“Chút tình” của một nhạc sỹ người Nghệ với Hà Nội
(Baonghean) - Mở đầu ấn phẩm “Chút tình Hà Nội” (NXB Thanh Niên), tác giả - nhạc sỹ Dân Huyền tâm sự: “Tôi không sinh ra ở Hà Nội, nhưng là công dân Hà Nội... Tôi vui buồn cùng Hà Nội và biết mình phải làm gì để thể hiện tình cảm ấy”.
Đúng thế, quê Dân Huyền mãi tận trong Hưng Nguyên, Nghệ An. Song, sự nghiệp của ông gắn bó và phát triển tại Thủ đô. Đọc “Chút tình Hà Nội”, tôi muốn thêm lời bàn: Tình cảm Dân Huyền dành cho Hà Nội, không phải là “một chút” như ông khiêm tốn giãi bày, mà là nhiều và rất nhiều. Bởi chốn ngàn năm linh thiêng này là đề tài xuyên suốt của ấn phẩm. Ngắm tượng đài Lý Thái Tổ, ông xúc động, suy tư: “Ngài đang nhớ về trước / Hay đang nghĩ về sau / Hiện tại đã có được / Những sắc xuân nhiều mầu”. Nhìn cờ bay trên thành cổ, ông ngợi ca: “Đã trọn cả nghìn năm / Của ngọn cờ Đại Việt / Dáng uy nghi lẫm liệt / Giữa tầm vóc Thăng Long”. Thăm Chùa Trầm, nơi Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phát đi lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ, ông khẳng định: “Ngàn năm vẫn còn nhắc / Từ thế kỷ hai mươi / Tiếng nói dậy đất trời / Của một người lãnh tụ”.
Nhạc sỹ Dân Huyền. Ảnh: Internet
Cảnh đẹp Thủ đô được Dân Huyền đưa vào thơ thật đậm đà. Nào Hồ Tây, Hồ Gươm, Sông Hồng. Nào Cốm Vòng, Húng Láng, Đào Nhật Tân. Nào Gạch Bát Tràng, phố cổ Tràng An, cầu Long Biên.. Thơ ông có nét riêng không dễ hòa lẫn vào ai, do ý thơ khơi nguồn nhạc. Vãn cảnh phố cổ, ông viết: “Ai sinh ra đàn tam thập lục / Mà có cả ba mươi sáu dây tơ / Để ta vận vào với Thủ đô / Ba mươi sáu phố phường quen thuộc”. Gặp đôi mắt huyền và giọng nói thánh thót của cô hàng phở, ông tả: “Mắt em lúng liếng câu mời / Thành nốt nhạc trẻ, thành lời thơ xuân”. Thưởng thức Cốm Vòng, lòng ông xao xuyến: “Lan giữa không trung tiếng hát chèo / Hòa cùng tiếng sáo cứ trong veo / Quyện theo hương lúa lời ai hát / Cốm Vòng ơi, xa bạn nhớ nhiều”.
Cho dù Dân Huyền chỉ tuyển và cho in 22 bản nhạc so với 48 bài thơ vào “Chút tình Hà Nội”, người đọc vẫn dễ dàng nhận ra thế mạnh âm nhạc của ông. Thưởng thức các nhạc phẩm “Bên Lăng Bác Hồ”, “Thương nhớ đất Thăng Long”, “Điện Biên giữa lòng Hà Nội”..., lại thấy ngân nga giai điệu và ca từ ngọt ngào: “Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong / Trời Ba Đình xanh trong tỏa hương sắc sen hồng / Về thăm Bác hôm nay, bao niềm thương xao xuyến trong lòng / Xin kính dâng Người nghĩa tình sâu nặng của núi sông”. Rồi nhiều kỷ niệm đẹp giữa ông và tôi, một thời làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng theo mạch này ùa về, ví như lần cùng nhau sang Đài Phát thanh Côn Minh, Trung Quốc tuyên truyền Hiệp định Paris về Việt Nam. Tại đó, ông khởi thảo nhạc phẩm “Lắng tiếng quê hương”, để về sau, các nghệ sĩ nổi danh như Thu Hiền, Thanh Hoa, Tuyết Thanh.. đều chọn biểu diễn trong nhiều cuộc liên hoan ca nhạc và được VOV chuyển tải trong nhiều chương trình “ca nhạc theo yêu cầu thính giả”.
Dân Huyền còn là nhạc sĩ đắm đuối với dân ca, đặc biệt là dân ca xứ Nghệ. Điều này hẳn tôi không phải minh họa, bởi nhạc phẩm “Giận thì giận mà thương càng thương” mà hàng triệu người từng nghe từng hát và “Câu lạc bộ đàn và hát dân ca” của VOV mà ông góp sức khởi xướng, đã nói hộ. Xin chúc nhạc sĩ Dân Huyền vui khỏe, có thêm nhiều ấn phẩm có sức lay động lòng người.
Dương Quang Minh