Chuyện ghi sau cơn lũ

08/10/2013 00:57

(Baonghean) - Cơn lũ lịch sử quét qua thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu gây nhiều thiệt hại cho người dân xứ Quỳnh. Trong hoạn nạn, khó khăn, tình nghĩa quân dân, đồng bào lại được thắp lên sắt son, bền chặt. Và trên hết, những tấm lòng sẻ chia, tương thân tương ái của các tổ chức, đoàn thể, các "Mạnh Thường Quân" trong và ngoài tỉnh đang giúp đỡ, động viên người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, bĩ cực…

Lũ đi qua, nỗi đau ở lại

Sau những ngày giông gió, mưa bão, trời đất thị xã bắt đầu hửng nắng. Gió nhè nhẹ thổi từ sông Hoàng Mai vào dìu dịu. Mới hôm qua dòng sông còn đục ngầu, hung dữ là thế, mà nay bình lặng, hiền hòa đến lạ. Lâu lắm rồi, có khi đến hơn nửa đời người, dân xứ Quỳnh mới chứng kiến cơn lũ lớn đến như thế. Bàn tay rung rung, miệng bỏm bẻm nhai trầu, bà Nguyễn Thị Trị (xóm 5, xã Quỳnh Trang) nhớ lại: “Bà không nhớ rõ nữa, nhưng chắc vào khoảng những năm 1970 - 1971 gì đó, cũng có một trận lũ rất lớn, khắp nơi mênh mông là nước. Nhưng so với năm nay, chẳng thấm tháp vào đâu, mới có vài tiếng nước đã ngập nóc nhà, thóc lúa, gà lợn đều bị nước cuốn ra sông, ra bể hết”…

Trong câu chuyện với những người nông dân chân chất, không thấy vẻ trách móc, giận hờn bởi “nguồn cơn” lũ lụt, nhưng ánh mắt họ, buồn buồn đến tội nghiệp. Là vùng nông thôn, nhà nào chẳng làm vài ba sào lúa, nuôi đôi con lợn, vài ba chục con gà… Thế nhưng, cơn lũ đi qua, cuốn phăng, nhấn chìm tất cả. Hôm lũ vừa rút, chúng tôi ghé nhà anh Lê Công Đức ở xóm 5, xã Quỳnh Trang. Vợ chồng anh có 3 đứa con. Để có tiền nuôi các con ăn học, anh chị vay ngân hàng đầu tư nuôi 500 con gà, 2 con hươu. Thế nhưng cơn lũ ập về, chết sạch sành sanh không còn một con. Nhìn vợ chồng anh ngồi vặt lông, mổ bụng những con gà mới chết để muối ăn dần, mới thấy cám cảnh, xót xa. “Từ khi cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tui chưa thấy trận lũ lụt nào kinh hoàng đến thế. Mới thấy nước đến mép sân là thế, quay lưng ngoảnh lại đã lên đến bậc cửa, ai mà đối phó, mà chạy cho kịp. Sau trận này, chắc con cái có đứa nghỉ học mất thôi” - anh Đức nói xong thở dài đến não ruột .

Lũ dữ chẳng trừ một ai, dù là người nghèo khó hay kẻ giàu sang, chúng hung hãn băng qua rồi cướp đi tất cả. Là hộ làm kinh tế khá giỏi, anh Nguyễn Hữu Truật (xóm 5, xã Quỳnh Trang) mới hơn 40 tuổi đầu đã có một trang trại quy mô, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhìn gia đình anh làm ăn, trong thôn xóm nhiều người mong được như thế. Nhưng đùng một cái, lũ lụt tràn vào biến vợ chồng anh thành người tay trắng. Vừa dọn dẹp lại chuồng trại, giọng anh buồn như tự an ủi chính mình: “Ở đây không riêng gì gia đình tôi mà còn rất nhiều nhà cũng chấp nhận gia tài về lại "số không" sau lũ lụt. Nhưng thôi “của đi thay người”, vợ chồng đồng lòng cố gắng mà làm lại từ đầu vậy”.

Tại phường Quỳnh Dị, mất mát về tài sản còn lớn hơn rất nhiều. Ngồi trao đổi với phóng viên mà nét mặt của đồng chí Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Văn Quang cứ rười rượi: “60 héc ta tôm, 45 héc ta cá nước ngọt của phường trôi ra sông, ra bể hết. Đó là chưa kể hàng chục héc ta lúa, hoa màu bị hư hại, hàng ngàn con gia súc, gia cầm chết, 7 chiếc thuyền bị chìm, hư hại. Thiệt hại của đợt lũ lụt này ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi”. Cơn lũ lụt nào cũng gây thiệt hại, dù ít hay nhiều, nhưng những gì đang diễn ra trước mắt là quá kinh hoàng. Cầm trên tay tờ báo cáo nhanh của UBND Thị xã Hoàng Mai về thiệt hại “do cơn bão số 10 gây ra” mà ai cũng đau đớn: 2 người chết, một người mất tích, 180 ha lúa, 620 ha rau màu, 250 ha tôm, 120 ha cá nước ngọt mất trắng, hàng triệu gia súc, gia cầm bị chết. Ước tính tổng thiệt hại lên đến 800 tỉ đồng!

Với một thị xã non trẻ, con số đó là hết sức khủng khiếp!

Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác TP. Hồ Chí Minh trao tiền hỗ trợ cho người dân vùng lũ.
Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác TP. Hồ Chí Minh trao tiền hỗ trợ cho người dân vùng lũ.

Quân dân cùng vào cuộc

Trong lúc hoạn nạn, khó khăn mới thấy được tình quân dân keo sơn, thắm thiết. Nước lũ tràn về chỉ trong một thời gian ngắn nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà với nhiều sinh mệnh treo lơ lững bên miệng tử thần. Nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy và chính quyền các cấp tỉnh nhà, hàng ngàn chiến sỹ bộ đội, công an, dân quân, đoàn viên… đã dũng cảm, đối mặt với hiểm nguy, lao mình vào dòng lũ dữ để sơ tán kịp thời những người bị nạn. Vì vậy, dù đỉnh lũ rất cao nhưng đã hạn chế được thiệt hại về người trong nhân dân các xã bị ngập lụt ở mức thấp nhất.

Khi lũ rút, khắp phố phường, thôn xóm là cảnh hoang tàn, đổ nát. Lúc này càng hiện rõ tình quân dân, cán bộ với nhân dân như "cá với nước”. Hình ảnh các chiến sĩ bộ đội, công an dầm mình khi lũ lụt, mưa to gió lớn để ứng cứu nhân dân, hoặc chang giữa nắng gắt để giúp đồng bào dọn dẹp, dựng lại những ngôi nhà, đắp lại những con đê, sửa sang trường học, bệnh viện… Ở đâu nhân dân cần, ở đó có chiến sỹ hết lòng phục vụ.

Lực lượng quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh cấp phát thuốc cho người dân.  Ảnh: H.T
Lực lượng quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh cấp phát thuốc cho người dân. Ảnh: H.T

Được sự chỉ đạo của bộ chỉ huy quân sự tỉnh, hàng trăm chiến sỹ thuộc các phòng ban trong những ngày qua đã trực tiếp xuống địa bàn các xã, phường của Thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu giúp dân khắc phục hậu quả. Đã 11 giờ trưa nhưng các chiến sỹ đại đội BTR 152 thuộc Phòng Tham mưu vẫn miệt mài quét dọn, bê hàng tấn đất đá từ nhà văn hóa khối Thịnh Mỹ, phường Quỳnh Thiện ra đường đổ. Trung úy Nguyễn Trọng Sơn - trung đội trưởng cho biết: “Khi nhận được lệnh của cấp trên, anh em chiến sỹ đều có mặt đúng giờ để xuống giúp dân khắc phục hậu quả. Dù khó khăn, cực nhọc đến đâu, chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Ngay sau cơn đại hồng thủy, 100 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thuộc cơ quan Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Tiểu đoàn huấn luyện D19 và 2 đồn biên phòng Quỳnh Phương, Quỳnh Thuận, BĐBP Nghệ An do Thượng tá Lê Như Cương - Phó Chủ nhiệm Chính trị dẫn đầu đã được triển khai xuống địa bàn huyện Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Tại địa bàn xã Quỳnh Trang, Thị xã Hoàng Mai, địa bàn xóm 5 là bị thiệt hại nặng nề nhất. Cán bộ chiến sỹ biên phòng đã đến tận từng nhà dân để giúp dọn dẹp, sắp đặt nhà cửa sau lũ, vệ sinh làng xóm, khơi thông cống rãnh, tập kết rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tại các ao hồ ở địa bàn xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, tình trạng ô nhiễm rất nặng, mùi hôi bốc lên nồng nặc, để giải quyết vấn đề môi trường sau lũ, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã cử lực lượng quân y, cùng cơ số thuốc đến trực tiếp tại địa bàn các thôn bị ngập nặng trong lũ ở địa bàn các xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh Thị xã Hoàng Mai trực tiếp khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miền phí, phun thuốc tiêu độc khử trùng và đặc biệt là ngăn chặn những mầm bệnh phát sinh sau lũ.

Theo bác sỹ Trần Lĩnh Hiển, bà con ở các địa phương bị lũ lụt thường mắc các chứng bệnh như đau mắt đỏ, nước ăn chân, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp do môi trường bị ô nhiễm cần phải được chữa trị kịp thời. Để kịp thời khám và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con, lực lượng quân y bộ đội Biên phòng đã bố trí 3 bác sỹ chuyên khoa đến trực tiếp khám và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con. Theo kế hoạch, Bộ đội Biên phòng Nghệ An sẽ duy trì lực lượng ở địa bàn 2 xã Quỳnh Vinh và Quỳnh Trang trong thời gian 5 ngày phục vụ theo nhu cầu của địa phương để giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống.

Ngay từ những ngày đầu lũ lụt, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Đoàn công an Thị xã Hoàng Mai đã trực tiếp vào nơi rốn lũ, kịp thời cứu được 50 người đang mắc kẹt trong vùng lũ dữ, đưa đến nơi an toàn. Bí thư Chi đoàn Công an Thị xã Hoàng Mai Hồ Đăng Khoa tự hào cho hay: “Trong đợt lũ vừa qua, các chiến sĩ trong chi đoàn đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, nhiều người không quản ngại đêm khuya, mưa gió, lao mình vào dòng nước lũ cứu dân, trong đó có đồng chí Đặng Phú Thanh - một mình cứu được 6 người dân giữa dòng nước xoáy”. Lũ rút, 35 đoàn viên của Công an thị xã lại có mặt 100% xuống các trường học, bệnh viện của phường Mai Hùng, Quỳnh Thiện quét dọn, lau chùi bàn ghế, phòng học... “Chậm dọn dẹp ngày nào thì các em học sinh mất buổi học ngày đó. Anh em trong chi đoàn không ai bảo ai nhưng luôn làm việc hết mình, cố gắng hoàn thành công việc càng nhanh càng tốt” – Trung úy Hồ Sỹ Trình - đội Quản lý hành chính, Công an Thị xã Hoàng Mai tâm sự.

Ngoài lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, công an thị xã, những ngày qua, hàng trăm đoàn viên thanh niên huyện Quỳnh Lưu, học sinh cấp 3 Hoàng Mai, các đoàn viên cơ sở đã đồng loạt ra quân dọn dẹp khắp các khối phố, thôn xóm. Lực lượng tình nguyện đi đến đâu, hậu quả của bão lũ được khắc phục tới đó. Trong nỗi đau thương, mất mát của người dân vùng lũ, nhiệt huyết tuổi trẻ đã thắp lên niềm hi vọng, lạc quan vững vàng vượt qua gian khó.

Tình người trong cơn hoạn nạn

Sau những ngày mưa bão, trời đất Thị xã Hoàng Mai đã có nắng ấm. Tia nắng của những ngày đầu tháng 10 không rát bỏng, hanh heo nhưng đủ hong khô hạt thóc ướt đẫm của người dân vùng lũ. Tại UBND Thị xã Hoàng Mai, tấp nập từng đoàn cứu trợ trong và ngoài tỉnh ra vào. Những hình ảnh, thông tin về trận lũ lụt lịch sử xảy ra tại Thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu được báo chí truyền tải trong những ngày qua đã lay động bao trái tim trên khắp mọi miền đất nước. Từ vùng đồng bằng sông Cửu Long xa xôi, đồng chí Võ Hồng Anh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ dẫn đầu đoàn đã đến trao 100 triệu đồng ủng hộ đồng bào bị lũ lụt tại Nghệ An. Ngày 4/10, Đoàn công tác của TP. Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Văn Rảnh - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy dẫn đầu cũng đã trực tiếp tới thăm và trao 600 triệu đồng ủng hộ đồng bào bị lũ lụt Nghệ An.

Bộ đội giúp dân dọn dẹp nhà cửa.  Ảnh: H.T
Bộ đội giúp dân dọn dẹp nhà cửa sau lũ. Ảnh: H.T

Trước đó, đoàn của Tổng công ty lương thực miền Bắc cũng đến trao 50 tấn gạo; tăng ni phật tử chùa Đại Tuệ (Nghệ An), chùa Pháp Hoa (Thành phố Hồ Chí Minh) ủng hộ 50 triệu đồng, 500 thùng mì tôm, 300 bộ quần áo học sinh.

Thực hiện lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, các tổ chức, đoàn thể, hiệp hội, các doanh nhân, doanh nghiệp… trong và ngoài tỉnh đã vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, thành viên, các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ và thành lập nhiều đoàn cứu trợ đến trao quà, tiền ủng hộ đồng bào bị thiệt hại trong đợt lũ vừa qua.

Trên gương mặt hốc hác, thấm mệt sau nhiều ngày mất ngủ, nhưng đồng chí Bí thư Thị ủy Hoàng Mai - Đoàn Hồng Vũ cho biết: “Đợt lũ lụt vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và của đối với Thị xã Hoàng Mai. Nhưng Thị xã trẻ đã đón nhận được sự quan tâm, cảm nhận được tinh thần tương thân tương ái, sự ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đến sẻ chia, động viên giúp người dân thị xã vượt qua giai đoạn khó khăn, bĩ cực. Thay mặt Đảng bộ, nhân dân Hoàng Mai, cho tôi gửi đến toàn thể các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp lời cảm ơn chân thành, sâu sắc”.

Bài, ảnh: Triều Dương - Hải Thượng

Mới nhất

x
Chuyện ghi sau cơn lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO