"Chuyện cổ tích về loài người"
(Baonghean) - Bim nhà mình năm nay vừa vào lớp một, đang học đọc, học viết nên suốt ngày ê a đọc mấy bài thơ được học ở trường. Hôm nay nó đọc một bài thơ, có đoạn:
"Biết trẻ con khao khát
Chuyện ngày xưa, ngày sau
Không hiểu là từ đâu
Mà bà về ở đó..."
Đột nhiên nó không đọc nữa, nhìn mình với vẻ hí hửng: "Giờ thì Bim biết tại sao lại có ông bà rồi nhé, ông bà là để đọc chuyện cổ tích cho Bim nghe, cậu thấy có đúng không?". Mình thộn mặt ra, thú thực là chưa bao giờ mình đặt ra câu hỏi "Tại sao lại có ông bà?" hay là "Tại sao lại có người già?". Cơ mà tại sao nhỉ?
Hẳn nhiên có thời khắc trong lịch sử nhân loại, con người đã đặt ra câu hỏi này. Bởi mình nhớ có một truyện cổ nước nào đó kể về ông vua một ngày nọ quyết định nhốt hết người già trong kinh thành vào rừng sâu. Ông cho rằng người già là gánh nặng của người trẻ, họ không làm được gì, khó tính và phụ thuộc vào sự phục vụ của người khác. Một người con trai không đành lòng đưa cha vào rừng nên đã trái lệnh vua, giấu cha mình vào nhà kho. Thế rồi đột nhiên có một trận bệnh dịch kinh hoàng trong khắp kinh thành mà không ai biết cách chữa. Tất cả những người già, những người từng sống sót qua những trận dịch của căn bệnh cổ xưa ấy đều đã bị đưa vào rừng. Lúc này, người cha nọ mới ra khỏi nơi trú ẩn, chỉ dẫn cho mọi người cách trị bệnh. Đó là lúc những người trẻ nhận ra rằng: Người già là tấm gương phản chiếu hình ảnh của quá khứ, lịch sử và những tri thức cổ, không có quá khứ thì không thể có được hiện tại và tương lai.
Nếu mình kể cho Bim nhà mình nghe chuyện này, liệu nó có hiểu được không? Mình nghĩ là rất khó. Nhiều người lớn thậm chí cũng không hiểu được đạo lý ấy. Trong nhiều gia đình, sự chung sống giữa các thế hệ diễn ra căng thẳng y như chiến tranh lạnh của thế kỷ XX. Tại nhiều cơ quan, có những người trẻ xem người đi trước như bức tường ngăn cản họ tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp. Đó là một sự đối đầu không cần, không đáng và cũng không được phép có trong xã hội này, bởi nó đi ngược lại trật tự của tạo hóa. Có trước rồi mới có sau, có hôm qua mới có hôm nay, có khởi đầu mới có mãi mãi. Đó là một vòng luân chuyển đảm bảo cho sự sống tồn tại, như thể từ ngày đầu bộ nhiễm sắc thể của chúng ta chỉ là phân tử bé nhỏ, lưu trữ ký ức của ngàn vạn năm xa xôi mới tạo thành những cá thể hoàn chỉnh của hôm nay và ngày mai.
Nếu không biết yêu, biết quý hình bóng của chính chúng ta ngày hôm qua ấy, mai này mất đi rồi mới thấy có cái gì trong ta vụn vỡ. Mới thấy những gì thiêng liêng và quý giá không cần ta phải chất vấn lý do tồn tại. Lý do ở chính trong dòng máu đang chảy trong huyết quản này, cũng là dòng chảy nối dài từ thưở ban đầu khai sinh ra loài người. Như chợt nhớ ra điều gì, mình hỏi Bim bài thơ nó vừa đọc có tên là gì? "Chuyện cổ tích về loài người".
Hải Triều