Chuyến thăm "lịch sử và đúng lúc" của Tổng Bí thư

07/07/2015 08:20

(Baonghean) - Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt về kinh tế áp đặt lên Việt Nam kể từ năm 1975.

Tròn 2 thập niên trôi qua, mối quan hệ giữa 2 quốc gia từng được mệnh danh là “cựu thù” trong cuộc chiến tranh tàn khốc đã có những chuyển biến đáng kể. Một trong những minh chứng cho luận điểm này là chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ từ hôm nay (7/7) nhằm đánh dấu sự kiện kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ. Đây là chuyến công du được đánh giá là “mang tính lịch sử và đúng lúc”, và thực sự là một bước ngoặt trong quan hệ song phương giữa 2 quốc gia từng ở 2 đầu chiến tuyến 40 năm trước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi họp báo trước khi bắt đầu chuyến thăm Mỹ. Ảnh: AP
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi họp báo trước khi bắt đầu chuyến thăm Mỹ. Ảnh: AP

Hãng tin Bloomberg cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay sẽ tiếp đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục, nơi dành riêng để đón tiếp nguyên thủ quốc gia và nhân vật đứng đầu chính phủ các nước. Tờ The Diplomat đưa ra nhận định rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa từng có tiền lệ vì nó đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tới thăm Mỹ trong khuôn khổ chính thức. Tất cả đều cho thấy sự mong đợi và quan tâm sát sao đến diễn biến chuyến thăm này của báo giới không chỉ trong mà cả ngoài nước.

Có thể thấy rằng, sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Washington và gặp gỡ Tổng thống Obama phần nào thể hiện sự công nhận của Mỹ đối với vai trò của Đảng Cộng sản trong hệ thống chính trị của Việt Nam và mong muốn tiếp tục sự can dự sâu hơn giữa 2 nhà nước. Chuyến thăm lần này còn có ý nghĩa cao hơn bởi nó là tiền đề cho các chuyến thăm khác trong tương lai của các nhà lãnh đạo Đảng.

Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ưu tiên các quan hệ với Mỹ “như một trong các đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại”, và tận dụng chuyến thăm để bàn thảo các vấn đề gồm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hợp tác an ninh và biến đổi khí hậu. Trong khi đó, phía Nhà Trắng cho biết nội dung thảo luận của Tổng thống Obama là các cách nhằm tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt, bên cạnh việc đề cập đến hiệp ước thương mại nói trên, cũng như vấn đề nhân quyền và hợp tác quốc phòng song phương.

Trước khi rời Việt Nam lên đường sang thăm Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ hy vọng xây dựng lòng tin và tạo ra thêm các cơ hội để cải thiện quan hệ giữa 2 nước. Hai nước cũng được đánh giá là đã xích lại gần nhau hơn do có chung quan ngại về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đồng chí Tổng Bí thư nhận định, không chỉ riêng Việt - Mỹ mà bất cứ quan hệ nào trên thế giới đều có những khác biệt trong nhiều vấn đề chẳng hạn như nhận thức về dân chủ, nhân quyền và thương mại. Trên cơ sở nhận thức đó, đồng chí nhấn mạnh để hóa giải những khác biệt này, cách hiệu quả nhất là thông qua các đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng nhằm thấu hiểu lẫn nhau, tránh để cho khác biệt trở thành rào cản trong quan hệ song phương nói chung.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến sân bay quân sự Andrews ngày 6.7 - Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến sân bay quân sự Andrews ngày 6.7 - Ảnh: TTXVN

Các quan chức Mỹ háo hức muốn nâng các quan hệ với Việt Nam vốn hiện đang ở mức thân thiện nhưng chưa thật sự mật thiết, lên một tầm cao mới. Hãng thông tấn AP của Mỹ nhận định do vai trò địa chính trị và kinh tế, Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong chính sách “xoay trục” sang châu Á của Obama.

Cả Việt Nam và Mỹ đều đang tìm cách tăng cường mối quan hệ giữa 2 nước để đối phó với những thách thức về mặt kinh tế và chiến lược.

Theo thống kê, thương mại song phương Việt-Mỹ đã tăng từ 451 triệu USD vào năm 1995, tức năm đầu tiên bình thường hóa quan hệ lên 36 tỷ USD vào năm 2014. Đây là một con số ấn tượng và đại diện cho những nỗ lực của cả 2 phía trong lĩnh vực hợp tác kinh tế.

Rõ ràng hiện nay cả 2 nước vẫn đang nỗ lực hơn nữa để tìm cách xây dựng các quan hệ kinh tế chặt chẽ, dù Việt Nam đã vượt Malaysia và Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ. Hai nước cũng tìm cách cùng hưởng lợi từ TPP, hiện đang trong giai đoạn đàm phán để tiến tới ký kết.

Như vậy, những động cơ về kinh tế đã thôi thúc Việt - Mỹ tiến tới bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh vào 20 năm trước, và cho đến nay, chúng vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng cường quan hệ hợp tác giữa 2 nhà nước.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định, các lợi ích của Mỹ và Việt Nam đã xích lại gần nhau hơn kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi năm ngoái và mới đây là hoạt động cải tạo các bãi đá và xây dựng đảo nhân tạo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông đã vi phạm luật pháp quốc tế và phương hại đến hòa bình, ổn định trong khu vực, ảnh hưởng đến tự do hàng hải, từ đó có thể gây tổn hại cho lợi ích của các quốc gia trong và ngoài khu vực, bao gồm cả Việt Nam và Mỹ. Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam và Mỹ tìm cách xích lại gần nhau do có chung quan ngại đối với thái độ hung hăng của Trung Quốc là điều hợp lý lẽ thông thường. Trên phương diện hợp tác chiến lược, phía Mỹ hiện đang cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra, vốn là một phần trong gói viện trợ quân sự trị giá 18 triệu USD.

Nói về vấn đề này, Đồng chí Tổng Bí thư cho biết: “Chúng ta đều nhận thức được vị trí chiến lược của Biển Đông. Tôi hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng tiếng nói và các hành động thích hợp để góp phần giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Ông Ernest Bower, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhấn mạnh chuyến thăm của Tổng Bí thư là “mang tính lịch sử và đúng lúc” và nhằm gỡ bỏ những rào cản về lòng tin. Ông nói: “2 nước sắp sửa bước vào một kỷ nguyên hợp tác mới sâu sắc hơn trong các lĩnh vực chẳng hạn như an ninh, chính trị và ngoại giao. Lãnh đạo 2 nước phải phát triển một cấp độ tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Đó là nội dung quan trọng của chuyến thăm này”.

Về sự kiện bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Cựu Tổng thống Bill Clinton hôm 2/7 mới đây đã miêu tả đó là “một trong những thành tựu quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống” của ông. Chuyến thăm lần này của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là dấu hiệu cho thấy sự tiến triển nhanh chóng và tích cực trong quan hệ Việt - Mỹ kể từ khi chiến tranh khép lại, đồng thời cũng làm nổi bật tầm quan trọng của mối quan hệ song phương này đối với từng quốc gia. Một thông điệp mà Việt Nam muốn gửi gắm qua sự kiện ngoại giao này, hay cũng chính là quan điểm trong đường hướng đối ngoại của nước ta, đó là: “Việt Nam muốn làm bạn và đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia trên thế giới”.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Chuyến thăm "lịch sử và đúng lúc" của Tổng Bí thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO