Chuyện những hàng rào ở Noọng Ó
(Baonghean) - Khắc phục tình trạng trâu bò thả rông phá hoại mùa màng, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, khó kiểm soát dịch bệnh, trộm cắp, nên thời gian qua, người dân ở bản Noọng Ó, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn) đã triển khai khoanh vùng nuôi nhốt tập trung hiệu quả.
Nhanh tay buộc từng nút thắt hàng rào bờ bao khu vực chăn thả trâu bò của gia đình, anh Lương Văn Phôm cho biết: “Bây giờ, ngoài rừng, ngoài ruộng, chỗ nào cũng toàn ngô, sắn. Nhà mình thì nuôi hai con trâu đực, nếu không khoanh vùng chăn thả, nó phá ngô, phá sắn của nhà khác thì không đủ tiền đền”. Còn bà Kha Thị Liên cho rằng: “Trước đây, do không được quản lý, theo dõi nên khi dịch bệnh xảy ra rất khó kiểm soát, khống chế. Từ khi khoanh vùng chăn thả đến nay tình trạng dịch bệnh giảm hẳn, bà con phấn khởi lắm lắm”.
Được biết, để thay đổi tập quán chăn thả gia súc tự do, “cốt cán” của bản đã họp bàn nhiều lần từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức chăn nuôi trâu bò có quản lý bằng cách khoanh vùng chăn thả; đồng thời ban hành quy định xử phạt cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, từ đó phổ biến để bà con nắm rõ chủ trương và cùng thực hiện. Đến nay, tại Noọng Ó gia đình nào cũng có khu vực chăn thả trâu bò trong rừng, nhà nhiều thì một mình một khoảnh, nhà nuôi ít thì chung nhau 3-4 nhà cùng rào chắn để chăn thả. Vật liệu hầu hết được tận dụng từ nứa mét, nhà nào có điều kiện thì mua thêm dây thép gai để gia cố thêm.
Anh Lương Văn Phôm rào khu vực chăn thả trâu bò của gia đình. |
Ông Lương Văn Mằn, công an thường trực bản Noọng Ó phấn khởi cho biết: Tình trạng thả rông trâu bò trước đây làm nảy sinh không ít vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, có những lúc dẫn đến xích mích giữa các hộ gia đình phải nhờ công an, trưởng bản can thiệp giải quyết. Tuy nhiên, từ khi các gia đình khoanh vùng chăn thả, các vấn đề nói trên không còn phát sinh nữa, bà con thêm đoàn kết gắn bó...
Đáng nói, khác với trước đây trâu bò thả rông hàng tháng trời không ai để ý thì nay ngoài việc vài ngày từng hộ gia đình lại thay nhau vào thăm nom, bổ sung thức ăn, bà con Noọng Ó đã có ý thức chuẩn bị thức ăn, làm chuồng trại, chống rét, dịch bệnh cho trâu, bò. Trò chuyện với chúng tôi, trưởng bản Kha Văn Bản cho hay: Toàn bản có 99 hộ, với 500 khẩu đồng bào dân tộc Thái, những năm qua nhờ nắm rõ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, bà con trong bản ngoài tập trung trồng trọt còn đẩy mạnh chăn nuôi phát triển kinh tế. Ý thức chăn nuôi của bà con đã được nâng lên, vào mùa hè, nhất là thời điểm mùa vụ bà con khoanh vùng nuôi nhốt trên rừng, đến mùa đông thì lùa về vườn nhà để chống giá rét. Vì vậy trâu bò khỏe, tổng đàn ổn định, đến nay toàn bản có hơn 200 con, nhà ít 1 con, nhà nhiều cũng đến 5-6 con.
Như vậy, chỉ với cách làm đơn giản, không quá tốn kém, việc chăn thả trâu bò ở Noọng Ó đã có quy củ, góp phần ổn định phương thức chăn nuôi cũng như phòng tránh dịch bệnh, mất trộm... Thiết nghĩ, đây là cách làm các địa phương khác cần học tập, nhân rộng.
Quảng An