Chuyển đổi số - cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Nghệ An

Nguyễn Hải 03/05/2022 12:30

(Baonghean.vn) - Chuyển đổi số là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó thách thức “hậu” đại dịch Covid-19. Tại Nghệ An, từ những mô hình, giải pháp có tính thử nghiệm dò đường của một vài doanh nghiệp, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu mang lại thành công.

Chuyển đổi số - cơ hội để doanh nghiệp tăng tốc

Cách đây vài năm, khi dự các lớp tập huấn, triển khai về chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), tình cờ chúng tôi nghe được chia sẻ của một vài đại diện doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số là việc xa vời, viển vông vì quá khó, chi phí quá lớn trong khi bộ máy quản lý và nhân lực lao động thì không thể “cắt bỏ” trong ngày một ngày hai.

Thế nhưng, sau 2 năm, nhất là những tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và nỗ lực thích ứng mới thấy chuyển đổi số là giải pháp để vượt qua khó khăn.

Các doanh nghiệp tham gia tại một buổi tập huấn về chuyển đổi số do Sở Khoa học công nghệ Nghệ An phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Nghệ An tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hải
Các doanh nghiệp tham gia tại một buổi tập huấn về chuyển đổi số do Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại Nghệ An, chuyển đổi số ở khối kinh tế và doanh nghiệp có mặt sớm nhất trong lĩnh vực ngân hàng, tiếp đó là lĩnh vực giao thông khi các công ty ứng dụng phần mềm chữ ký số hay cấp giấy phép lái xe của cơ quan có thẩm quyền ngay sau khi hoàn thành thi sát hạch tại các cơ sở đào tạo. Thế nhưng, đến nay, sau hơn 2 năm, ứng dụng chuyển đổi số đã trở nên phổ biến, dễ hiểu và mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

Tại Công ty Xi măng Hoàng Mai, nhờ đẩy nhanh ứng dụng chuyển đổi số nên khi đại dịch xảy ra, hoạt động sản xuất, phân phối vẫn diễn ra bình thường. Ngoài các phần mềm ứng dụng nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả rõ nét nhất là ở khâu xuất hàng và phân phối sản phẩm. Nhờ các phần mềm với các app cài trên điện thoại thông minh và tích hợp với hệ thống camera nhận diện biển số giám sát nên các lái xe, chủ hàng không còn phải xuống làm biên lai và xuất trình phiếu xuất hàng như trước đây. Không những thế, nhờ có hệ thống định vị DMS trên mỗi xe hàng, từ bộ phận kinh doanh của nhà máy cho đến chủ các đại lý phân phối có thể biết được xe hàng mà mình đặt mua đang ở đâu và dừng nghỉ ở cung đường nào.

Nhờ ứng dụng chuyển đổi số, hiệu quả quản lý, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, công ty vẫn duy trì được hoạt động sản xuất và phân phối. Hiện Xí nghiệp tiêu thụ cắt giảm được 16 người và mỗi năm tiết kiệm 1,582 tỷ đồng.

Xe rơmooc vào bốc hàng xi măng tại Công ty xi măng Hoàng Mai. Ảnh Nguyễn Hải
Từ khi đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, các xe tải bốc hàng xi măng tại Xí nghiệp tiêu thụ xi măng Hoàng Mai không phải xuống làm thủ tục giấy tờ mà chỉ cần tập kết chờ gọi tên. Trong ảnh: Xe rơmooc vào bốc hàng xi măng tại Công ty Xi măng Hoàng Mai. Ảnh: Nguyễn Hải
Trong khi đó, tại Công ty CP Xăng dầu Nghệ An, ứng dụng chuyển đổi số còn rõ ràng hơn. Ông Trần Đình Vũ - Phó Giám đốc Công ty cho biết: Khởi đầu với ứng dụng phần mềm camera giám sát và phần mềm giám sát bán hàng tại từng cửa hàng, đến nay, được sự đồng ý của Tập đoàn nên ứng dụng chuyển đổi số tại công ty ngày càng sâu hơn.

Với hệ thống phân phối 80 cửa hàng trên toàn tỉnh, thị phần của công ty chiếm 50% thị phần toàn tỉnh, vài năm lại đây, cùng với đầu tư phần mềm giám sát, bán hàng, xuất hóa đơn điện tử, Công ty đã chuyển đổi, đầu tư hệ thống kho bể chứa xăng dầu có thể đo và kiểm tra lượng hàng bằng cảm biến; hiện đang thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt… Nhờ đó, khi xăng dầu biến động mạnh về giá, trong khi các cửa hàng thuộc hệ thống khác có thể treo biển “hết hàng” bất thường thì Công ty CP Xăng dầu Nghệ An không xảy ra tình trạng này vì bất kỳ lúc nào, công ty và cơ quan chức năng có thể kiểm tra ngay mà chưa cần đến hiện trường.

Ông Trần Đình Vũ- Phó Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Nghệ An

Cán bộ Phòng bán hàng Công ty Xi măng Hoàng Mai trực xử lý biên lai, thủ tục bán hàng để xe hàng xuất bán. Ảnh: Nguyễn Hải
Cán bộ Phòng bán hàng Công ty Xi măng Hoàng Mai trực xử lý biên lai, thủ tục bán hàng để xe hàng xuất bán. Ảnh: Nguyễn Hải

Câu chuyện cũng tương tự tại Công ty Mía đường Nghệ An NASU, trước đây, kế hoạch chặt mía được làm thủ công nên dẫn đến tình trạng có vùng người dân chặt mía ra phải chờ vừa mất công và ảnh hưởng trữ lượng đường. Nay, nhờ ứng dụng chuyển đổi số nên lịch chặt được lên kế hoạch chặt chẽ và gửi về giám đốc nguyên liệu và gửi vào smart phone cho người thu mua, lịch chặt mía được cập nhật đến từng vùng nguyên liệu, diện tích còn lại bao nhiêu, nhà máy đều biết.

Công ty mía đường Sông Lam ứng dụng thiết bị bay không người lái để kiểm tra sâu bệnh hại mía. Ảnh tư liệu BNA của Hoàng Vĩnh.
Công ty Mía đường Sông Lam ứng dụng thiết bị bay không người lái để kiểm tra sâu bệnh hại mía. Ảnh tư liệu BNA của Hoàng Vĩnh.

Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hiệu quả do ứng dụng chuyển đổi số mang lại nên tốc độ chuyển đổi số của doanh nghiệp Nghệ An ngày càng nhanh và mạnh hơn. Từ yêu cầu, tốc độ chuyển đổi số của doanh nghiệp đã tạo ra áp lực buộc khối cơ quan nhà nước phải chuyển đổi thủ tục hành chính phục vụ doanh nghiệp. Mặc dù chưa có đánh giá chính thức về kết quả chuyển đổi số nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp có điều kiện, tiên phong thì ứng dụng rộng và sâu hơn, hiệu quả rõ nét hơn; doanh nghiệp vừa và nhỏ thì nên chọn việc, công đoạn phù hợp…

Ông Nguyễn Viết Hùng- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An

Những thách thức cần sớm vượt qua

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả khởi đầu đáng khích lệ, thì quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Nghệ An còn đối mặt với nhiều khó khăn. Theo ông Hoàng Vĩnh Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh (NAPC) thì với gần 13 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 95% doanh nghiệp Nghệ An có quy mô nhỏ và vừa nên chuyển đổi số không hề dễ dàng. Khó khăn thách thức không chỉ vì vốn ít, chất lượng nhân lực chưa cao mà vì người đứng đầu doanh nghiệp chưa sẵn sàng.

Phòng Giám sát điều hành thông minh thu thập hình cảnh camera an ninh từ các Cửa hàng gửi về Công ty CP xăng dầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải
Phòng Giám sát điều hành thông minh thu thập hình ảnh camera an ninh từ các Cửa hàng gửi về Công ty CP Xăng dầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Dẫn ra câu chuyện, trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh bao gồm cả hỗ trợ chuyển đổi số, NAPC dự định sẽ chọn 5-7 doanh nghiệp/năm và hỗ trợ khoảng 30- 45 triệu đồng/đơn vị để xây dựng phần mềm quản lý, chuyển đổi số. Tuy nhiên, chỉ 1 trong số 5 doanh nghiệp được chọn là Công ty mây tre đan Thái Đại Phong đăng ký nên kế hoạch hỗ trợ trên đành tạm thực hiện ở mức thí điểm.

Câu chuyện trên cũng đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Nghệ An, với lý do chuyển đổi số là mục tiêu dài hạn và chủ yếu là hào nhoáng nên nhiều chủ doanh nghiệp dù được tỉnh mời quán triệt, tập huấn nhưng không đi và chỉ cử kế toán viên hoặc cán bộ phụ trách công nghệ thông tin đi dự. Vì vậy, các ứng dụng chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An đến thời điểm này chủ yếu vẫn là các phần mềm kế toán, quản lý bán hàng...

Dữ liệu về hóa đơn bán hàng và các hình ảnh được lưu trữ tại Trung tâm điều hành và máy chủ Công ty CP xăng dầu để làm cơ sở đối chứng, kiểm tra hàng hóa. Ảnh Nguyễn Hải
Dữ liệu về hóa đơn bán hàng và các hình ảnh được lưu trữ tại Trung tâm điều hành và máy chủ Công ty CP Xăng dầu Nghệ An để làm cơ sở đối chứng, kiểm tra hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Hải

Ở một khía cạnh khác, các doanh nghiệp quy mô lớn cũng có khó khăn vì chuyển đổi số đồng nghĩa với tự động hóa và sắp xếp lại lao động, giảm lao động dôi dư. Điều này là không hề dễ dàng với doanh nghiệp có nhân lực lao động nhiều, thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao. Cụ thể, Công ty CP Xăng dầu Nghệ An với 608 cán bộ, công nhân viên, Công ty Xi măng Hoàng Mai trên dưới 800 lao động…

Chính vì thế, tại các diễn đàn về chuyển đổi số, các chuyên gia hàng khuyến cáo: chuyển đổi số, dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều đối mặt với khó khăn. Doanh nghiệp lớn thì dây chuyền công nghệ đầu tư tốn kém, lao động nhiều nên không thể chuyển đổi trong ngày một ngày hai; ngược lại, doanh nghiệp nhỏ, quy mô nhỏ, vốn ít nhưng bộ máy gọn nhẹ lại dễ và chuyển đổi nhanh hơn. Vấn đề là chủ doanh nghiệp và người đứng đầu phải thực sự quyết tâm.

Với đặc thù và xuất phát điểm trên nên doanh nghiệp Nghệ An hiện rất cần nhưng phải quyết tâm trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số. Trong bối cảnh cả nước đang chuyển đổi, thích ứng với kịch bản phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, để tận dụng các lợi thế và ưu đãi mà hiệp định thương mại mà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập, doanh nghiệp Nghệ An cần mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số để hòa nhập và bắt kịp với cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Tỉnh với các cơ chế và nguồn lực của mình sẽ nỗ lực để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp tốt nhất có thể.

Ông Hoàng Vĩnh Trường- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An

Mới nhất
x
Chuyển đổi số - cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO