Chuyển biến phong trào thể thao ở Đô Lương

12/05/2014 17:42

(Baonghean) - Tại các kỳ Đại hội thể dục thể thao trước, Đô Lương không phải là địa phương được đánh giá cao. Nhưng hai đại hội gần đây, Đô Lương đã có sự chuyển biến vượt bậc, đặc biệt với một số môn như karatedo, bi sắt, đấu vật...

Trước ngày Đại hội Thể dục Thể thao toàn tỉnh lần thứ VII được chính thức khai mạc, trên bảng tổng sắp huy chương, đoàn thể thao của huyện Đô Lương đang vững vàng ở vị trí thứ tư với 6 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 3 huy chương đồng. Đây là một kết quả hoàn toàn bất ngờ và nằm ngoài dự đoán của nhiều địa phương, bởi chỉ cách đây 8 năm tại Đại hội Thể dục Thể thao lần thứ V năm 2006, thể thao Đô Lương đang xếp ở vị trí thứ mười bảy (gần áp chót). Tuy nhiên, chỉ sau bốn năm chuẩn bị, tại Đại hội Thể dục Thể thao lần thứ VI năm 2010, Đô Lương đã cải thiện được 7 vị trí và nay đang tiếp tục bước những bước vững chắc để trở thành một trong những đơn vị có nhiều cơ hội dành thứ hạng cao tại Đại hội Thể dục Thể thao năm 2014.

Đại hội Thể dục Thể thao lần thứ VII của huyện Đô Lương.
Đại hội Thể dục Thể thao lần thứ VII của huyện Đô Lương.

Về nguyên nhân thất bại trước đây, ông Nguyễn Kim Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao của huyện là người rõ nhất. Hơn ai hết, ông hiểu thời điểm đấy, Đô Lương khó mà xây dựng được lực lượng thể thao vững mạnh khi mà từ huyện tới cơ sở không có cán bộ chuyên trách đủ chuyên môn, đủ nhiệt tình và tâm huyết. Vì vậy, sau thất bại tại Đại hội Thể dục Thể thao lần thứ V, một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà huyện chú trọng đầu tư là vấn đề con người. Do đó, số cán bộ thể thao của Trung tâm Văn hóa - Thể thao đã tăng nhanh, từ một người lên 5 người, tất cả đều được đào tạo bài bản tại các trường đại học TDTT hoặc tốt nghiệp chuyên ngành TDTT ở những trường đại học có uy tín.

Song song với đó, huyện chú trọng đến việc tìm kiếm đội ngũ vận động viên cơ sở và tạo điều kiện để các vận động viên được đi tập trung, huấn luyện ở Trung tâm đào tạo, huấn luyện thể dục thể thao của tỉnh (mỗi năm từ 7 - 8 vận động viên). Đây không chỉ là cơ hội để các vận động viên cố gắng trở thành vận động viên thành tích cao mà còn là cơ hội để các vận động viên cọ xát và được luyện tập trong môi trường thi đấu chuyên nghiệp. Hai vận động viên Nguyễn Sỹ Đạt và Hoàng Đình Đoàn vừa dành Huy chương Vàng ở bộ môn Vật tại Đại hội TDTT lần thứ VII là một minh chứng cụ thể nhất cho cách làm hiệu quả trên của huyện nhà. Đây cũng là lần đầu tiên huyện Đô Lương giành giải cao ở bộ môn này, vượt qua nhiều đối thủ nặng ký của huyện Nam Đàn ngay tại quê hương của môn đấu vật.

Phong trào TDTT ở cơ sở cũng đã được chú trọng và đầu tư. Đại hội TDTT vừa được tổ chức ở 33 xã, thị là một ví dụ. Đây là lần đầu tiên một hoạt động thu hút được người dân ở các xã tham gia đông đảo như vậy với hơn 21.000 người tham gia ở các lễ khai mạc. Mặc dù theo quy định chung, đại hội cấp xã chỉ cần tiến hành 5 môn nhưng đã có 15 xã tổ chức đại hội từ 6 môn trở lên. Đặc biệt, đại hội TDTT ở các xã, thị trấn đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân, riêng nguồn kinh phí xã hội hóa để ủng hộ cho đại hội là gần 1,5 tỷ đồng, tổng giá trị giải thưởng trao cho các vận động viên là 340 triệu đồng.

Để thấy rõ hơn phong trào thể thao cơ sở ở Đô Lương, chúng tôi đã đến xã Thịnh Sơn và được chính ông Thái Khắc Mão, Phó chủ tịch UBND xã dẫn đi xem các thiết chế thể thao văn hóa đã được các xóm đầu tư trong những năm qua, trong đó có nhiều công trình có giá trị hàng trăm triệu đồng như công trình Nhà văn hóa xóm 3, xóm 11, xóm 9, xóm 4. Hiện tại, 15/15 xóm đều có đội bóng chuyền, nhiều xóm đã lắp thêm đèn cao áp ở nhà văn hóa để có thể tổ chức các trận đấu vào buổi tối. Trung bình, một năm xã tổ chức ít nhất 3 giải thể thao như giải bóng chuyền mừng Đảng mừng Xuân, giải bóng đá cho lực lượng thanh thiếu niên nhi đồng... Gần đây nhất, tại Đại hội Thể dục Thể thao của huyện, xã Thịnh Sơn cũng có nhiều thành tích nổi bật ở các môn bóng chuyền nữ, đẩy gậy, kéo co...

Bên cạnh việc gây dựng những phong trào mới, huyện Đô Lương cũng đầu tư và chú trọng những môn thể thao thế mạnh của huyện. Chẳng hạn môn karatedo, ngoài việc xây dựng lại các câu lạc bộ karatedo ở các xã, huyện đã tổ chức một đội riêng, tập trung những cá nhân có năng khiếu để đầu tư, bồi dưỡng. Nhờ đó, không chỉ số câu lạc bộ gia tăng ở các xã với hàng nghìn người tham gia luyện tập mà đội tuyển vận động viên của xã cũng đã trưởng thành và tiến bộ nhanh chóng. Đó là lý do vì sao, ở bộ môn karatedo tại Đại hội TDTT tỉnh năm nay Đô Lương dành đến gần một nửa số huy chương vàng và khẳng định vị trí số một ở bộ môn này. Nói về sự trưởng thành nhanh chóng của thể thao Đô Lương trong các năm trở lại đây, ông Nguyễn Kim Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao của huyện đã nhấn mạnh vai trò của chính quyền huyện, đặc biệt là sự quan tâm về mặt vật chất cho các vận động viên. Nhờ có sự quan tâm đó, mà huyện Đô Lương đã có sự thay đổi trong suy nghĩ, trong hành động, từ việc không thực sự chú trọng đến hoạt động thể dục thể thao đến xem đây là một nhiệm vụ quan trọng, là một trong những tiêu chí để đánh giá thế và lực của huyện nhà.

Bài, ảnh: Mỹ Hà

Mới nhất
x
Chuyển biến phong trào thể thao ở Đô Lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO