Chuyện lập nghiệp của Quỳnh
(Baonghean) - Mồ côi từ nhỏ, không có đồng vốn trong tay sau 7 năm, bằng nghị lực của mình, Trần Mạnh Quỳnh (thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương) đã tay trắng dựng nên cơ nghiệp khiến nhiều người mơ ước…
Anh Trần Mạnh Quỳnh tại ki-ốt ở Thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương. |
Tôi gặp Quỳnh ở ki ốt kinh doanh văn phòng phẩm của gia đình tại khối Hòa Bắc, Thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương. Giữa trưa, nhưng ki ốt nhỏ của vợ chồng Quỳnh đông khách lắm: Người vào phô tô, người mua giấy bút, người đến sửa chữa máy vi tính. Ngoài ra, gia đình Quỳnh còn có 2 ki ốt khác trên địa bàn thị trấn chuyên kinh doanh văn phòng phẩm và mua bán, sửa chữa các thiết bị in ấn, máy vi tính... Anh luôn tay phô tô, đóng gáy bìa, giao hàng, tươi cười xin lỗi vì đã để khách, mọi người đợi lâu…
Vãn việc, Quỳnh mời chúng tôi thăm nhà của anh cách ki ốt không xa. Nhà của Quỳnh là một ngôi nhà sàn gỗ to đẹp, bề thế, nằm ở lối ba của Quốc lộ 7, chạy qua Thị trấn Hòa Bình. Ngôi nhà sàn này được Quỳnh dựng lên từ năm 2012, tổng tiền xây cất tầm 1,5 - 2 tỷ đồng. Nhà tuy lớn nhưng không gian sinh hoạt khá hẹp bởi từ trong nhà đến ngoài sân chồng chất những giấy in, bút vở, máy phô tô, máy vi tính. Trong nhà Quỳnh đầy đủ tất cả các tiện nghi sinh hoạt của một gia đình khá giả. Mời khách chén trà nóng, Quỳnh thong thả kể về chuyện đời mình: Quỳnh sinh năm 1984. Anh vốn dân gốc huyện Thanh Chương. Chưa đầy tuổi, Quỳnh đã chịu cảnh mồ côi cả bố lẫn mẹ. Thương đứa cháu côi cút, ông bà ngoại đón Quỳnh lên Tương Dương chăm nom. Tuổi thơ Quỳnh lớn lên trong vòng tay bao bọc yêu thương của ông bà. Ông bà tuổi cao sức yếu nhưng cố gắng nuôi cháu được ăn học đầy đủ, không để cháu thiệt thòi so với chúng bạn. Thương ông bà, Quỳnh càng ý thức về gia cảnh của mình, tự nhủ phải cố gắng vươn lên.
Năm 2001, tốt nghiệp THPT, Quỳnh xuống Thành phố Vinh theo học nghề. Quỳnh theo học nghề sửa chữa vi tính và các loại máy điện tử. Anh xin theo học ở các cửa hàng sửa chữa vừa học vừa làm, không mất học phí lại được nuôi cơm. Chịu khó, chăm chỉ, ham học lại sáng dạ, chẳng mấy chốc Quỳnh đã lành nghề. Có nghề trong tay, năm 2005, Quỳnh trở về Thị trấn Hòa Bình lập nghiệp. Ban đầu, anh làm công cho các tiệm, ki ốt sửa chữa máy phô tô, vi tính trên địa bàn. Đời làm thợ, thu nhập không đến nỗi nào nhưng cũng chỉ đủ nuôi nổi mình, Quỳnh không ngừng trăn trở làm sao để phát triển, vươn lên thoát cảnh nghèo...Thị trấn Hòa Bình thời điểm 2005 - 2006 chưa nhộn nhịp, phát triển như bây giờ, không có nhiều cửa hàng văn phòng phẩm. Anh ấp ủ ý định mở một đại lý cung cấp văn phòng phẩm cho các cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn nhưng từ dự định chuyển thành hiện thực lại gặp vô vàn khó khăn. Khó khăn nhất của anh đó là thiếu vốn. Quỳnh đã mang ý tưởng này chia sẻ, tâm tình với bạn bè và ai nấy cũng đều ủng hộ và động viên anh. Được sự tán đồng, khuyến khích của mọi người, Quỳnh mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Có được 45 triệu đồng vốn vay, năm 2007, Quỳnh thuê ki ốt, liên hệ với các công ty văn phòng phẩm mở đại lý văn phòng phẩm kiêm sửa chữa máy vi tính, máy phô tô, máy điện tử các loại. Vốn ít, ki ốt nhỏ thì rất khó cạnh tranh với các đại lý có sẵn trên địa bàn. Không thể ngồi chờ khách tìm đến với mình, anh đã trèo đèo, lội suối đi đến tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học ở trên địa bàn huyện để tiếp thị. Chiến lược kinh doanh của Quỳnh là “giá rẻ, hàng giao tận nơi, phục vụ nhiệt tình”. Lý giải thành công của mình, Quỳnh nói: “Em chỉ nghĩ là mọi người thương em hoàn cảnh côi cút nên ủng hộ và chắc thấy em thật thà nên thương”.
Sau 7 năm miệt mài lao động, Quỳnh đã tạo dựng nên một tổ ấm riêng cho mình với cuộc sống khấm khá. Tổng doanh thu từ 3 ki ốt của Quỳnh một năm chừng 1,7 tỷ đồng, lãi ròng đem về trên 200 triệu đồng. Nói về Trần Mạnh Quỳnh, anh Lê Hồng Thái, Bí thư Huyện đoàn Tương Dương cho rằng: Đây chính là một trong những tấm gương thanh niên vượt khó, làm giàu tiêu biểu của huyện Tương Dương. Bằng nghị lực, chịu thương chịu khó, Quỳnh không những lập thân, lập nghiệp mà còn tạo việc làm cho 7 lao động khác, thu nhập mỗi lao động từ 2,5-3 triệu đồng/ tháng…
Thanh Sơn