Chưa tìm được tiếng nói chung
(Baonghean) - Từ khi Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng được ban hành thì tình hình tiêu thụ nông sản của nông dân Nghệ An bước đầu được cải thiện. Đây được xem là bước đi đột phá trong việc tăng thu nhập cho người nông dân. Mối liên kết “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, đối với các loại nông sản ngắn ngày, kết quảchưa mang lạinhư mong muốn.
Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An thực hiện ký hợp đồng với người nông dân trong việc tiêu thụ hàng nông sản như lúa, ngô, lạc tại Nghệ An. Trong sợi dây liên kết 4 nhà thì Công ty đảm nhận 2 nhà là “nhà khoa học” và “nhà doanh nghiệp”. Tham gia ký hợp đồng, công tycung ứng giống, phân bón, hướng dẫn KHKT và đảm bảo tiêu thụ 100% sản phẩm cho người nông dân. Trong năm 2011, công ty đã ký hợp đồng với người nông dân trong việc sản xuất trên 600 ha lúa tập trung tại các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành.
Nông dân vẫn chưa quen với phương thức sản xuất và mua bán theo kiểu cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. ( Trong ảnh: trồng ớt xuất khẩu tại xã An Hòa- Quỳnh Lưu)
Tạinhiều địa phương khác như Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã ký kết nhiều hợp đồng với người nông dân. Ví dụ như mô hình trồng lạc theo dự án cạnh tranh Nông nghiệp tại xã Diễn Thịnh (Diễn Châu), mô hình trồng ớt ngọt xuất khẩu tại xã An Hòa (Quỳnh Lưu), mô hình trồng ớt cay tại xã Nam Cường (Nam Đàn), các mô hình trồng ngô ở Thanh Chương, Anh Sơn…Tại những địa phương này, hiệu quả về năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp được khẳng định. Người nông dân được tập huấn về các tiến bộ KHKT trong sản xuất và từ đây, thu nhập của nông dân được nâng lên. Đối với nông dân, đây là lời giải cho đầu ra của sản phẩm nông sản với giá cả ổn định và được hỗ trợ khi gặp khó khăn.
Tuy nhiên, hiệu quả liên kết “4 nhà” khi thực hiện các hợp đồng nông sản ngắn ngàychưa cao. Một nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là người nông dân vẫn chưa quen với phương thức sản xuất và mua bán theo kiểu cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, không có vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến. Thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã (HTX) tham gia tổ chức dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên... dẫn đến số lượng hàng hóa tiêu thụ qua hợp đồng ít ỏi. Nhiều hợp đồng tiêu thụ chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của từng nhà. Trong 4 nhà thì hầu hết chỉ có 2 nhà là “nhà doanh nghiệp” và “nhà nông”.
Theo đại diện Tổng công ty VTNN Nghệ An thì phần nhiều các HTX chưa hiểu hợp đồng kinh tế, chưa thấy được lợi ích lâu dài của hợp đồng tiêu thụ hàng hóa. Vì vậy, người nông dân sẵn sàng bán sản phẩm cho tư thương, không bán cho phía doanh nghiệp khi giá bên ngoài cao hơn. Tại xã Hưng Tây (Hưng Nguyên), vụ xuân năm 2011, hơn 70 hộ dân đã tham gia ký hợp đồng với Tổng công ty VTNN Nghệ An trong việc sản xuất giống lúa Nghi Hương 2308 với diện tích 20ha. Theo tính toán, lượng hàng hóa công ty có thể thu mua được là khoảng 120 tấn. Nhưng sau khi thu hoạch, người nông dân đã không bán cho công ty mà lại bán cho tiểu thương bên ngoài.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Tý, Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng: Trong cam kết, công ty sẽ thực hiện thu mua hàng hóa theo giá thị trường tại thời điểm và có cộng thêm 20%. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ở khu vực chợ Già (Hưng Tây), giá lúa Nghi Hương là 8000 đồng/kg nhưng phía Công ty chỉ mua với giá 7.600 đồng/kg (đã cộng thêm 20%). Do giá mua thấp hơn giá thị trường nên người nông dân đã không bán lúa cho công ty.
Nguyên nhân về sự chênh lệch giá đang là trở ngại trong quá trình liên kết giữa nhà doanh nghiệp và nông dân. Trên thực tế không phải DN nào cũng hợp đồng với giá ưu đãi cho nông dân. Đến vụ thu hoạch thì giá nông sản thị trường lại cao hơn so với giá DN ký kết thu mua nên đã có nhiều nông hộ ngầm bán cho các đại lý hay tư thương khác. Nếu sản lượng lớn thì giá trị chênh lệch cũng lớn. Nông dân băn khoăn là: tại sao lại đặt ra giá sàn trong khi giá nông sản ngoài thị trường luôn biến động? Tuy nhiên họ lại không hiểu được sự ổn định và lâu dài khi tham gia hợp đồng.
Phạm Bằng