Chuyện ở tổng Thông Lạng

06/09/2014 22:02

(Baonghean) - Về xóm 6 xã Hưng Thông - Hưng Nguyên mà ngỡ đang gặp phố giữa làng. Các đường đi lối lại đều ngăn nắp, sạch đẹp, nhà cửa xây dựng khang trang. Nhìn những ngôi nhà bề thế xuất hiện khá nhiều trong xóm nhỏ này, ít ai nghĩ rằng trước đây cuộc sống vùng này gặp nhiều khó khăn bởi cảnh “chiêm khê mùa thối”. Sự chuyển đổi này là công sức của cả tập thể, của mỗi hộ gia đình, và không thể không kể đến sự đóng góp không nhỏ của những người “đi trước” như ông Võ Xuân Bình…

Ngôi nhà gia đình ông Võ Xuân Bình nằm ở trung tâm xóm 6, xã Hưng Thông, xưa gọi là Láng Thôn, tổng Thông Lạng, quanh năm rợp hoa phi yến vàng, vừa mang nét đài các phố thị, vừa gợi vẻ quê mùa thôn dã. Dẫu ông Bình đã về hưu được hơn hai chục năm, nhưng với bà con dân làng xóm 6, ông Bình thực sự là “địa chỉ tin cậy” mỗi khi “hữu sự”. Bởi ông không chỉ là trụ cột của một gia đình mẫu mực về lối sống, các thành viên đều thành đạt ngoài xã hội, mà còn là một gương điển hình về tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng làng xóm, quê hương.

Ông Võ Xuân Bình trao đổi với phóng viên. Ảnh: Đông Cao
Ông Võ Xuân Bình trao đổi với phóng viên. Ảnh: Đông Cao

Là con thứ 4 trong một gia đình có 5 anh chị em, bố là ông Võ Xuân Lựu – một lão thành cách mạng, từng trực tiếp tham gia vào các cuộc biểu tình ở Hưng Nguyên vào thời kỳ phong trào cách mạng 1930-1931 phát triển thành cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh. Từ nhỏ ông Võ Xuân Bình (SN 1943) đã được bố rèn dạy về tinh thần trách nhiệm của người công dân với xã hội, mà trước hết là với làng xóm, với quê hương. Năm 1962, ông Bình đi học Trường Trung cấp Hóa chất ở Lâm Thao, Phú Thọ.

Tháng 7/1965 theo lệnh tổng động viên, chàng thanh niên Võ Xuân Bình hăng hái rời ghế nhà trường vào quân ngũ. Được tin tưởng giao phó làm phụ trách chính trị đại đội, rồi Trung đoàn phó phụ trách công tác chính trị của Trung đoàn Tên lửa 251 (nay là Trung đoàn 282), Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không. Năm 1989, trước khi về hưu, ông là trợ lý phòng Chính sách Quân cục Chính trị quân chính. Ở cương vị nào, nhiệm vụ nào, ông Bình cũng hăng hái, trách nhiệm. Khi đã về hưu tinh thần và nhiệt huyết đó tiếp tục được phát huy, ông có nhiều đóng góp hữu ích cho các phong trào xây dựng phong trào ở làng quê.

Ông Cao Đình Đông, người dân xóm 6, Hưng Thông cho biết: “Trong làng ai cũng mến ông Bình. Cứ nhìn hình ảnh cây đa đầu làng đang tỏa bóng xanh mát là ai cũng nghĩ đến ông Bình”. Câu chuyện mà bây giờ ở trong xóm ai cũng nhớ, đó là vào những năm 2009, 2010… cũng như nhiều vùng quê khác, vì một số lý do mà ở xóm 6 xã Hưng Thông có tình trạng người dân “chê” ruộng. Không những thế, chỉ trong một xóm nhỏ 105 hộ mà người ta đã để hoang hóa 2 cánh đồng có thể trồng rau màu: đồng làng Rải và đồng Tu. Tháng 3/2012, với tư cách là Bí thư Chi bộ xóm 6, ông Bình đã bàn với các đồng chí trong chi bộ về việc không cho đất nghỉ. Được sự đồng tình cao trong chi bộ và sự đồng thuận của người dân, đầu vụ hè thu 2012, Chi bộ xóm 6 ban hành nghị quyết về việc tiến hành khai hoang phục hóa đất đồng Rải và đồng Tu. Ngay sau đó, đồng Rải và đồng Tu đã xanh lại hoa màu, mùa nào thức ấy, khi thì trồng ớt, khi thì trồng vừng. Hoa màu cho thu hoạch, bà con lại nhớ đến công của người Bí thư chi bộ đã có cái nhìn, cách nghĩ đúng đắn, đem lại hoa lợi cho dân.

Bên cạnh đó, ông Bình còn là “cánh chim đầu đàn” trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khối xóm. Ông Lê Văn Thìn – cán bộ văn hóa UBND xã Hưng Thông kể: Trước đây, Nhà văn hóa xóm 6 bị xuống cấp, ít được đưa vào sử dụng. Từ khi trở thành cấp ủy rồi Bí thư Chi bộ xóm 6, ông Bình đã đứng ra tập hợp, vận động nhân dân góp công sức, tiền của để sửa sang, phục dựng, trang trí khánh tiết, kẻ vẽ khẩu hiệu… Ông còn huy động sức dân làm sân chơi thể thao. Từ đó, nhà văn hóa trở nên khang trang, không chỉ là nơi sinh hoạt chi bộ, họp xóm, mà còn là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng ấm cúng, nề nếp. Dân làng có nơi để tập trung chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày và tổ chức giao lưu thi đấu vào các ngày lễ, tết.

Với mỗi người dân xóm 6, xã Hưng Thông, hàng ngày đi qua con đường lớn rẽ về ngõ xóm đều cảm thấy vui và ấm áp khi ngắm nhìn hình ảnh cây đa đầu làng đang vươn lên xanh tốt. Ngắm cây đa đó, ai cũng nhớ công của ông Bình. Với mong muốn góp phần tô điểm hình ảnh làng xóm, ông Bình đã kỳ công đi mua cây đa về ươm ở nhà mình, đến khi cao 1.7m thì ông đem tặng xóm. Để mọi người đều có ý thức gìn giữ, ông vận động mỗi gia đình đóng góp ít kinh phí mua vật liệu xây bao quanh gốc đa làng, trực tiếp tham gia xây bờ bao, đổ đất thành vòm rộng quanh gốc đa. Cách làm đó giúp mỗi người đều nhận thức được đó là công của chung và có ý thức gìn giữ.

Ông Võ Xuân Bình còn là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa. Lập gia đình với cô giáo Trần Thị Lan (SN 1950) vào năm 1976, khi ông còn tại ngũ, thương vợ vất vả nhiều năm liền “một nách hai con” trong hoàn cảnh chồng công tác xa, kinh tế khó khăn, năm 1989, ngay sau khi về hưu ông đã mượn thêm ruộng để làm, giúp vợ chăn nuôi thêm lợn đẻ, lợn thịt, gà, vịt… Đến nay, hai người con của ông bà đều đã trưởng thành. Con trai là Võ Văn Sơn (SN 1978) hiện là cán bộ ngành Tài nguyên - Môi trường, con gái là Võ Thị Trà (SN 1981) cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Ông Bình tâm sự: Niềm vui lớn của tôi bây giờ là các con cháu đều chăm ngoan, ý thức phấn đấu tốt. Bốn con dâu, rể đều là đảng viên. Xóm làng còn cần đến thì tôi sẽ hết sức hết lòng vì việc chung.

Đức Dương

Mới nhất
x
Chuyện ở tổng Thông Lạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO