Chuyển biến tích cực ở "quê lúa"!

07/08/2014 09:34

(Baonghean) - Những mô hình kinh tế gia trại, trang trại tập trung theo hướng sản xuất, chăn nuôi hàng hóa đang tạo ra những chuyển biến tích cực ở “quê lúa” Yên Thành. Sự chuyển dịch này đưa cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung, góp phần đáng kể vào xây dựng nông thôn mới bền vững với đa ngành nghề.

Những ngày đầu tháng 8 này, ông Lê Văn Hạnh, ở xóm 12, xã Sơn Thành thực sự phấn khởi khi có thêm những đơn đặt hàng sản xuất giống nấm từ các địa phương của huyện Yên Thành, Nghi Lộc và một số hộ ở TP. Vinh. Điều này không chỉ phát huy dây chuyền sản xuất nấm mà gia đình đầu tư gần 1,5 tỷ đồng, điều quan trọng hơn, ông tự hào là hộ đầu tiên của tỉnh Nghệ An thành công với việc sản xuất giống nấm, mở ra nhiều cơ hội chủ động trong phát triển kinh tế. Thực ra, việc trồng nấm thương phẩm đã hình thành ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh từ mấy năm qua, nhưng tất cả đều phải nhập “bầu giống” từ nơi khác về. Đam mê với loài nấm, ông Hạnh băn khoăn vì sao mình không chủ động được giống (?).

Mô hình sản xuất giống nấm của gia đình ông Lê Văn Hạnh, xã Sơn Thành.
Mô hình sản xuất giống nấm của gia đình ông Lê Văn Hạnh, xã Sơn Thành.

Được sự hỗ trợ đắc lực của cậu con trai giỏi về sinh học, ông đã mạnh dạn vay vốn, xin xã cấp đất hình thành cơ sở sản xuất giống nấm và nấm hàng hóa. Sau nửa năm thử nghiệm, đến giữa năm 2014, những bầu giống đầu tiên “made in Sơn Thành”- Yên Thành ra lò và được chính gia đình ông trồng kiểm nghiệm. Những mẻ nấm sò, linh chi và mộc nhĩ đầu tiên, ông mời người xóm trên, làng dưới dùng thử, ai cũng tấm tắc. Nhiều hộ đã đặt bầu giống về trồng, ông hướng dẫn tỷ mỉ, chu đáo để phát huy hiệu quả.

Khi thành công với những mẻ giống lớn cùng với đơn đặt hàng của bà con, gia đình ông Hạnh quyết định làm các thủ tục đăng ký kinh doanh và tìm hướng ký hợp đồng với các doanh nghiệp, siêu thị ở TP. Vinh và các địa phương khác để tiêu thụ sản phẩm. Vui vẻ khoe về thành tích nhân giống nấm, nhưng ông Hạnh vẫn còn những lo lắng: “Mới đầu, mình đầu tư dây chuyển chỉ lo làm sao sản xuất được giống nấm. Nhưng đến giờ mình lại lo về vấn đề đầu ra hơn. Dây chuyền của chúng tôi có thể sản xuất hàng chục nghìn bầu giống cho gia đình tôi và bà con trồng, nhưng với sự phát triển của cây nấm, cần có đầu ra ổn định. Nhất là nấm sò, bởi loài nấm này tươi mới nhiều chất dinh dưỡng, trong khi đó, thị hiếu sử dụng của người dân chưa đại trà…”. Đề cập đến khía cạnh này, ông Nguyễn Trí Hóa - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thành cho biết: “Chúng tôi đang đồng hành cùng mô hình này bằng cách hỗ trợ miễn giảm thuế thuê đất, đồng thời giúp quảng bá thương hiệu để tạo sức lan tỏa. Những mô hình kinh tế như của gia đình ông Hạnh, xã đang nghiên cứu để nhân rộng. Bởi đó là những mô hình có tính tự thân bên cạnh cây lúa và phát triển chăn nuôi, làm nền tảng vững chắc trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương…”.

Mô hình trang trại quy mô trên 3.500 con vịt của gia đình ông Nguyễn Văn Hải - xã Khánh Thành.
Mô hình trang trại quy mô trên 3.500 con vịt của gia đình ông Nguyễn Văn Hải - xã Khánh Thành.

Còn ở xã Khánh Thành, những năm gần đây có đến 14 mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi lớn, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế hộ của huyện Yên Thành. 6 tháng đầu năm 2014, trong khi nhiều nơi, việc chăn nuôi bị giảm đàn thì những mô hình chăn nuôi vịt, lợn, trâu, bò theo hướng hàng hóa ở xã vẫn tăng trưởng. Báo cáo của UBND xã cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, trâu, bò tăng 121 con, đàn lợn tăng 860 con, đàn gia cầm tăng 422 con. Kết quả đó minh chứng cho sự bền vững của các mô hình chăn nuôi tập trung. Trong những mô hình đó, gia đình ông Nguyễn Văn Hải ở xóm Khánh Hòa “nổi tiếng” với nghề chăn nuôi vịt.

Trên diện tích 3 mẫu đất, gia đình ông khoanh ao, thả mỗi lứa từ 3.500 đến 4.000 con vịt. Mỗi ngày, gia đình ông có trên 2.700 quả trứng để nhập cho các đầu mối thu mua. Thời điểm hiện tại, giá 2.500đ/quả thì trung bình mỗi ngày gia đình ông thu về trên 6 triệu đồng. Trừ chi phí thức ăn, nhân công, gia đình ông có nguồn thu đáng kể. Hôm chúng tôi đến, gia đình ông Hải đang làm thêm mấy dãy chuồng để thả thêm lứa vịt mới, ông chia sẻ: “Cái nghề này nhìn qua thì “khỏe ăn” nhưng phải bỏ nhiều công sức. Cái khó nhất là khi mới thả đàn vịt mới. Loại này khó nuôi khi bé, đòi hỏi tránh gió, phòng bệnh dịch thật tốt. Và một điều quan trọng nữa là mình phải ký kết với một số lò ấp, đơn vị thu mua để đảm bảo ổn định đầu ra. Mô hình của nhà tôi ổn định nhiều năm nay rồi …”.

Đến thời điểm này, huyện Yên Thành có 354 gia trại và 58 trang trại quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao. Đặc thù của các mô hình này là chăn nuôi và trồng trọt, phù hợp với địa bàn “quê lúa”. Theo đánh giá, doanh thu bình quân của mỗi trang trại, gia trại trên địa bàn huyện đạt bình quân 1 tỷ đồng/năm, trong đó, các mô hình chăn nuôi có giá trị cao hơn nhờ tốc độ quay vòng đồng vốn nhanh hơn. Các trang trại, gia trại đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; Từng bước hình thành ”lối” sản xuất quy mô lớn, hạn chế tình trạng phân tán, manh mún, tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ thâm canh cao. Đặc biệt, phát triển kinh tế gia trại, trang trại luôn gắn liền với chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện và gắn liền với việc khai thác và sử dụng một cách đầy đủ có hiệu quả các nguồn lực trong nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, phát triển kinh tế trang trại góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng trong nông thôn nhờ vào việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, chăn nuôi. Điều đó đã góp phần tích cực làm tăng số hộ giàu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động trên địa bàn.

Để các mô hình này phát triển ổn định, UBND huyện Yên Thành chỉ đạo ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội Làm vươn và chính quyền, đoàn thể các xã tăng cường hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất cho bà con; Đồng thời, giúp các chủ trang trại, gia trại về kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý, điều hành sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt, đầu tháng 6 năm 2014, UBND huyện đã ban hành đề án 2811 về phát triển kinh tế trang trại, giai đoạn 2014 - 2020. Theo dự tính, Yên Thành sẽ tăng từ 10 -15 trang trại mỗi năm, phấn đấu đến năm 2020, số trang trại đạt tiêu chí là 150 -160 trang trại, trong đó chú trọng tăng số lượng trang trại lâm nghiệp, trang trại tổng hợp, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Theo ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, việc ban hành đề án phát triển trang trại nhằm phát triển kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của huyện gắn với quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã đã được phê duyệt.

Trong bản đề án này, bên cạnh những cơ chế khuyến khích, huyện cùng đặt ra yêu cầu đảm bảo cân đối về nguồn lực cũng như bảo vệ môi trường, phát huy được thế mạnh, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng vùng, từng địa phương. Ông Dương khẳng định: “Huyện xác định những vấn đề ưu tiên với từng loại hình trang trại theo hướng: nâng cao chất lượng, lấy trang trại chăn nuôi, phát triển cây trồng và nuôi trồng thuỷ sản làm hạt nhân; Từ đó huy động mọi nguồn lực về quỹ đất, lao động, vốn để sản xuất nông sản, chăn nuôi hàng hóa; góp phần phân công lại lao động, giải quyết việc làm tăng thu nhập. Cách làm này nhằm tạo chuyển biến từ kinh tế nông hộ sản xuất nhỏ lẻ sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Đây là mục tiêu có tính cả ngắn hạn và dài hạn trong phát triển kinh tế trên địa bàn huyện…”.

Bài, ảnh: Nguyên Sơn

Mới nhất

x
Chuyển biến tích cực ở "quê lúa"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO