Chung tay thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân

01/07/2015 07:35

(Baonghean) - Đồng chí Lê Trường Giang, Phó Giám đốc BHXH tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết vì sao ngày 1/7 được chọn là Ngày kỷ niệm Bảo hiểm y tế Việt Nam?

Xét nghiệm sinh hóa ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tỉnh.Ảnh: T.T
Xét nghiệm sinh hóa ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tỉnh. Ảnh: T.T

Đồng chí Lê Trường Giang: Năm 2009, đánh dấu sự kiện Luật BHYT đầu tiên của nước ta có hiệu lực thi hành - ngày 1/7/2009 - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg ngày 16/6/2009 lấy ngày 1/7 hàng năm là Ngày BHYT Việt Nam. Ngày BHYT Việt Nam như một điểm nhấn quan trọng, một mốc son trong lịch sử y tế, BHYT ở Việt Nam. Từ đây nước ta có thêm một ngày kỷ niệm đề cao giá trị nhân văn, mang ý nghĩa nhân đạo, tính cộng đồng của chính sách BHYT, phù hợp với đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày 1/7 hàng năm đã được Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các cấp, các ngành quan tâm tổ chức trọng thể.

Phẫu thuật mắt bằng phương pháp Phaco.Ảnh: T.T
Phẫu thuật mắt bằng phương pháp Phaco. Ảnh: T.T

Năm đầu tiên tổ chức kỷ niệm ngày BHYT, chủ đề hành động được lựa chọn là “Bảo hiểm y tế – Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh”. Chủ đề Ngày BHYT Việt Nam các năm từ 2010 đến 2013 đều được lựa chọn gắn liền với mục tiêu, lộ trình tiến tới BHYT toàn dân: “Tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực thực hiện chính sách pháp luật về BHYT” năm 2010; “Nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm của người tham gia BHYT trong khám, chữa bệnh góp phần tiến tới BHYT toàn dân” năm 2011; “Tăng cường trách nhiệm thực hiện nghiêm pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân” năm 2012 và năm 2013 “Thúc đẩy tiến trình thực hiện mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân”. Năm 2014 “Thúc đẩy tiến trình mở rộng bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân”. Kỷ niệm Ngày BHYT năm 2015 với chủ đề “Chung tay thực hiện lộ trình BHYT toàn dân” cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt luật đã quy định BHYT là hình thức bắt buộc toàn dân. Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và các tổ chức cá nhân.

Phóng viên: Định hướng BHYT toàn dân là một nội dung quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vậy, bắt đầu từ lúc nào Đảng và Nhà nước ta xác định chủ trương “tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân”?

Đồng chí Lê Trường Giang: Ở nước ta, BHYT ra đời, phát triển đến nay đã trên 20 năm. Ngay từ năm 1992, Điều 39, Hiến pháp nước ta đã quy định “Thực hiện BHYT tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe”.

Định hướng BHYT toàn dân là một nội dung quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001), lần thứ X (2006) và lần thứ XI (2011) của Đảng đều nhất quán chủ trương “Tiến tới BHYT toàn dân” và định hướng phải có lộ trình thực hiện phù hợp, hiệu quả.

Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, lộ trình thực hiện BHYT toàn dân đã được quy định trong Luật BHYT Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008. Để tiến tới thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, Luật BHYT sửa đổi quy định rõ: Từ ngày 1/1/2015, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc. Do đó, không còn khái niệm BHYT tự nguyện như trước đây, mà những đối tượng này theo quy định hiện nay là nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, tức toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đều tham gia BHYT.

Qua thực tiễn, lợi ích được chứng minh, nhận thức về BHYT theo đó đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Cùng với BHXH, BHYT đã trở thành chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị trên từng địa bàn.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả quan trọng sau 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT?

Đồng chí Lê Trường Giang: Sau 5 năm thực hiện Luật BHYT, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Đó là nhận thức của các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hiện chính sách BHYT ngày càng được nâng lên. Tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét. Việc mở rộng các nhóm đối tượng cơ bản đã được thực hiện theo đúng lộ trình của luật. Đến tháng 5/2015, Nghệ An đã có 2.226.295 người được cấp thẻ BHYT, cao hơn mức bình quân chung toàn quốc.

Mạng lưới khám, chữa bệnh BHYT được mở rộng, chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên. Người dân đã được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe từ nguồn quỹ BHYT ngay tại cộng đồng dân cư và nhiều dịch vụ y tế hiện đại.

Công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện BHYT có những chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo và có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT đã trở thành một trong các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Đồng thời qua thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.

Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT được đưa vào hệ thống chỉ tiêu kinh tế, xã hội trình HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 99, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng huyện, thành phố, thị xã tại Quyết định số 6037. Đây là sự thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với việc thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.

Phóng viên: Chủ đề ngày BHYT năm nay là “Chung tay thực hiện lộ trình BHYT toàn dân”. Xin đồng chí cho biết giải pháp để thực hiện chủ đề này?

Đồng chí Lê Trường Giang: Để thực hiện tốt chủ đề này, trách nhiệm không riêng ngành Y tế, ngành BHXH mà rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với những giải pháp cụ thể như: Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến chính sách BHYT, tích cực triển khai thực hiện "Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020" giai đoạn 2013 - 2015 của tỉnh Nghệ An.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT tới các nhóm đối tượng, nâng cao nhận thức nhân dân về trách nhiệm và quyền lợi trong thực hiện chính sách BHYT góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực thúc đẩy toàn dân tích cực tham gia.

Thứ ba, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường sự phối hợp liên ngành, sự phối hợp giữa Sở Y tế và BHXH tỉnh, giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám, chữa bệnh; Nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước về BHYT từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn; Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và BHYT để tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chi phí.

Thứ năm, triển khai mạnh mẽ các giải pháp để mở rộng đối tượng, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, tập trung quyết liệt vào các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT thấp và lao động các khối doanh nghiệp, đối tượng tham gia BHYT tự nguyện. Quan tâm tới tổ chức và hoạt động của mạng lưới thu và phát hành thẻ BHYT tại các xã, phường, thị trấn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân được tiếp cận thông tin và tham gia BHYT.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật BHYT, quy chế chuyên môn khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đóng và hưởng BHYT, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BHYT.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Thanh Thủy (Thực hiện)

Mới nhất
x
Chung tay thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO