Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập

15/07/2013 16:33

(Baonghean) - Là huyện lúa trọng điểm của tỉnh, Yên Thành là địa phương có truyền thống thâm canh lúa nước. Tuy nhiên, trong xu thế hiện nay, khi nền kinh tế nông nghiệp đang có những chuyển biến theo hướng chuyển đổi, nâng cao giá trị hàng hóa và hiệu quả sử dụng đất, đòi hỏi huyện lúa mang nặng tính thuần nông này phải có những bước bứt phá quyết liệt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ.

Trong 252,7 ha đất nông nghiệp của xã Hùng Thành (Yên Thành) có tới 235,7 ha đất lúa và chỉ có 17 ha đất màu. Với diện tích đất lúa khá lớn như vậy, nhiều năm qua, lúa vẫn là loại cây trồng đem lại thu nhập chính cho bà con. Tuy nhiên, việc canh tác, thâm canh lúa ở Hùng Thành vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Duy Ái - Bí thư Đảng ủy xã có khoảng 40 ha đất ở xóm Sơn Thành phụ thuộc vào nguồn nước ít ỏi của các hồ đập nhỏ ở địa phương, ngoài ra có khoảng 20 ha cực kỳ khó khăn về nguồn nước tưới.

Những năm gần đây, xã đã chủ trương chuyển mạnh sang trồng một số loại cây trồng khác vừa có hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa chống chịu được với hạn như ngô, rau màu, đậu đỗ các loại. Những ngày giữa tháng 7 này, bà con nông dân đang tập trung ra đồng làm ngô thu đông sớm. “Chúng tôi chuyển 15 ha ở vùng đất lúa khó khăn về nước tưới và 17 ha đất trồng màu. Với khoảng 3.000 con lợn, 21 nghìn con gia cầm và 947 con trâu bò, nhu cầu về nguồn thức ăn trên địa bàn là khá lớn. Ngoài ra, vụ đông năm nay chúng tôi sẽ đưa vào cây đậu tương, khoai tây ở hai xóm Kim Thành và Sơn Thành. Toàn xã cũng có trên 20 ha dưa chuột, bí, rau màu”- ông Ái cho biết.



Chăm sóc bí xanh trên đồng đất xã Bắc Thành (Yên Thành). Ảnh: Hồ Các

Tuy nhiên, đây vẫn là huyện mang nặng tính thuần nông, sản xuất lúa có tỉ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chất lượng nông sản phẩm các loại cây trồng chưa cao, sức cạnh tranh thấp. Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện chia sẻ: Xác định trong điều kiện kinh tế thị trường với những thách thức của quá trình hội nhập kinh tế, mức độ cạnh tranh về chất lượng sản phẩm sẽ ngày càng gay gắt hơn. Từ đó, chúng tôi chủ trương tập trung chuyển mạnh nền sản xuất nông nghiệp truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, qui mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích và thu nhập cho hộ nông dân.

Với mục tiêu đến năm 2015, một ha đất sẽ đạt giá trị sản xuất trên 92 triệu đồng, ngoài lúa, huyện chủ trương phát triển và ổn định các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao như ngô, lạc, mía, sắn, chuối xuất khẩu, quy hoạch vùng trồng cỏ khoảng 2 nghìn ha phục vụ chăn nuôi bò sữa, đặc biệt phát triển diện tích trồng hoa, cây cảnh với quy mô khoảng 50 ha và trên 2 nghìn ha trồng rau màu.

Việc đầu tiên mà Yên Thành tập trung thực hiện, đó là quy hoạch lại vùng sản xuất phù hợp với với điều kiện đặc điểm từng vùng. Tiến hành chuyển đổi ruộng đất, giúp nông dân có điều kiện tích tụ ruộng đất hình thành các vùng kinh tế gia trại, trang trại, đồng thời hình thành các vùng luân canh, xen canh cây trồng. Bên cạnh vùng sản xuất lúa tập trung, thì trên 8.000 ha vùng đất chủ động nước trước đây sản xuất 2 vụ lúa được khuyến khích tăng thêm vụ đông với ngô, rau màu các loại, đồng thời chuyển 200 ha sâu trũng sang nuôi trồng thuỷ sản.

Việc nuôi cá vụ 3 cũng được đẩy mạnh, nhất là ở các xã Đô Thành, Thọ Thành, Hồng Thành, Phú Thành... Những diện tích đất cao cưỡng không chủ động nước ở Tây Thành, Quang Thành, Thịnh Thành… chủ động chuyển vụ, trồng các loại cây màu. 2 năm nay, huyện cũng đã đưa cây cỏ ngọt vào trồng trên những diện tích này. Những diện tích lúa xuân cấy cưỡng và đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng ngô. Mở rộng diện tích trồng lạc trên diện tích cao cưỡng cấy lúa của các xã vùng bán sơn địa, đất màu và đất 2 vụ lúa. Các giống lạc có tiềm năng năng suất cao được đưa vào sản xuất như L14, L23, TB25…

Phấn đấu đưa năng suất lạc từ 23 tạ/ha như hiện nay lên 27 tạ/ha vào năm 2015. Tăng cường mở rộng diện tích rau, củ, quả, hoa, cây cảnh các loại, tập trung hướng vào những cây có giá trị kinh tế cao như bí xanh, dưa chuột, đậu côve, hành, tỏi, bắp cải… Đặc biệt, vài năm gần đây, nấm Yên Thành đang dần trở thành một “thương hiệu” được ưa chuộng. Hiện toàn huyện đã có hơn 300 hộ ở 14 xã trồng nấm, nhiều hộ thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng/năm từ nghề này. Ông Dương cho biết: Mục tiêu đến năm 2015 chúng tôi sẽ có hơn một nghìn hộ sản xuất nấm theo quy mô hộ gia đình, 100 hộ sản xuất theo mô hình trang trại, gia trại, tổ hợp tác và từ 1- 2 mô hình quy mô công nghiệp với tổng sản lượng nấm đạt hơn 5 nghìn tấn, giá trị khoảng 50 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.500 lao động.

Cùng với quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Yên Thành cũng tập trung chuyển đổi cơ cấu giống lúa để nâng cao năng suất và chất lượng. 3 năm trở lại đây, các giống lúa chất lượng cao đã được đưa vào Yên Thành ngày càng nhiều, với các giống lúa thuần phẩm cấp và chất lượng tốt như AC5, Bắc thơm số 7, các giống nếp 89, nếp 87, hay Bio 404, lúa lai F1, L25, đặc biệt huyện đang từng bước đưa vào giống nếp cái hoa vàng hiện đang rất được thị trường ưa chuộng. Như vụ xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy hơn 13 nghìn ha lúa thì trong đó chỉ 5.600 ha là lúa lai, còn lại là các giống lúa thuần. Trong đó, nổi lên mô hình trình diễn giống lúa lai 3 dòng GS 9 ở xóm 17, xã Phúc Thành. Trong vụ hè thu năm nay, Yên Thành cũng đang đưa vào trồng thử các giống lúa chất lượng cao như Khang dân 28, ADF 5, NAR 1… để nếu thành công sẽ tiếp tục nhân ra diện rộng. Tại xã Phúc Thành, những năm gần đây, những cánh đồng mẫu sản xuất giống lúa lai F1 đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha cho bà con nông dân.


Phú Hương

Mới nhất
x
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO