Chuyến biển cuối năm
(Baonghean) - Thuyền về san sát, những cánh buồm náo nức cập bờ đón tết sau một tuần vươn khơi. Hàng trăm bóng nón trắng nhấp nhô, dưới bóng nón ấy là gương mặt rạng rỡ của các mẹ, các chị. Thoăn thoắt đôi tay, vội vã đôi chân, người giúp chồng gánh cá lên bờ, người thì phân chia cá thành các loại. Nơi miền chân sóng này tôi còn được gặp gỡ những chủ thuyền trẻ dám đầu tư những đôi tàu có mã lực lớn vươn khơi đem hiệu quả kinh tế cao về cho gia đình và xã hội...
Thuyền về bến Diễn Bích - Diễn Châu |
Diễn Bích (Diễn Châu) có tới trên 200 tàu, thuyền khai thác hải sản với trên 60 chiếc có công suất 90 CV trở lên. Chưa có bến cá, người Diễn Bích chọn một lạch sông làm nơi neo đậu tàu thuyền. Ngày cuối đông, nắng vàng hanh hao trải nhẹ. Con đường xuống bến sông tấp nập xe cộ, người qua lại, tiếng lao xao í ới gọi nhau. Tàu, thuyền về kín cả bến sông. Nhiệt độ ngoài trời đang thấp, vậy mà những ngư dân vẫn lưng trần sạm đen nắng, gió. Tôi gặp một phụ nữ chừng 35 tuổi, xăn nhanh ống tay áo, vốc từng vốc cá thửng còn tươi xanh cân cho các "tay" buôn cá trong huyện. Mặt chị ửng đỏ, lấm tấm mồ hôi. Chủ tịch UBND xã Diễn Bích Phạm Văn Hùng giới thiệu với tôi: Đây là chị Đặng Thị Thành, vợ của chủ thuyền Phạm Văn Tiến ở thôn Chiến Thắng. Anh Tiến “cả gan” vay mượn đầu tư đôi tàu 200 mã lực trị giá hơn 1 tỷ đồng. Mỗi năm, vợ chồng anh thu nhập hàng trăm triệu đồng từ những chuyến đi khơi. Nghe giới thiệu, chị Thành nhoẻn cười, đưa tay gạt mồ hôi rồi hồ hởi: “ Ấy là bác Tiến động viên vợ chồng em, chứ ở xã ta thiếu chi những ông chủ lớn sắm tàu lớn tiền tỉ trước vợ chồng em nhiều năm rồi”. Tôi hỏi chị: “Thế chuyến biển cuối năm này thu nhập thế nào?”. Lúc này, chị Thành đã cân xong cá cho thương lái, quay sang thoăn thoắt đôi tay quạt cá, nướng cá, trả lời: “Chuyến ni được 7 tấn cá các loại. Như vậy là gặp may đó. Được nhiều cá, phấn khởi quên hết mệt nhọc”.
Anh Phạm Văn Tiến, chồng chị Thành, có nước da rám nắng, vóc người rắn chắc. Không biết do quãng đời tuổi trẻ của anh trải qua không biết bao nhiêu khó khăn vất vả nên trông cứng hơn tuổi 40 của mình hay ngư dân làng biển nào cũng vậy? Anh vui vẻ góp chuyện, giọng anh vang rền, rất đặc trưng của dân biển “ăn sóng, nói gió”: “Chuyến biển cuối năm như rứa là hên đó. Bữa nớ mà nghe lời mẹ mi thì… ". Rồi quay sang chúng tôi, anh giải thích: “Mẹ hấn nhủ anh em bầy tui qua đợt không khí lạnh rồi hãy đi, ngoài khơi rét lắm", 5 anh em trong trong tàu lại nghĩ khác: "Biết mô trời thương, biển thương cho chuyến cuối cùng năm cũ thắng lớn cũng nên". Vả lại, bà con làng trên xóm dưới, ai ai cũng hối hả sắm sửa đồ đoàn cho chồng, con mình, gửi gắm tất cả niềm tin vào chuyến biển cuối năm để cái tết thêm no ấm. Nói rứa nhưng thấy chồng quyết rồi, vợ tui cũng không bàn cãi thêm, tất tả chuẩn bị nào rau, gạo, muối, thêm lưới mới... còn mấy mự thì gánh nước, gánh đá lên thuyền. Quả thực mấy bữa nớ rét lắm. Ra khơi được mấy hải lý anh em bầy tui rét run cầm cập. Nhưng mà cũng quen rồi. Dân biển ấy mà, “Thuyền anh ra khơi có ngại chi mưa nắng”.
Phiên biển lần này chỉ 7 ngày (ngắn hơn các phiên khác 2 đến 3 ngày), vậy mà tàu anh Tiến trúng được luồng cá nên đã có gần 7 tấn cá mang về. Anh khoe thêm, nhiều tàu khác cũng may mắn như tàu của mình. Bà con chuyến này hồ hởi lắm. Tôi hỏi: “Anh có nhớ chuyến đi biển đầu tiên của mình không?” Vừa lúi húi lau rửa tàu, anh vừa tâm sự: "Cái nghiệp bám biển nó vận vào tui từ lúc còn rất nhỏ. Tui nhớ khi ấy chỉ mới lên 4 đã theo ông nội xuống thuyền xin đi biển. Ông chỉ cười chuyện con nít, nhưng thi thoảng ông vẫn cho tui xuống thuyền chơi. Có một bữa, ông và bố tui chuẩn bị đồ nghề cho chuyến ra khơi, tui nằng nặc: "Cháu muốn được học cách đánh cá của ông nội để sau này cháu sắm riêng một chiếc thuyền thật lớn, thuê bạn chài chứ không như ông nội và bố đi đánh cá thuê đâu".
Thời ấy, có lẽ niềm háo hức đi khơi cũng là do… tò mò. Mà tính tui cũng gan lắm. Khi 5 tuổi, một bữa, cũng chuyến biển cuối năm, tui lén nấp trong khoang con thuyền của thuyền trưởng Hưng. Đứng im trong đó, cho tới khi thuyền rẽ sóng khá lâu. Tui ngó ra biển thấy trời bắt đầu nhá nhem tối mới dám bước ra ngoài nhận lỗi. Đã chuẩn bị tinh thần để bị mắng chửi, bị phạt, nào dè cả thuyền vỗ tay hoan nghênh. Chuyến đi đó, cũng là một chuyến thắng lớn của thuyền. Mọi người ra về hồ hởi lắm, nói có lẽ vía biển của thằng cu con cũng tốt đây”. "Rứa anh không lo ở nhà mọi người sốt sắng đi kiếm anh à?” Tôi hỏi. Anh Tiến cười: Khi nớ tui có ngoắc tay với chị gái tui: Thuyền nổ máy chị hãy nói với mẹ, tết em có tiền ông nội mừng tuổi em sẽ cho chị mua mấy chiếc bong bóng". Chuyến đi biển đầu tiên của anh Tiến hóa ra là như vậy đấy!
Trước khi chính thức trở thành ngư dân, anh Tiến từng có mấy năm liền đi làm cà phê ở miền Nam để góp vốn nuôi giấc mơ trở về chung tàu vươn khơi. Bao nhiêu nắng gió, bao nhiêu cơ cực, làm việc đến quên ăn, quên ngủ giữa bạt ngàn rẫy cà phê để nghĩ về một con tàu của riêng mình. Trở về quê, giai đoạn đầu mấy anh em chung nhau sắm một con thuyền nhỏ nhưng thấy không hiệu quả, có những chuyến đi không có lãi, còn hụt tiền dầu. Thế là anh Tiến mạnh dạn bàn với vợ vay vốn đóng chiếc tàu lớn cả tỷ đồng. Vợ anh lo lắng: "Vay nhiều thế, biết khi mô mà trả hết nợ?": Nhưng anh vẫn quyết vay mượn ngân hàng, anh em bạn bè đóng tàu để bám biển vươn khơi. Bây giờ thì với đôi tàu lớn, mỗi năm anh thu lãi từ những chuyến bám biển khoảng 200 đến 300 triệu đồng, ngoài ra còn tạo điều kiện cho 5 lao động là anh em chú bác cùng tham gia, cho thu nhập ổn định mỗi chuyến đi 3 đến 4 triệu đồng/người.
Chúng tôi mải vui chuyện, chị Thành đã quạt xong mấy thúng cá thửng nướng. Chị cất riêng từng loại cá, nói với chồng: "Chỗ cá này vợ chồng mình dâng cúng tổ tiên chiều 30 và mấy ngày tết, còn chỗ này sáng sớm mai đem vô Vinh biếu các o, còn đây là cá của người ta đặt tết".
Chia tay vợ chồng anh Tiến, chị Thành, tôi theo dòng người hối hả, trên vai cong chiếc đòn nặng trĩu cá tươi, lên trên bờ sông, nơi đang tấp nập bán, mua. Anh Hoàng Văn Liêm- một chủ thuyền trẻ mới 30 tuổi ở xóm Bắc Chiến Thắng, cũng chung niềm vui như anh Tiến, hồ hởi khoe: "Chuyến cuối năm được như vầy là ông trời thương ngư dân làng biển lắm rồi. Thoạt đầu thấy gió mùa, sau đó rét đậm, trên cả chục ngày nữa mới hết năm cũ, ở nhà dài ngày cũng nóng ruột, anh em quyết định vượt giá lạnh...". Tàu của anh Liêm cũng thu hoạch trên 7 tấn cá. Đứng một hồi nơi bến sông mà điện thoại anh réo chuông liên tục. Anh giải thích: “Tàu về là người ta hỏi mua, đặt cá liên tục. 7 tấn cá, vậy mà “đơn đặt hàng” đã đặt hết veo cá lượng, cá bạc má. Chỉ còn lại ít cá thửng chưa kịp nướng. Được biết, cuối năm việc mua bán cũng rộng rãi lắm. Người bán “thoáng” đã đành, người mua cũng ít khi trả giá. Anh Liêm cho hay, những chuyến biển cuối năm trước, tàu, thuyền về đến Lạch Vạn thường bị mắc cạn không vào được, thế là từng chiếc nối đuôi trở lại Cửa Lò. Một số thuyền bán cá ngay tại Cửa Lò, còn lại vận chuyển cá về bán theo sự sắp đặt sẵn, hơi mất công nhưng đành phải chấp nhận, vậy người ta mới bảo "đi biển có phiên mà". Năm nay, may sao mà con nước cũng thuận. Thuyền về đến tận bến sông Diễn Bích.
Ông Phạm Văn Hùng cho biết thêm: Với trên 200 chiếc tàu, thuyền, sản lượng khai thác hàng năm 7.000- 8.000 tấn, tổng doanh thu từ cá một năm của toàn xã trên 100 tỷ đồng. Có được những con số đó là cũng nhờ ngư dân yên tâm bám biển, mạnh dạn đầu tư tàu có công suất lớn để vương khơi. Hầu hết những gia đình có tàu công suất lớn, mỗi năm cũng thu lãi đến vài trăm triệu đồng. Những làng chài nghèo đói, xơ xác chỉ còn là… chuyện ngày xưa.
Ra với biển cả, gan góc là thế, “ăn sóng, nói gió” là thế nhưng người Diễn Bích sống với nhau đầy ân tình, vẫn một nếp quê từ bao đời nay. Họ nói với nhau: Xóm làng chật mà tình người không chật. Dẫu nhà ai cũng đi biển nhưng cuối năm họ vẫn đem lộc biển biếu nhau, đó là những con cá ngon nhất. Rồi họ lại quây quần gói bánh chưng, nấu bánh, khi những chiếc bánh đã chín thì thời khắc giao thừa cũng bắt đầu!
Thu Hương