Chuyến công du của Tổng thư ký Ban Ki Moon tới Guinea
(Baonghean) - Thứ Bảy ngày 20/12, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã đến Guinea, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola. Và ngay trước chuyến thăm của Tổng Thư ký, một vụ đập phá các cơ sở vật chất của trung tâm chống Ebola đã xảy ra tại miền Nam quốc gia này.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gặp gỡ các bác sĩ, y tá đang điều trị cho các nạn nhân tại trung tâm ổ dịch Ebola ở Liberia |
Sáng thứ Bảy, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Guinea Francois Louceny và Bộ trưởng Bộ Y tế Rémy Lamah đã ra tiếp đón Tổng Thư ký Ban Ki Moon tại Sân bay Conakry. Nhiều nhà lãnh đạo trong cuộc chiến chống Ebola tại Guinea cũng có mặt trong buổi đón tiếp. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ có buổi gặp mặt với Tổng thống Guinea Alpha Conde, sau đó sẽ tổ chức một cuộc họp báo trước khi đến Thủ đô Bamako của Mali.
Đây là ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm các quốc gia Tây Phi chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Ebola của ông Ban Ki Moon. Trong chuyến công du lần này của Tổng Thư ký Ban Ki Moon còn có Tiến sỹ Margaret Cha - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Anthony Banbury - người đứng đầu phái đoàn của Liên Hợp quốc về chống dịch Ebola (UNMEER).
Guinea là chặng dừng chân thứ 4 của Tổng Thư ký trong chuyến công du các nước Tây Phi được bắt đầu từ hôm thứ Năm. Trước khi tới Guinea, ông Ban Ki Moon đã đến thăm Ghana, Liberia và Sierra Leone. Hôm thứ Sáu, tại Liberia và Sierra Leone, Tổng Thư ký đã khẳng định cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ cũng như xây dựng lại các trạm y tế địa phương để phục vụ cho cuộc chiến ngăn chặn dịch Ebola đối với các nước trong khu vực.
Được biết, ngay trước chuyến viếng thăm của Tổng Thư ký Ban Ki Moon, tối thứ Sáu ngày 19/12, đã xảy ra một vụ đập phá tại một trung tâm điều trị Ebola thuộc Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) ở miền Nam Guinea. Hàng trăm thanh niên đã ngăn chặn việc lắp đặt trung tâm y tế của MSF tại Thành phố Kissidougou, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Ebola ở miền Nam Guinea.
Cảnh sát địa phương cho biết, đầu tiên những thanh niên này đã lục soát đồ đạc, nhất là ở các lều của MSF, sau đó đốt cháy chăn màn, đập phá bàn ghế và cuối cùng là đánh đuổi các nhân viên y tế ra khỏi thành phố. Những kẻ tấn công khẳng định họ không muốn dịch Ebola lây nhiễm trong khu phố của mình. Trước đó, hồi tháng 11, nhiều thanh niên cũng đã đứng lên phản đối việc lắp đặt một trung tâm của MSF tại Yimbaya, ngoại ô Thủ đô Conakry. Những người này đã lục soát các thiết bị và hô “Chúng tôi không muốn có Ebola trong khu phố của mình! Chúng tôi sợ Ebola! Không MSF! Không gây ô nhiễm môi trường của chúng tôi!”.
Bắt đầu từ hồi tháng 9, các vụ bạo lực của người dân Guinea phản đối cuộc chiến chống Ebola ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Theo các báo cáo, đã có 8 thành viên thuộc một nhóm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về dịch Ebola bị giết chết tại Guinea. Tuy nhiên, trái với hành động của người dân, hôm thứ Sáu vừa rồi, Thủ tướng Guinea Mohamed Said Fofana đã khánh thành một trung tâm chống Ebola thuộc tổ chức MSF có khả năng chứa đến 100 bệnh nhân nằm cách Thủ đô Conakry khoảng 50 km.
Hiện tại, Guinea, Liberia và Sierra Leon là 3 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Ebola. Kể từ khi lần đầu tiên phát hiện ra virut Ebola vào năm 1976 ở Trung Phi, thì đây là lần bùng phát tồi tệ nhất của dịch bệnh này. Theo số liệu mới nhất mà WHO cung cấp hôm 14/12, dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.915 người trong số 18.603 người nhiễm bệnh, trong đó có hơn 99% ca nhiễm bệnh được phát hiện tại Guinea, Liberia và Sierra Leon.
Chu Thanh
Theo LeMonde, LeFigaro 20/12