Chung tay xây dựng nông thôn mới

01/01/2014 18:50

(Baonghean) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011- 2015, 100% các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề và kế hoạch thực hiện, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Phong trào xây dựng NTM đã có tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Nghệ An.

Mở đường giao thông ở xã Nghi Long (Nghi Lộc). Ảnh: Khánh Ly
Mở đường giao thông ở xã Nghi Long (Nghi Lộc). Ảnh: Khánh Ly

Bước chuyển

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011- 2015, 100% các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề và kế hoạch thực hiện, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Phong trào xây dựng NTM đã có tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Nghệ An, tạo được niềm tin cho cán bộ, nông dân vào chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng. Trong điều kiện hết sức khó khăn cả về nguồn lực và cơ chế chính sách nhưng với sự quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM phải khẳng định đây là chủ trương hợp lòng dân nên sớm đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, hệ thống chính trị vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt.

Các địa phương đã đẩy mạnh triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; nhận thức về xây dựng NTM của cán bộ và người dân đã có chuyển biến tích cực. Đây là thành công lớn nhất, có tính chất quyết định đến tốc độ cũng như chất lượng của chương trình. Từ chỗ người dân đứng ngoài cuộc, bằng công tác tuyên truyền, bằng kết quả của các mô hình, người dân đã ý thức được rằng xây dựng NTM là việc làm của toàn dân phục vụ cho chính cuộc sống của họ. Từ đó, mọi nhà, mọi địa phương thi đua, đẩy nhanh việc xây dựng và thực hiện các tiêu chí. Có thể kể ra nhiều phong trào như: hiến đất làm đường giao thông nông thôn, phong trào vệ sinh khối xóm, xây dựng các mô hình làm kinh tế giỏi, xây dựng cánh đồng mẫu… Từ các phong trào này, diện mạo nông thôn Nghệ An đang ngày một đổi thay. Người dân đã được thụ hưởng chính thành quả của bản thân, điều đó đã trực tiếp làm họ ngày càng gắn bó với chương trình. Chương trình đang dần trở thành phong trào sâu rộng trong cả tỉnh, huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn bản vào cuộc, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Một số đoàn thể chính trị, xã hội và các tổ chức doanh nghiệp đã tích cực tham gia vận động thực hiện các nội dung cụ thể của xây dựng NTM phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của mình.

Đến nay, 100% xã hoàn thành quy hoạch, đề án xây dựng NTM, đã xây dựng được 375 mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân và 16 cánh đồng mẫu lớn. Trong 3 năm qua đã huy động được 12.427 tỷ đồng; vận động nhân dân hiến 4.393.220 m2 đất và 3.417.939 ngày công, xây dựng hàng trăm công trình phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ chương trình hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã triển khai được gần 1.000 km, đây là khâu đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được Trung ương đánh giá cao, góp phần đưa bộ mặt nông thôn tỉnh nhà khởi sắc. Nhiều xã đạt thêm từ 2-4 tiêu chí điển hình như: xã Sơn Thành, Phúc Thành (Yên Thành); Nghi Liên (Thành phố Vinh), Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), Nam Anh (Nam Đàn), Nghi Thái (Nghi Lộc); Thịnh Sơn (Đô Lương); Hưng Tân (Hưng Nguyên). Đặc biệt, Sơn Thành là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM... Các xã này đang trở thành điểm sáng về xây dựng NTM với những cách làm chủ động, sáng tạo, vượt khó.

Thu hoạch lúa bằng máy trên cánh đồng mẫu lớn ở Hưng Nguyên. Ảnh: Sỹ Minh
Thu hoạch lúa bằng máy trên cánh đồng mẫu lớn ở Hưng Nguyên. Ảnh: Sỹ Minh

Còn tâm lý trông chờ...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại. Nhận thức của một số bộ phận cán bộ và người dân về Chương trình chưa đầy đủ và chưa thực sự chủ động. Còn có quan niệm cho rằng xây dựng NTM là chương trình của Nhà nước nên có tâm lý ỷ lại; một số nơi còn nặng về cơ sở hạ tầng, coi nhẹ phát triển sản xuất, tiến độ điều chỉnh quy hoạch theo Thông tư 13/TT-LB còn chậm do các địa phương, đặc biệt là người đứng đầu chưa nắm vững tiềm năng, lợi thế của địa phương, xu thế phát triển để điều chỉnh quy hoạch kịp thời. Ngoài ra, việc xây dựng các đề án, dự án nhất là đề án phát triển sản xuất còn sơ sài, chiếu lệ. Trong khi đó, một trong những mục tiêu cốt lõi của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, khi người dân có thu nhập cao thì mới có điều kiện để đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển văn hoá, xã hội.

Việc huy động nguồn lực thực hiện Chương trình đang gặp khó khăn kể cả về cơ chế lẫn chính sách, do tỉnh ta chưa tự cân đối được ngân sách, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, hàng năm còn phù thuộc vào nguồn hỗ trợ của Trung ương. Trong khi đó, cơ chế trích 70% tiền lệ phí đất và tiền đấu thầu quyền sử dụng đất đai theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng NTM, nhưng tỉnh chưa thực hiện do chưa cân đối được. Ngoài ra, cơ chế lồng ghép, huy động nguồn lực, đầu tư cho từng hạng mục chưa rõ ràng, cụ thể nên một số địa phương có điều kiện về nguồn lực nhưng còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khiến kết quả triển khai chương trình còn hạn chế.

Công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM còn nặng về hình thức, chưa chọn được cách thức tuyên truyền phù hợp, chuyên sâu với đối tượng chủ yếu là cư dân nông thôn, chưa tập trung vào nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện chương trình, mô hình hay, việc làm tốt, đặc biệt là tuyên truyền về cuộc vận động toàn dân “Chung tay xây dựng NTM” sâu rộng trong toàn xã hội nên chưa tạo chuyển biến nhận thức, để làm rõ vị thế và vai trò “chủ thể” của người dân, (bao gồm cả vị thế chính trị, kinh tế) vai trò của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, hợp tác xã trong xây dựng NTM.

Nhận thức trong cán bộ, đảng viên chưa thống nhất, kể cả đội ngũ lãnh đạo, quản lý, chuyên trách trong tổ chức vận hành chương trình. Vai trò của các ban, ngành khác đang “mờ nhạt” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối kết hợp, lồng ghép các chương trình mục tiêu. Doanh nghiệp và doanh nhân chưa mặn mà với việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Vai trò chủ thể của người dân chưa được cụ thể bằng các văn bản pháp lý, chủ yếu vẫn qua đại diện hoặc phụ thuộc vào cách điều hành, cách làm của cán bộ chủ trì cơ sở.

Chọn khâu đột phá

Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, động lực cũng từ người dân”. Để thực hiện được mục tiêu trên, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cách cách thức tổ chức, nội dung, phương pháp thực hiện, cách làm hay, sáng tạo, đột phá từ các điển hình tiên tiến. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đặc biệt là tuyên truyền mục tiêu và nguồn lực, về khó khăn, vướng mắc hiện nay của chương trình để người dân, chính quyền địa phương cùng chia sẻ. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch nông thôn cấp xã theo Thông tư 13/TT-LB, phải nắm rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương mình là cái gì, xu thế phát triển của xã hội ra sao để điều chỉnh quy hoạch bố trí dân cư, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cơ sở hạ tầng sao cho hợp lý. Trong điều chỉnh quy hoạch cần gắn với việc dồn điền, đổi thửa theo Nghị quyết 08/NQ-TU của Tỉnh ủy, dựa trên điều chỉnh quy hoạch để lập các đề án, dự án thực hiện chương trình một cách hiệu quả.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu và cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng NTM. Muốn thực hiện được, từ người dân đến cán bộ phải cơ cấu lại sản xuất, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong đó Nhà nước phải đóng vai trò bà đỡ cho nông dân, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ hạ tầng phục vụ sản xuất, cùng doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân... Các địa phương cần chỉ đạo, hướng dẫn người dân và cùng người dân bám vào các nghị quyết của cấp uỷ chính quyền, các đề án, dự án để chọn khâu đột phá, vừa tập trung chỉ đạo điểm, vừa phải triển khai trên diện rộng, lựa chọn tiêu chí nào thực hiện trước, tiêu chí nào thực hiện sau phù hợp với thực tế địa phương, nhất là sức dân. Kinh nghiệm ở một số địa phương là chọn những tiêu chí không cần tiền, ít tiền làm trước, làm từ trong nhà ra ngoài đồng hoặc ngược lại, có địa phương như Sơn Thành; Nghĩa Đồng; Nghĩa Mỹ; Hưng Tân; Diễn Tháp… lại chọn khâu giao thông làm đột phá…

Với bề dày truyền thống lịch sử văn hoá, nhân dân cần cù sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung sức đồng lòng hưởng ứng của nhân dân thì nông thôn tỉnh ta ngày càng khởi sắc, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, góp phần hoàn thành Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII tỉnh Đảng bộ.n

Nguyễn Hồ Lâm (Phó Văn phòng Điều phối Xây dựng NTM)

Mới nhất
x
Chung tay xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO