Chuyện ghi trên đường cắm mốc

08/07/2013 18:38

(Baonghean) - Qua hơn 5 năm triển khai hành trình tăng dày, tôn tạo mốc biên giới Việt - Lào đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An, 116/116 mốc quốc giới và 6 vị trí cọc dấu được cắm bổ sung; giám sát thi công hoàn thành. Những con số tưởng như vô tri nhưng thực chất, ẩn trong nó là những câu chuyện kể với đủ mọi cung bậc cảm xúc của những cán bộ cắm mốc ngày đêm thức- ngủ cùng dấu mốc vùng biên. Trong quá trình thu thập thông tin, phóng viên đã may mắn được nghe các anh tâm sự, mỗi người đều có một câu chuyện của riêng mình, thế rồi lạ lùng thay, tất thảy trước sau lại quay về câu chuyện chung: biên giới!

“Kết nạp Đảng trên đường biên”


Anh Phạm Thế Vang, quê ở Nam Định, là cán bộ Trung tâm địa giới bản đồ thuộc Bộ TNMT, tham gia đội cắm mốc từ năm 2008 đến nay. Mấy năm trời xa quê, xa gia đình, anh bảo, nhiều lúc nhớ nhà lắm, nhớ quay quắt tưởng không chịu nổi, phải xin về thôi, ấy thế mà nhiệm vụ và tinh thần đoàn kết, chia sẻ của anh em trong đội đã giúp anh vượt qua tất cả. Tháng 1/2012, một niềm vinh dự lớn lao đã đến khi anh được kết nạp Đảng ngay tại đội 2.



Vận chuyển vật liệu xây dựng lên điểm tập kết.

Anh chia sẻ: “Là cán bộ Nhà nước thì luôn xác định tư tưởng là ở đâu cần, ở đâu thiếu thì mình đi, luôn cố gắng vượt qua hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao. May mắn nhất với tôi là luôn có tập thể đoàn kết, anh em hiểu và giúp đỡ nhau nhiều mặt nên nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua. Được kết nạp Đảng ngay tại đội là kỷ niệm đáng nhớ nhất và là niềm tự hào lớn lao nhất trong cuộc đời tôi!”

“Không biết vợ sinh con”

Đặc biệt hơn một chút là câu chuyện của Trung úy Phan Mạnh Quyền, sinh năm 1979, quê ở Hưng Tây, Hưng Nguyên. Anh làm công tác phiên dịch cho Đội cắm mốc số 1 từ tháng 11/2011. Nhiệm vụ chính mang tính đặc thù cao của Trung úy Quyền là làm phiên dịch cho đội trưởng, kỹ thuật trong quá trình làm việc cũng như làm tốt công tác trao đổi giữa 2 đội cắm mốc Việt Nam - Lào.

Anh chia sẻ, giao tiếp thông thường với các bạn Lào không khó, mà khó khăn nhất là các thuật ngữ chuyên môn kỹ thuật, do đó luôn phải có ý thức tự học, học cả từ người phiên dịch nước bạn là anh Khăm Phăn Chăn La Xón- từng ở Việt Nam 6 năm nên nói tiếng Việt rất giỏi. Đời lính vùng biên dãi nắng dầm mưa đã thành quen, mọi cung bậc cảm xúc tưởng như đã được ẩn đi sâu lắm, ấy thế mà khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình theo đoàn cắm mốc, Trung úy Quyền cũng phải lặng đi một lúc mới kể: Có lần đi lên Mốc 366 địa bàn xã Thông Thụ, Quế Phong ròng rã cả tuần liền, đường đi hiểm trở toàn dốc cao vách sâu, hoàn toàn không có sóng điện thoại để liên lạc với gia đình, khi mà thời điểm đó, vợ anh đã mang bầu 9 tháng. Sau khi xuống núi, mướt mồ hôi chạy một vòng dò sóng điện thoại mới biết tin vợ đã sinh con 1 tuần. Anh bảo, kỷ niệm vừa buồn, vừa vui…

“Bố ơi”

Các thành viên của Đội cắm mốc số 2 vẫn còn nhắc lại chuyến công tác đầu tháng 1/2012, thời điểm cận tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Nhưng vì nhiệm vụ, nên đoàn khảo sát song phương-liên ngành theo kế hoạch vẫn tiến hành hành quân khảo sát và giám sát các mốc tại địa bàn xã Môn Sơn (Con Cuông). Đây là địa bàn cực kỳ khó khăn gian khổ, vì các mốc ở đây rất xa xôi, dân cư lại nằm ở các vị trí hiểm yếu. Đoàn phải hành quân cả đường sông bằng thuyền lẫn đường bộ với cự ly khoảng 60 km. Thời điểm này đang rét đậm rét hại, nhiều đoạn phải hành quân dọc suối nước tới thắt lưng hơn một buổi, nước suối lạnh buốt, nhiệt độ về đêm có lúc chỉ còn 4-5 độ tại độ cao 1.525m so với mực nước biển.

Trời rét đêm không thể ngủ được chỉ đốt lửa sưởi ấm. Mà chỉ ấm mặt nhưng lưng lại lạnh buốt. Thời gian khảo sát 2 mốc này mất hơn 10 ngày. Những ngày này cả đoàn không bao giờ thấy mặt trời, chỉ toàn sương mù đặc quánh, cách 2-3m không nhìn rõ mặt nhau, quần áo lúc nào cũng ướt nhẹp, rét vô cùng, chỉ cắm đầu mà đi, mà phải bám sát nhau bởi cách mà tý là lạc nhau ngay.

Có đoạn do trời quá mù, rừng rậm nên máy GPS định vị vệ tinh không có sóng và không quan sát được địa hình nên cả đoàn đi lạc xuống phía dưới sườn núi. Leo lên chỗ cũ phải mất 2 tiếng đồng hồ. Việc bị sên, vắt cắn lúc đầu nhiều thành viên trong đoàn đều sợ, nhưng lúc đi mệt rồi thì mặc kệ, không có thời gian dừng lại mà kiểm tra có bị vắt cắn hay không nữa, vì chậm một tý là tụt lại phía sau và lạc đoàn ngay.

Việc bị vấp, ngã do đường trơn mưa lầy là chuyện bình thường. Gian khổ, khó khăn là thế nhưng chưa thành viên viên nào bỏ nhiệm vụ của mình. Khi hoàn thành nhiệm vụ hành quân về tới Đồn 555 đã là ngày 25 tết âm lịch. Trong tổ, có anh Nguyễn Văn Hiệp (Viện Quy hoạch Kiến trúc -Xây dựng) mới ra trường được bổ sung về, suốt 3 ngày không nói được một câu nào. Khi xuống tới khe cạn mới kêu lên được 2 từ “Bố ơi!” với khuôn mặt nhòe nước, xanh nhớt.


Hải - Chung - Duy

Mới nhất

x
Chuyện ghi trên đường cắm mốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO