Thậm chí, các tuyến đường được chọn làm điểm xây dựng thành tuyến đường xanh, sạch, đẹp cũng xảy ra tình trạng lấn chiếm tràn lan như: khu vực chợ Quán Lau (đường Hồ Tùng Mậu), tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai vẫn tái diễn cảnh dừng đậu xe lộn xộn, quán cà phê lấn chiếm vỉa hè, sửa xe máy trên vỉa hè, dán điện thoại di động, laptop; đường Quang Trung tồn tại vi phạm kinh doanh lấn chiếm ở các khu vực bán đồ điện lạnh, khu vực bán xe đạp, xe máy, dừng đậu xe máy lộn xộn trước Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt - Đức, khu vực BigC...

Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị Thành phố Vinh, hiện nay, ở 31 tuyến đường chính của các phường, xã trên địa bàn đều đang xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Việc ra quân giải tỏa chưa thực sự mang lại hiệu quả cao mà chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, sau các đợt giải tỏa rầm rộ thì các tuyến đường đều xảy ra tái lấn chiếm trở lại.

Thiếu giải pháp lâu dài, bền vững

Nói về tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường sau các đợt ra quân rầm rộ, ông Đỗ Đình Thông, Phó Chánh Thanh tra đô thị TP. Vinh cho biết, lâu nay, việc ra quân, giải tỏa của các lực lượng vẫn đang gặp phải tình trạng “ném đá ao bèo”, xe của lực lượng thanh tra đi xử lý phía trước thì phía sau người dân đã tái lấn chiếm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vỉa hè, lòng, lề đường của thành phố thường xuyên bị lấn chiếm làm nơi buôn bán, kinh doanh. Phải khẳng định rằng, lâu nay, vai trò quản lý nhà nước ở các lĩnh vực liên quan đến trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị còn hạn chế. Nhất là công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng có chỗ chưa hợp lý, việc thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ. Một số lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa chú trọng, chưa thường xuyên, quản lý chưa tốt, chưa hết trách nhiệm. Thậm chí, có phường xã còn thu phí của những người sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán. Từ năm 2013, khi hành vi này bị UBND thành phố cấm thì một số phường xã vẫn tìm cách lách luật. “Trong quá trình kiểm tra, xử phạt, chúng tôi phát hiện một số phường xã đã cho ban quản lý các chợ được phép thu tiền của những người buôn bán trên các vỉa hè ở gần đó. Đây là hành vi tiếp tay cho sai phạm khiến việc kiểm soát hành vi lấn chiếm gặp rất nhiều khó khăn”, ông Đỗ Đình Thông khẳng định.

Từ lâu nay, những người lấn chiếm đã hình thành nên thói quen tái lấn chiếm sau khi bị giải tỏa bởi lực lượng chức năng chưa thực hiện đồng bộ giữa các biện pháp giải tỏa và chống tái chiếm một cách hiệu quả. Thậm chí, nhiều nơi, người dân còn liên kết với nhau để thông báo về lịch trình ra quân của các đoàn kiểm tra, xử lý để đối phó trước khi đoàn đến. Khi xe bán tải của lực lượng thanh tra, quy tắc đô thị vừa đi khỏi thì đâu lại vào đó. Khi mà ý thức của người dân chưa cao, có tâm lý “nhờn luật” thì từ lâu nay, người tiêu dùng cũng đã hình thành nên tâm lý sử dụng dịch vụ đường phố một cách tùy tiện, tiện đâu mua đấy, vô hình chung đã tiếp tay cho những người buôn bán có lý do để lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường.

Mặt khác, lâu nay, Thanh tra đô thị thành phố vẫn chưa chú trọng việc giải tỏa hành lang an toàn giao thông với công tác chống tái lấn chiếm, thời gian dành cho công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông còn ít mà chủ yếu là kiểm tra về trật tự xây dựng. 2 tuyến đường mẫu mà UBND Thành phố Vinh giao cho Thanh tra đô thị thành phố đảm nhiệm là đường Lê Hồng Phong và đường Phan Đình Phùng vẫn còn tồn tại tình trạng lấn chiếm vỉa hè như các quán ăn sáng, quán bia, rượu buổi chiều, cà phê, xưởng cán tôn,...

Khi nói về những “điểm đen” về lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, ông Đỗ Đình Thông thừa nhận rằng, có tình trạng một số tuyến đường bị lực lượng “bảo kê” lũng đoạn. Đây thường là những đối tượng bất hảo, thu tiền của người dân. Khi lực lượng chức năng tiến hành xử lý, các đối tượng này thường tìm cách cản trở, gây gổ, dọa dẫm. Một số cán bộ quy tắc đô thị phường xã cũng “ngại va chạm” với các đối tượng này và khiến cho một số tuyến đường rất khó xử lý.

Ngoài những nguyên nhân kể trên thì nguyên nhân cơ bản nhất là hiện nay, trên địa bàn Thành phố Vinh đang có hàng ngàn hộ dân sống nhờ vào việc buôn bán trên các vỉa hè, lòng lề đường, buôn bán dạo. Đây không đơn thuần là những người làm thêm mà còn là cuộc sống mưu sinh thực sự, phía sau những gánh hàng rong, những chiếc xe đẩy, những mẹt xôi là cuộc sống của những gia đình nghèo. Chính vì vậy, bằng cách này hay cách khác, người dân vẫn sẽ tìm cách lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán, bất chấp việc này là vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính, bị tịch thu hàng hóa, biển hiệu. Điều này cũng đặt ra vấn đề là phải tìm ra những giải pháp mang tính lâu dài, bền vững, tạo được nơi buôn bán thuận lợi cho những người mưu sinh bằng nghề bán hàng rong, hàng vặt ở vỉa hè.

Nếu như Thành phố Vinh đã bước đầu thành công với việc quy hoạch khu vực chợ ẩm thực đêm thì trong tương lai gần cũng phải tính đến việc quy hoạch các khu vực buôn bán đặc thù khác để vừa tạo việc làm cho người dân, vừa thu được thuế và các loại phí. Một khi các khu chợ được quy hoạch lại rộng rãi, khang trang, đủ chỗ cho những người buôn bán nhỏ không phải ra đứng ngoài đường, một khi những người bán hàng rong, bán xe đẩy quần áo có được nơi bán hàng hợp lý, thuận lợi thì chắc chắn, tình trạng lấn chiếm hành lang, lòng lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán sẽ giảm đi. Khi đó, các chiến dịch, các đợt ra quân giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông, lòng lề đường sẽ không còn chịu cảnh “ném đá ao bèo”, “bắt cóc bỏ đĩa” nữa.

Bài, ảnh: Nguyên Khoa

Mới nhất
x
Chưa quyết liệt và thiếu đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO