Chuyển đổi ruộng đất - Kinh nghiệm từ Lăng Thành

06/01/2012 17:08

(Baonghean.vn) - Từ 5 - 7 thửa chỉ còn 1 - 2 thửa, đặc biệt là không còn cảnh người nông dân phải đi làm ruộng cách nhà 4 - 5 km như trước đây và hình thành mạng lưới giao thông, thủy lợi nội đồng phù hợp, thuận lợi cho việc cơ giới hóa nông nghiệp... là kết quả của việc chuyển đổi ruộng đất ở xã Lăng Thành, huyện Yên Thành.

(Baonghean.vn) - Từ 5 - 7 thửa chỉ còn 1 - 2 thửa, đặc biệt là không còn cảnh người nông dân phải đi làm ruộng cách nhà 4 - 5 km như trước đây và hình thành mạng lưới giao thông, thủy lợi nội đồng phù hợp, thuận lợi cho việc cơ giới hóa nông nghiệp... là kết quả của việc chuyển đổi ruộng đất ở xã Lăng Thành, huyện Yên Thành.

Cuối tháng 12, chúng tôi về xã Lăng Thành, chứng kiến cảnh bà con nông dân hồ hởi ra đồng đắp bờ, làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân. Anh Nguyễn Xuân Cường ở xóm 1, bộc bạch: "Nhà tui trước đây có 2,5 sào ruộng nhưng có tới 5 thửa, mỗi thửa một cánh đồng. Khó khăn nhất là có những đám ruộng cách nhà 4 - 5 km, những ngày mùa mất nhiều thời gian đi lại và bất tiện trong chăm sóc cây trồng. Mới rồi xã, xóm thực hiện chuyển đổi ruộng đất, cũng diện tích như vậy, nhưng sau khi chuyển đổi xong chỉ còn 2 thửa gần nhà. Không những riêng nhà tui mà gia đình nào cũng vậy. Chuyển đổi ruộng đất như thế này người nông dân dễ bề đầt tư thâm canh cây trồng, ai cũng phấn khởi, nhiệt tình ủng hộ".



Cùng với chuyển đổi ruộng đất, quy hoạch lại mạng lưới giao thông thủy lợi, Lăng Thành còn đầu tư 150 triệu đồng để lắp đặt cống nước qua đường.


Ông Cung Đình Quang, cán bộ địa chính xã cho biết: Sau khi chuyển đổi xong ruộng đất, xã huy động nhân lực đào đặt cống nước trên các cánh đồng để thuận lợi cho công tác thủy lợi. Theo thiết kế, cả xã có gần 100 điểm cần phải đặt cống, tính ra địa phương phải bỏ ra 150 triệu đồng để mua cống nước. Chưa kể các xóm phải huy động nguồn lực của dân để mua cống nước lắp đặp trên các bờ vùng, bờ thửa.

Làm được như vậy, bà con nông dân không phải đào mương, khơi rãnh ngang đường để lấy nước cho ruộng như trước đây. Các trục đường nội đồng, xã quy định đường trục chính rộng 6 m, hai bên kẹp mương, mỗi mương rộng 1 m; trục đường phụ 4 m, hai bên kẹp mương, mỗi mương rộng 1 m. Như vậy, theo thiết kế thì 100% trục đường nội đồng đều phải đào đắp lại, vì trước đây đường quá hẹp. Nếu huy động sức dân thì rất khó và phải kéo dài nhiều vụ, do vậy xã phải đầu tư hơn 500 trăm triệu đồng thuê máy múc, phấn đấu thực hiện trong một năm. Đến cuối tháng 12, cơ bản các phần việc sau chuyển đổi ruộng đất đã xong


Ông Trần Văn Giang - Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện về xã điểm chuyển đổi ruộng đất, xác định là công việc khó khăn, phức tạp, nên từ đầu năm 2011 đến nay, Lăng Thành tập trung để hoàn thành nhiệm vụ. Để đạt được mục tiêu đó, địa phương thực hiện nghiêm túc từ khâu lấy ý kiến hội đồng, họp quân dân chính, giao cho từng cán bộ xã phụ trách từng xóm, tổ chức họp xóm để lấy ý kiến nhân dân...

Khó khăn nhất đối với Lăng Thành là đồng ruộng không bằng phẳng, được chia thành 3 vùng rõ rệt. Vùng phía dưới vếch bắc xa khu dân cư nhưng rất thuận lợi cho sản xuất 2 vụ lúa/năm; vùng trên vếch bắc mặc dù cũng chủ động được nước tưới, nhưng một năm chỉ có vụ đông xuân là ăn chắc, còn vụ hè thu thường xuyên ngập lụt, năng suất lúa rất thấp, thậm chí phải bỏ đất hoang; vùng trên cùng là cánh đồng bàn, tuy khó khăn hơn về nước tưới, nhưng lại sản xuất được 3 vụ trong năm an toàn.

Thực tế điều kiện ruộng đồng của địa phương như vậy rất khó xử lý, vì xóm nào cũng không muốn nhận cánh đồng khó khăn. Sau khi các xóm xác định số nhân khẩu và dựa trên diện tích đất của từng cánh đồng, xã quyết định xóm nào nhận ruộng ở vùng đất khó khăn thì được nhiều diện tích hơn và ngược lại.

Giải pháp đó đưa ra cho toàn dân thì phần lớn nông dân đồng tình ủng hộ. Kết hợp với chuyển đổi ruộng đất là quy hoạch lại mạng lưới giao thông, thủy lợi nội đồng. Mặc dù chưa được cứng hóa, nhưng bước đầu mạng lưới giao thông, thủy lợi trên các cánh đồng đã được đào đắp đúng thiết kế, tạo thuận lợi cho việc điều tiết nước tưới và xe cơ giới đi lại.

Trong quá trình thực hiện, nhìn chung các xóm rất tích cực, trong đó xóm 1 có thể nói là hoàn thành tốt nhất phần giao thông, thủy lợi. Đến nay xóm 1 đã huy động bà con đào đắp, chỉnh sửa xong các tuyến đường giao thông, bờ vùng bờ thửa nội đồng, và huy động được hàng chục triệu đồng tiền mặt để mua cống nước lắp đặt qua các bờ vùng, bờ thửa.


Với phương châm chia xong ruộng đất mới làm giao thông, thủy lợi cho nên việc chuyển đổi ruộng đất gắn với quy hoạch lại mạng lưới giao thông thủy lợi ở Lăng Thành rất bài bản, hiệu quả cao. Đến nay 100% hộ nông dân Lăng Thành đã nhận ruộng mới để yên tâm sản xuất.


Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Chuyển đổi ruộng đất - Kinh nghiệm từ Lăng Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO