Chuyện học hè ở Kỳ Sơn: Đốn cây từ ngọn

20/07/2007 15:10

Dạy và học hè ở Kỳ Sơn năm nay là một chủ trương mới của huyện nói chung và của ngành Giáo dục Kỳ Sơn nói riêng nhằm bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh yếu kém, những học sinh "ngồi nhầm lớp" trong tất cả các bậc học mà chú trọng là bậc Tiểu học và THCS.

Thực tế là ở Kỳ Sơn hiện nay, số học sinh "ngồi nhầm lớp" chiếm khoảng 26-30% tổng số học sinh. Qua đợt thanh tra, kiểm tra chất lượng học tập và giảng dạy của Phòng Giáo dục Kỳ Sơn, tháng 5 vừa qua đã phát hiện ra nhiều điều đáng lo ngại: Học sinh lớp 7, 8, thậm chí cả lớp 9 không biết đọc, biết viết hoặc đọc viết chưa thạo còn... không ít.

Ôn tập hè cho học sinh xã Châu Thuận, Quỳ Châu.
Ảnh: Trần Ngọc Lan

Để khắc phục thực tế đáng buồn này, huyện đã tổ chức học hè cho những học sinh được liệt vào diện yếu kém, trong khoảng thời gian 15/6 - 15/8. Đã một tháng đã trôi qua, những nỗ lực của các thầy cô giáo và chính quyền các xã trong việc vận động học sinh đến trường đã không đạt kết quả như kế hoạch đề ra: Ở Trường PTCS Nậm Cắn 1 - một trường có điều kiện đi lại không đến nỗi khó khăn mà số học sinh đến trường vẫn rất khiêm tốn. Thầy Hùng - Hiệu trưởng Nhà trường nói: "Nếu huy động toàn bộ học sinh tức là không chỉ có học sinh yếu kém đi học thì còn có mà dạy, chứ thế này thì giáo viên... rảnh quá!".

Ở Trường PTCS Hữu Lập, giáo viên đến dạy còn nhiều hơn cả học sinh. Trường PTCS Bảo Thắng - một trong những trường có điều kiện đi lại khó khăn nhất của huyện còn tệ hại hơn nữa. Cô Thanh- giáo viên tiểu học của trường nói: "Học sinh đến lớp chỉ đạt 10 - 20 % nên việc dạy và học diễn ra như là sự ép buộc. Không dạy chúng tôi bị quở trách, dạy thì chẳng có tâm trạng nào khi mà chỉ có một, hai học sinh ngồi ngẩn ngơ dưới lớp".

Chưa nói đến chất lượng dạy và học, nhưng cứ nhìn vào thực tế buồn trên thì chúng ta cũng không khỏi chạnh lòng. Liệu những học sinh yếu kém này có bớt yếu kém? Liệu những học sinh "ngồi nhầm lớp" có được lên lớp khi mà việc học cứ bữa đi, bữa bỏ?

Bài viết này không đi sâu phân tích tại sao tỷ lệ đi học lại thấp. Nguyên nhân của việc này thì có nhiều, chưa nói đến học sinh, ngay cả những giáo viên cũng cảm thấy tủi thân khi phải đến từng nhà vận động để có một vài em mà dạy. Điều đó dường như cũng có thể chấp nhận được ngay cả không có một khoản phụ cấp dạy hè nào cho họ, tuy nhiên đến trường cả tháng trời mà không được lên lớp thì họ cũng cảm thấy.... khó nghĩ.

Trong đợt thi vừa rồi, ở Kỳ Sơn chỉ có 26 em tốt nghiệp THPT. Trong đó không có em nào học hệ BTVH đỗ cả. Kỳ Sơn là một huyện vùng cao, đời sống bà con còn nghèo đói, chưa lo đủ cái ăn chưa nói gì đến chuyện đến trường kiếm cái chữ. Những khó khăn đó luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và chia sẻ. Chúng ta không nên lấy đó làm cái cớ để biện minh cho những yếu kém tồn tại bấy lâu nay trong ngành Giáo dục huyện nhà mà phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra hướng đi đúng đắn cho sự nghiệp phát triển giáo dục về lâu dài. Cái gì cũng có gốc và ngọn của nó, việc dạy và học hè ở Kỳ Sơn năm nay cũng giống như việc "đốn cây từ ngọn" cho nên để "cây đổ" thì cái bỏ ra không chỉ có công nhiều mà của cũng phải lớn.

Vi Yến

Chuyện học hè ở Kỳ Sơn: Đốn cây từ ngọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO