Chuyện hiến đất làm đường nguyên liệu ở Nghĩa Hành

09/04/2012 18:33

(Baonghean) - Nghĩa Hành là xã trung du miền núi của Tân Kỳ, đời sống người dân còn rất khó khăn, kinh tế chủ yếu trông vào cây nguyên liệu: mía, sắn, keo lá tràm. Được tỉnh đầu tư đường vùng nguyên liệu mía nhưng hoàn toàn không có cơ chế đền bù, bà con Nghĩa Hành đã tự nguyện nhường đất, nhường vườn cho dự án bởi mong ước có đường nhựa đi lại được thuận lợi...

C HÚNG tôi về Nghĩa Hành - Tân Kỳ vào thời điểm cuối vụ mía, nhưng những đồi mía nơi đây đang trổ gươm chưa được thu hoạch, những nương sắn đã bới đợi xe chưa tới. Nguyên nhân là do giao thông vào các xóm vùng trong rất khó khăn, xe ô tô của các nhà máy không vào được. Hiện tuyến đường đang được các nhà thầu thi công để "cứu" vùng nguyên liệu mía, sắn của Nghĩa Hành và các xã lân cận.



Bác Nguyễn Quang Hải hiến 500 m2 đất vườn cho dự án đường nguyên liệu mía.

Bác Nguyễn Quang Hải - một cựu chiến binh ở xóm 6 Nghĩa Hành, là người tiên phong hiến đất làm đường giao thông. Gia đình bác có vườn chạy dài theo tuyến, là hộ mất nhiều đất nhất để làm đường. Theo quy hoạch, dựa vào trục chính, đường sẽ được mở rộng đều ra hai bên, mỗi bên 2m, vì vậy nhà bác Nguyễn Quang Hải với chiều dài bám đường hơn 200, phải nhường 500 m2 đất trồng mía cho dự án.

Bác Hải cho biết: "500m2 này trồng mía mỗi năm cũng được 4 tấn, thu hoạch cũng xấp xỉ 4 triệu đồng, chưa kể là nhà đông con, giữ được đất cho con cái. Tôi biết "tấc đất tấc vàng", nhưng thiết tha có con đường nhựa để đi ra, ốm đau cũng đỡ lo, ngô, mía bán cũng dễ hơn. 17 tuổi tui đã cầm súng đi theo Đảng, giờ vì con đường cho cả xóm, cả xã mình mà không gương mẫu thì bà con có giao đất cho Nhà nước không".

Bên chén nước chè xanh, nghe bác Hải tâm tình, rằng mùa lũ vừa qua, nước đã tàn phá con đường cùng với lúa, mía, đi trên đường mà như đi đánh giặc. Đêm hôm đau ốm, có xe máy cũng không chở người đau đi viện được. Cả xóm, cả làng đều mong ước có đường bằng để đi. Giờ nhà nước đầu tư đường, người bàn ra, bàn vô cũng có, nhưng trong thâm tâm ai cũng thiết tha mong ước có đường nhựa để "đổi đời". Vì vậy, gần 100 hộ dọc tuyến từ xóm 5,6,7 đến xóm 8 đều cơ bản đồng tình hiến đất, vườn cho dự án.

Không chỉ hiến đất, không nhận đền bù bất cứ hoa màu, cây cối nào trên đất, bác Hải còn tạo điều kiện cho nhà thầu thi công được kéo điện sinh hoạt, có chỗ đậu xe máy, thậm chí canh xe máy cho họ cả những tháng mưa không thi công được.

Sau khi bác Hải - hộ nhiều đất nhất đã đồng ý hiến đất cho dự án, nhiều hộ khác như Nguyễn Như Nam, Nguyễn Quang An, Lê Duy Bình, Lê Đăng Đức, Đào Văn Lượng... đều đã nhất trí ký vào bản cam kết của xã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho bên thi công. Ông Đào Văn Lượng và nhiều hộ khác đều cam kết: "Nếu trong thiết kế có đi vào phần đất của gia đình, thì gia đình nhất trí không đòi hỏi đền bù kể cả diện tích, cây trồng và các công trình, không gây khó khăn cho bên thi công". Họ cũng vui vẻ khi các đồng chí Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Hải - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã cùng với các đoàn thể khác đến nhà giải thích, vận động.

Trước đó, không phải là bà con không băn khoăn, bởi dự án xây dựng cầu treo Tân Thanh Hồng (tổng vốn đầu tư 14,77 tỷ đồng) trên địa bàn xã đang được hưởng chế độ đền bù của Nhà nước. Nhưng Ban giải tỏa đã đến từng nhà, tuyên truyền giải thích cho bà con ý nghĩa của dự án, lý do không có đền bù... họ đã dần hiểu.

Đường nguyên liệu mía Nghĩa Hành có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng. Nguồn vốn tỉnh đầu tư đường trục chính vào trung tâm vùng nguyên liệu theo chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, cùng với nguồn vốn của ngân sách huyện và xã. Có chủ trương đầu tư nhưng không có chính sách đền bù, huyện đã chỉ đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể Nghĩa Hành tuyên truyền vận động bà con hiến đất làm dự án, bởi nếu không vận động được dự án sẽ bị cắt.

Với tinh thần tự nguyện, đồng thuận, 90 hộ dân ở Nghĩa Hành đã vui vẻ hiến 2,1 ha đất vườn để làm đường nhựa. Bởi với họ, "có đường là có tất cả".


Châu Lan

Mới nhất
x
Chuyện hiến đất làm đường nguyên liệu ở Nghĩa Hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO