Chuyện sẻ chia giọt máu hồng ở vùng biên

14/09/2014 17:02

(Baonghean) - Lần đầu tiên, huyện biên giới Kỳ Sơn tổ chức hiến máu nhân đạo. Thị trấn Mường Xén đã trở thành trung tâm của ngày hội lớn khi đồng bào các dân tộc Thái, Khơ mú, Mông từ các bản, làng xa xôi và các cán bộ, đảng viên, nhân viên các cơ quan trên địa bàn huyện cùng nhau hào hứng đi hiến máu, cứu người.

(Baonghean) - Lần đầu tiên, huyện biên giới Kỳ Sơn tổ chức hiến máu nhân đạo. Thị trấn Mường Xén đã trở thành trung tâm của ngày hội lớn khi đồng bào các dân tộc Thái, Khơ mú, Mông từ các bản, làng xa xôi và các cán bộ, đảng viên, nhân viên các cơ quan trên địa bàn huyện cùng nhau hào hứng đi hiến máu, cứu người.

Dù lễ hội hiến máu nhân đạo diễn ra vào ngày 10/9, nhưng từ trước đó nhiều ngày, bản Hin Pén, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn đã cùng nhau bàn tán sôi nổi. Với những người Khơ mú, lâu nay, khi đau ốm, bệnh tật, họ rất sợ chuyện phải đi bệnh viện, chứ chưa nói đến việc cho người khác “đâm kim vào người rồi rút máu mình”. Sau một thời gian vận động nhưng không có kết quả, Trưởng bản Cụt Phò Anh quyết định tự đăng ký mình vào danh sách đầu tiên. Thấy vậy, một số người khác trong bản cũng cảm thấy yên tâm, tin tưởng và bắt đầu đăng ký ra Thị trấn Mường Xén để dự lễ hiến máu. Trong tập tục của người Khơ mú, mỗi bữa ăn đều không thể thiếu được chén rượu, nhưng để chuẩn bị cho việc đi hiến máu, anh Cụt Phò Anh, Xeo Văn Bích và một số người khác đã tuyệt đối không uống rượu, ăn cơm no và đi từ bản Hin Pén ra thị trấn rất sớm.

Đến nơi, đã thấy rất nhiều người dân tộc Kinh, Thái, Khơ mú, Mông ở các bản, làng xa xôi cũng có mặt tại Nhà Văn hóa Việt - Lào để đăng ký hiến máu nhân đạo. Sau những phút đầu cảm thấy lo lắng, bỡ ngỡ, anh Xeo Văn Bích mạnh dạn bước vào khu vực lấy máu xét nghiệm, khi được các tình nguyện viên của chương trình tư vấn rằng: “Hiến máu là để cứu người bị bệnh, không nguy hiểm mà còn có lợi cho sức khỏe, giúp các thành phần trong máu được trẻ hoá, nâng cao sức đề kháng, chống bệnh tật. Hiến máu nhiều lần giảm nguy cơ ứ đọng sắt và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, rất có lợi đối với người có quá nhiều hồng cầu, sắt và lượng máu đặc. Hiến máu là cách tự kiểm tra và giám sát sức khoẻ của mình”. Cùng chung tâm trạng như hai người đàn ông ở bản Hin Pén, anh Vừ Bá Xử, 34 tuổi, dân tộc Mông ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống cũng đã rất phân vân, bởi quan niệm của người Mông rất kiêng kỵ khi cho máu, sợ “con ma của người bệnh được nhận máu sẽ ám vào mình”. Thế nhưng, khi đến Trung tâm Văn hóa huyện, chứng kiến các chiến sỹ công an, cán bộ UBND huyện cũng như người dân ở các xã Phà Đánh, Mỹ Lý, Mường Típ, Mường Ải,... cùng nhau cười nói vui vẻ, sẵn sàng vào khu vực lấy máu xét nghiệm để hiến máu, thì anh Xử bớt căng thẳng.

Đồng bào các dân tộc Thái, Khơ mú, Mông (Kỳ Sơn) hiến máu nhân đạo.
Đồng bào các dân tộc Thái, Khơ mú, Mông (Kỳ Sơn) hiến máu nhân đạo.

Tay cầm cốc nước gừng, chậm rãi uống từng ngụm, ông Vừ Nỏ Xử, 45 tuổi, người dân tộc Mông, Phó Chủ tịch UBND xã Na Ngoi động viên một cô gái ngồi bên cạnh mình. Ông Xử cho biết, trước đây, ông cũng như những người trong bản rất sợ và kiêng kỵ chuyện cho máu, nhưng khi được tham gia các khóa học ở TP. Vinh cũng như ở Thị trấn Mường Xén, ông hiểu được lợi ích của việc hiến máu cứu người. Khi nghe tin Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp với Huyện đoàn Kỳ Sơn và Trung tâm Truyền máu huyết học tỉnh tổ chức ngày hội hiến máu nhân đạo, ông Xử là người tham gia đầu tiên. Không những thế, ông còn động viên người thân trong gia đình và các cán bộ UBND xã Na Ngoi cùng đi dự ngày hội hiến máu để biết được “việc cho máu không nguy hiểm chi, mà còn có lợi cho sức khỏe mình và giúp ích được cho nhiều người”.

Cán bộ Trung tâm Truyền máu - Huyết học tỉnh bảo quản máu.
Cán bộ Trung tâm Truyền máu - Huyết học tỉnh bảo quản máu.

Khu vực lấy máu được bố trí trang trọng ngay tại sân khấu chính của hội trường, dưới Quốc huy, Quốc kỳ và bức tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khiến cho nghĩa cử của bà con dân bản càng trở nên đẹp hơn, ý nghĩa và thiêng liêng. Bên cạnh người dân các bản, làng vùng biên giới lần đầu tiên ra thị trấn để hiến máu nhân đạo, thì còn có rất nhiều cán bộ UBND huyện Kỳ Sơn và các đơn vị như công an, quân sự, đài truyền hình, kiểm lâm, hải quan,... Sau khi ngồi vào ghế lấy máu, bà Cụt Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội hiến máu nhân đạo huyện tâm sự rằng, đây là lần đầu tiên ở Kỳ Sơn tổ chức ngày hội hiến máu. Ban đầu, nhiều người lo lắng sẽ khó thành công, bởi nhiều bản, làng của người Khơ mú, Mông và Thái vẫn có những quan niệm kiêng kỵ, không dám cho người khác máu. Mặc dù vậy, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, cũng như có các chương trình tuyên truyền, cổ động hợp lý và sự tư vấn trực tiếp của các bác sỹ thì chương trình lại nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người.

Trong ngày hội hiến máu, Công an huyện Kỳ Sơn là đơn vị tham gia đông đảo nhất khi có tới 30 người gồm lãnh đạo đơn vị và chiến sỹ cùng đăng ký tham gia. Thượng tá Tô Văn Hậu - Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn khẳng định: “Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, cần nhân rộng và tiếp tục tổ chức nhiều đợt hơn nữa. Các cán bộ, chiến sỹ của công an huyện Kỳ Sơn luôn sẵn sàng đồng hành cùng những ngày hội hiến máu nhân đạo”. Ngày hội hiến máu ở Kỳ Sơn đã chứng kiến hình ảnh bố con, vợ chồng, anh chị em ruột cùng nhau đi hiến máu. Anh Lang Thanh Lương - cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Sơn và vợ Lê Thị Thanh Sâm ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ cho biết, khi nghe tin có chương trình, cả hai vợ chồng gửi con lại cho ông bà, cùng nhau đi đăng ký hiến máu. “Kết quả xét nghiệm đều đạt chuẩn, cả hai đều được lấy máu nên chúng tôi rất vui. Mình là cán bộ, đảng viên thì phải gương mẫu, đi đầu để bà con dân bản tin tưởng, hiểu và làm theo”, anh Lương tâm sự. Theo số liệu thống kê của ông Hoa Phò Nhơn - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kỳ Sơn, có hơn 70 người dân tộc Khơ mú, Mông, Thái ở các bản đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn đi tham gia hiến máu. Để đến được Thị trấn Mường Xén, nhiều người phải đi bộ từ bản ra trung tâm xã rồi bắt xe lai ra thị trấn. Nhiều người phải đi trước đó cả ngày trời cho kịp thời gian. UBND huyện đã hỗ trợ 200 ngàn đồng tiền đi lại cho những người ở các bản xa xôi. Số tiền này không đủ để người dân đi xe lai hoặc nghỉ trọ, ăn uống ở thị trấn, nhưng ai cũng cảm thấy vui vì được góp sức mình để hiến máu cứu người.

Lâu nay, Kỳ Sơn đang là vùng trũng của tỉnh về hệ thống hiến máu nhân đạo. Địa phương này cũng chưa xây dựng được ngân hàng máu sống để sẵn sàng truyền máu cứu người trong trường hợp khẩn cấp. Chính vì vậy, tinh thần tình nguyện, sẵn sàng hiến máu cứu người của cán bộ và người dân ở đây thực sự khiến những người làm chuyên môn cảm thấy yên tâm. Anh Nguyễn Tâm Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Trung tâm truyền máu huyết học tỉnh, phó đoàn công tác tại huyện Kỳ Sơn cho biết, tại ngày hội hiến máu, đã có hơn 330 người đăng ký xét nghiệm, hiến máu. Trung tâm đã lấy được 250 đơn vị máu chất lượng tốt. Tỷ lệ lấy máu đạt trên 80%, cao hơn mức của một số huyện đồng bằng. Sau khi hoàn thành việc lấy máu, Trung tâm huyết học và truyền máu tỉnh sẽ hoàn thiện việc xây dựng đội hiến máu dự bị, với đầy đủ danh sách, tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, nhóm máu và bàn giao cho huyện Kỳ Sơn để Bệnh viện Đa khoa huyện có thể chủ động phần nào được nguồn máu trong những ca bệnh khẩn cấp”.

Bài, ảnh: Nguyên Khoa

Mới nhất
x
Chuyện sẻ chia giọt máu hồng ở vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO