Chuyện những người con tình nguyện trên đất Lào
Người lính tình nguyện trúng đạn ngã xuống bên một khe suối. Bà con các bộ tộc Lào đã chôn cất và đã khắc tên anh bằng tiếng Lào trên một tảng đá để làm bia mộ. Một người lính khác bị thương trong một trận chiến. Anh nằm lại rừng sâu và trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh kịp khắc lên một khúc gỗ dòng chữ: “Trọn nghĩa, vẹn tình”. Đó chỉ là hai trong số hàng ngàn hình ảnh cảm động về sự hy sinh, tình cảm của người lính tình nguyện Việt Nam với nhân dân các bộ tộc Lào...
(Baonghean.vn) - Người lính tình nguyện trúng đạn ngã xuống bên một khe suối. Bà con các bộ tộc Lào đã chôn cất và đã khắc tên anh bằng tiếng Lào trên một tảng đá để làm bia mộ. Một người lính khác bị thương trong một trận chiến. Anh nằm lại rừng sâu và trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh kịp khắc lên một khúc gỗ dòng chữ: “Trọn nghĩa, vẹn tình”. Đó chỉ là hai trong số hàng ngàn hình ảnh cảm động về sự hy sinh, tình cảm của người lính tình nguyện Việt Nam với nhân dân các bộ tộc Lào...
Có chung đường biên giới với nước bạn Lào, 6 tỉnh Quân khu 4 được xem như những địa phương chiến lược, cũng là nơi khởi nguồn, gắn kết mối tình keo sơn Lào - Việt. Trong kháng chiến, những người lính Liên khu 4 có mặt sớm nhất trên chiến trường Hạ Lào, Trung Lào, Thượng Lào... Bước chân của người chiến sỹ tình nguyện Khu 4 đã in dấu ở nhiều địa phương nước bạn, gắn liền với những trận đánh mang đậm dấu ấn lịch sử tình đoàn kết liên minh Việt – Lào chiến đấu chống kẻ thù chung.
Trung đoàn 101 là một trong 7 đơn vị đầu tiên của LLVT Quân khu 4 (thành lập đầu năm 1947) được cử sang nước bạn Lào sớm nhất, chiến đấu giúp bạn dài ngày nhất cả nước. Các đơn vị tình nguyện thành lập như Đại đội công tác 55, tiểu đoàn 364 (phân khu Bình – Trị - Thiên), Trung đoàn 120 (sau đổi thành Trung đoàn tình nguyện 280 - Liên khu 4) hoạt động chiến đấu tại Trung Lào là những đơn vị tiêu biểu, lập nhiều thành tích xuất sắc, để lại trong lòng người dân bản Lào tình cảm tốt đẹp. Địa bàn hoạt động của các đơn vị Liên khu 4 ở Lào không ngừng được mở rộng, những địa danh như Mường Mô - Xiêng Khoảng, Pắc Xan - Saravan, đường 9 SePon, Xa Muội, Mường Noòng, Tà Ôi (Xavannakhet), Siềng Khọ (Sầm Nưa) ... đều in dấu chân người chiến sĩ tình nguyện, có người đã hy sinh, có người đã bỏ một phần xương máu của mình, để giải phóng các vùng căn cứ địa.
Chiếc tuýp đựng xôi của bà mẹ Lào tiếp tế cho những người lính tình nguyện được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4.
Trong chiến dịch thượng Lào những người tình nguyện và nhân dân Liên khu 4 đã dốc toàn tâm, toàn lực vì Mặt trận chiến trường nước bạn. Chiến dịch này đã huy động hơn 73.000 lượt dân công, vận chuyển hơn 5.000 tấn gạo và hàng nghìn tấn vũ khí vượt qua đèo cao, núi dốc phục vụ kịp thời cho chiến trường đánh thắng, giải phóng hơn 400.000km2 đất và 300.000 dân.
Trong kháng chiến chống Mỹ, tình cảm và trách nhiệm của quân, dân Quân khu 4 với LLVT cách mạng và nhân dân Lào một lần nữa được khẳng định. Hàng vạn người con vùng đất Quân khu 4 đã xung phong nhập ngũ, trong đó nhiều người tình nguyện viết đơn xung phong sang chiến trường Lào, các đơn vị như Đoàn 565, Đoàn 968, Tiểu đoàn 41 Bộ đội địa phương Nghệ An, Tiểu đoàn 42 Bộ đội địa phương Hà Tĩnh, Sư đoàn 324, Sư đoàn 325 cùng nhiều tiểu đoàn công binh, đặc công, binh trạm vận tải... là những đơn vị tình nguyện sang giúp cách mạng bạn giành được những thắng lợi rất ý nghĩa. Nhiều người chiến sỹ tình nguyện đã bám trụ hàng chục năm cùng sống, cùng chiến đấu với bạn, có những người đã thông thạo tiếng nói, phong tục tập quán, địa hình của nước bạn như người con sinh ra tại nơi đây, nhiều bà mẹ Lào coi các anh là con của mẹ. Các mẹ thức hàng đêm, dệt từng tấm khăn, hông nồi xôi mới kịp tiếp tế cho những người lính tình nguyện Việt Nam.
Bên cạnh lực lượng vũ trang, chuyên gia quân sự, còn có hàng chục nghìn TNXP làm nhiệm vụ giúp bạn vận tải chi viện, mở đường ra mặt trận... Nhiều chiến dịch lớn có sự phối hợp chặt chẽ của quân tình nguyện Việt Nam với lực lượng vũ trang Lào đã diễn ra ác liệt mà hào hùng. Sức mạnh chiến đấu bền bỉ, không ngại hy sinh của lực lượng phối hợp hai nước đã làm nên những chiến thắng vang dội như Chiến dịch 128 (ở Trung Lào) năm 1964, Chiến dịch Bôlôven năm 1970, Chiến dịch đường 9 – Nam Lào (chống lại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch) năm 1971, Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng năm 1972 và nhiều trận đánh lớn...
Những năm tháng sống, chiến đấu ở nước bạn là thời gian có nhiều khó khăn gian khổ, mất mát hy sinh, nhưng đã để lại tình cảm nặng nghĩa tình của người lính tình nguyện Việt Nam trong lòng nhân dân nước bạn. Tên tuổi của người lính tình nguyện Việt Nam đã sáng ngời với niềm tự hào sâu sắc về tinh thần dám xả thân vì nghĩa lớn và tình đoàn kết, gắn bó thủy chung với cách mạng Lào.
Đó là anh Lê Thiệu Huy - Tham mưu trưởng Liên quân Việt - Lào, người con quê hương Nghệ Tĩnh đã anh dũng hy sinh khi lấy thân mình đỡ đạn cho Hoàng thân Xuvanuvong trong trận truy quét của địch trên dòng sông Mê Kông năm 1946. Gương hy sinh anh dũng của anh đã thắp sáng hơn ngọn lửa cách mạng, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sỹ Liên quân Lào - Việt chiến đấu.
Là anh Trần Danh Lư - chiến sỹ Trung đoàn 101 đã anh dũng hy sinh trong khi kiên quyết đẩy lùi 5 lần địch càn quét vào vùng giải phóng, bảo vệ nhân dân ở tỉnh Xalavan năm 1954.
Anh hùng Nguyễn Riềng - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968 gắn bó gần cả cuộc đời quân ngũ (từ khi còn là cán bộ đại đội), không ngại gian khổ, khó khăn, thiếu thốn, đói rét, bệnh tật, sẵn sàng làm mọi việc, chấp nhận mọi hy sinh, cùng các cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn giúp bạn tuyên truyền, phát động quần chúng đấu tranh, xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng, củng cố vùng giải phóng... trong kháng chiến chống Mỹ và trong thời kỳ xây dựng đất nước.
Anh hùng Phan Châu Mỹ (Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 33, Đoàn 565), 11 năm liên tục (1964 - 1972) chưa một lần trở lại quê hương, đã sống, chiến đấu trên đất bạn, tham gia 72 trận đánh, nhiều lần bị thương, nhưng quyết tâm không rời trận địa, cùng đơn vị diệt hơn 1.000 tên địch. Nhiều địa danh như Mapôvát, Bàtông, Bôlôven, Kengnhao... được giải phóng đều gắn liền với chiến công xuất sắc của anh.
Nhiều tấm bia mộ của liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam được tìm thấy trên đất bạn Lào
Tại địa bàn tỉnh Xiêng Khoảng, người dân vẫn còn nhớ mãi câu chuyện một người lính tình nguyện Việt Nam bị thương sau trận đánh ác liệt đã thoát khỏi vòng vây của địch và lạc vào rừng sâu. Tuy bị thương phải đối mặt với cái đói, cái khát, nhưng tinh thần anh vẫn lạc quan tin tưởng. Anh lấy khúc gỗ rừng khắc lên chữ “Trọn nghĩa vẹn tình” trước khi trút hơi thở cuối cùng. Sau đó bà con bản Lào đi rừng đã phát hiện anh hy sinh trong tư thế thân ôm khẩu súng AK, tay cầm con dao khắc những nét cuối cùng của con chữ. Bà con dân bản khâm phục trước ý chí, nghị lực, tinh thần lạc quan, tin tưởng, đặc biệt là tình cảm thủy chung của anh với nhân dân Lào, đã chu đáo chôn cất anh cùng khúc gỗ (Sau này Đội quy tập mộ liệt sỹ Bộ CHQS Nghệ An đã cất bốc hài cốt liệt sĩ và đưa khúc gỗ này về trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4).
Một tấm bia mộ ghi bằng tiếng Lào, viết tên liệt sỹ Vi Văn Đức,
hy sinh năm 1953, tại bản Na-leng, Mường Ét, Hủa Phăn, Lào
Có nhiều người lính đã hy sinh thầm lặng mà ở đó tên tuổi của các anh chỉ có người mẹ Lào và bà con dân bản mới biết, bởi sự hi sinh của các anh được bà con dân bản giấu kín trước sự truy lùng, tàn ác dã man của kẻ thù. Trong số gần 300 tấm bia mộ được Đội quy tập mộ liệt sỹ tìm thấy và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4, có rất nhiều bia mộ của người lính tình nguyện ngã xuống trên đất bạn. Những dòng tên, những ký hiệu được ghi, khi trên tấm tôn mỏng ở đáy thùng lương khô, có khi là mảnh xác máy bay, là một tảng đá, hay một tấm bê tông... Có nhiều dòng tên, ngày hy sinh được ghi bằng tiếng Lào. Các anh nằm xuống nơi một dòng suối trong rừng già, nằm xuống bên một con dốc nhỏ giữa đại ngàn hùng vĩ, hay giữa trận địa ác liệt. Có những tấm bia mộ ghi một dòng tên nhưng không có ghi quê quán, có tấm chỉ có một dòng ký hiệu rất khó đoán định, có tấm bia chỉ ghi tên đơn vị. Vì vậy, rất nhiều trong số các liệt sỹ chưa tìm thấy quê, chưa tìm được thân nhân. Nhưng đối với bà con các bộ tộc Lào, thì các anh mãi là người con Việt thân yêu.
Viết Xuân- Thùy Vinh