Chuyện những người vượt qua nghèo đói
(Baonghean) - Những ngày này, về xóm 10, xã Tường Sơn (Anh Sơn), chúng tôi được chứng kiến niềm vui, sự hân hoan trên từng nét mặt của các bà, các chị. Vui vì các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) đang diễn ra sôi nổi, và vui hơn khi Chi hội phụ nữ của xóm vừa được Trung ương hội tặng Bằng khen về thành tích vận động thực hành tiết kiệm, noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
(Baonghean) - Những ngày này, về xóm 10, xã Tường Sơn (Anh Sơn), chúng tôi được chứng kiến niềm vui, sự hân hoan trên từng nét mặt của các bà, các chị. Vui vì các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) đang diễn ra sôi nổi, và vui hơn khi Chi hội phụ nữ của xóm vừa được Trung ương hội tặng Bằng khen về thành tích vận động thực hành tiết kiệm, noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Theo chân Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm 10 Nguyễn Thị Toàn, chúng tôi vào thăm chị Trần Thị Hòe. Hoàn cảnh chị Hòe khá éo le, cuộc sống hôn nhân gặp bất hạnh nên buộc phải chia tay, chị nhận nuôi cô con gái. Để có cái ăn hàng ngày cho hai mẹ con, chị phải xoay xở đủ nghề để kiếm sống. Đầu tắt mặt tối nhưng mẹ con chị vẫn luôn sống trong cảnh đói nghèo. Năm 2012, chị Hòe được Chi hội Phụ nữ đứng ra tín chấp vay 15 triệu đồng để phát triển kinh tế.
Có đồng vốn, chị đầu tư mua lợn giống và xây dựng chuồng trại. Kết hợp với việc chăm bón mấy sào ruộng, đất bãi và nghề tráng bánh đa, thu nhập của chị Hòe ngày càng ổn định và dần dần có tích lũy để nuôi con gái ăn học. Đến nay, con gái chị đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định ở Vũng Tàu, số nợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội chị đã trả gần hết. Ngoài ra, chị còn có đôi bò trị giá 40 triệu đồng và một ít tiền gửi tiết kiệm. Nhưng vui nhất là năm nay chị đã được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của xóm. Chị Hòe phấn khởi: “Được đưa vào danh sách thoát nghèo, tôi rất mừng. Vì bao năm nay luôn thuộc diện hộ nghèo, thật sự nhiều lúc thấy rất ngượng,...”.
Các hội viên Hội Phụ nữ xóm 10, xã Tường Sơn góp gạo tiết kiệm giúp đỡ hội viên khó khăn. |
Rời nhà chị Hòe, chúng tôi tiếp tục đến thăm nhà giáo dân Nguyễn Thị Đính. Gia đình chị Đính trước đây cũng hết sức khó khăn, chồng thường xuyên đau ốm, con bị bệnh bẩm sinh nên cuộc sống luôn nghèo khó, chật vật. Chị phải gồng mình lên với công việc ruộng đồng, nương rẫy nhưng vẫn lâm vào cảnh thiếu thốn đủ bề. Trước hoàn cảnh khó khăn, Chi hội Phụ nữ xóm 10 đã tạo điều kiện để chị được tiếp cận nguồn vốn, từng bước phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Ban đầu, chị được vay 5 triệu đồng, số tiền này dành để mua lợn giống.
Nhờ chăm chỉ, tháo vát nên chị đã chăm sóc đàn lợn phát triển nhanh, giúp trả được nợ và quay vòng đồng vốn, mở rộng quy mô chuồng trại nên đã thoát nghèo từ 2 năm trước. Đến nay, đàn lợn của chị Đính đã lên tới 70 con (cả lợn nái và lợn thịt). Bên cạnh đó, gia đình chị còn mua sắm máy xay xát, làm 8 sào ruộng, 4 sào đất bãi và bỏ làm rẫy. Hàng năm, đàn lợn đã mang lại một khoản thu nhập lớn, giúp vợ chồng chị xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, mua sắm xe máy, máy xay xát, tạo điều kiện để con cái học hành. Lúc trò chuyện, chị Đính hết sức phấn khởi: “Nhờ Chi hội Phụ nữ và cấp trên tạo điều kiện để được vay vốn nên gia đình tôi mới có được như ngày hôm nay, nếu không thì tôi không biết sẽ xoay xở như thế nào”.
Gia đình Chi hội trưởng Nguyễn Thị Toàn 5 năm trước cũng thuộc diện hộ nghèo. Đến năm 2010, chị mạnh dạn vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư vào chăn nuôi. Với bản tính năng động, ham học hỏi nên chị sớm tiếp cận được kiến thức khoa học kỹ thuật và áp dụng vào chăn nuôi. Nhờ đó, đàn lợn, gà của gia đình luôn phát triển khỏe mạnh. Đến nay, chị đã có 15 con lợn, 2 con bò, khoảng 300 con gà, 50 con ngan. Kết hợp với 3 sào ruộng khoán, gần 2 sào đất bãi, gia đình chị Toàn đã có nguồn thu nhập ổn định và cho con theo học đại học. Điều đáng nói là chỉ sau 1 năm vay vốn phát triển chăn nuôi, đến năm 2010 gia đình chị đã thoát khỏi diện hộ nghèo của xóm.
Đến gia đình chị Lê Thị Thập, nhìn cơ ngơi của vợ chồng chị ít ai nghĩ rằng, từ năm 1991 anh chị ra ở riêng với 2 bàn tay trắng. Cuộc sống lúc ấy khó khăn mọi bề, đó là chưa kể những lúc con cái đau ốm phải chạy chữa thuốc thang. Cán bộ Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân đã giúp bằng cách hướng dẫn làm thủ tục và đứng ra tín chấp để chị được vay vốn phát triển chăn nuôi. Với chị Thập, nuôi lợn đã trở thành nguồn thu nhập chính, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Tính riêng năm 2013, chị đã có số tiền gần 500 triệu đồng từ việc bán lợn, dự kiến sắp tới chị tiếp tục xuất chuồng khoảng 40 con lợn thịt. Với số vốn vay ban đầu 5 triệu đồng của Hội Phụ nữ, 20 triệu đồng của Hội Nông dân, không bao lâu sau gia đình chị Thập đã vượt qua đói nghèo và vươn lên làm giàu. Và điều đáng mừng nhất là năm 2013, chị Lê Thị Thập được tôn vinh là Người phụ nữ công giáo yêu nước.
Chi hội Phụ nữ xóm 10 có tổng số 127 hội viên, trong đó 84 hội viên là giáo dân. Cũng như các bản làng khác của xã Tường Sơn, nguồn thu nhập chính của người dân trong xóm không có gì hơn là chăn nuôi và trồng trọt, cuộc sống vẫn chưa hết những khó khăn. Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chi hội thống nhất nêu cao tinh thần thực hành tiết kiệm để xây dựng và phát triển kinh tế gia đình. Các hội viên đi đến thống nhất hình thức “Hũ gạo tiết kiệm” và “Ống tiền tiết kiệm” để phát huy nội lực, tạo lập nguồn vốn để từng bước nâng cao đời sống. Đồng thời, tạo cho chị em có thói quen tiết kiệm, phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Về hình thức “Hũ gạo tiết kiệm”, các hội viên được chia thành từng tổ theo địa bàn cư trú, mỗi hội viên góp 2kg gạo/tháng để giúp đỡ 1 gia đình hội viên khó khăn nhất. Còn hình thức “Ống tiền tiết kiệm” cũng được phân chia theo tổ, mỗi tổ gồm 20 hội viên, mỗi hội viên góp 105 nghìn đồng/tháng. Số tiền này được dùng làm quỹ để tạo điều kiện cho những hội viên gặp khó khăn hay ốm đau, hoạn nạn vay không tính lãi. Và nguồn quỹ này còn được cho vay theo kiểu xoay vòng, luân phiên đến từng hội viên để góp phần phát triển kinh tế gia đình. Hàng tháng, các tổ hội viên đều tổ chức sinh hoạt. Nội dung buổi sinh hoạt là tổng kết hoạt động trong tháng, góp tiền tiết kiệm, bốc thăm vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, kiến thức khoa học kỹ thuật và liên hoan văn nghệ. Trên cơ sở đó, tình đoàn kết gắn bó xóm làng, lương - giáo ngày càng thêm bền vững.
Chị Toàn cho biết thêm, đến hết năm 2013, tổng số tiền tiết kiệm của chị em hội viên trong chi hội đã lên tới 97.500.000 đồng. Trong đó, đã dành 64 triệu đồng để giúp đỡ cho 48 hội viên. Nhờ đó, đã góp phần giúp nhiều hội viên đầu tư sản xuất hiệu quả để thoát nghèo như chị Hòe, chị Đính hoặc trở thành mô hình làm kinh tế giỏi như chị Thập, chị Khanh. Cùng với việc giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, việc sinh hoạt tập thể còn giúp chị em hội viên tự tin hơn trong ứng xử và mạnh dạn tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do cấp trên phát động.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tâm - Chủ tịch Hội LHPN xã Tường Sơn cho biết: “Chi hội xóm 10 đã rất thành công khi đề cao nội dung thực hành tiết kiệm, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy mối đoàn kết cộng đồng, đoàn kết lương - giáo và được Trung ương hội ghi nhận. Chúng tôi đã phát động các chi hội trên địa bàn học tập kinh nghiệm. Và được biết, sắp tới cấp trên sẽ tổ chức phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng mô hình của Chi hội 10”.
Tường Anh