Chuyện tình dưới chân núi Đại Huệ
(Baonghean)- Dưới dãy núi Đại Tuệ, thuộc xóm 9, xã Nam Anh (
Hai mảnh đời éo le
Lúc còn là cậu bé học sinh lớp 5, Lê Văn Nhã (sinh năm 1977)bị ngã từ cây ổi xuống đất và bị thương nặng. Hoàn cảnh gia đình nghèo túng, không có điều kiện chạy chữa nên đôi chân của anh bị teo cơ và tê liệt hoàn toàn. Tuy vậy, Nhã vẫn quyết tâm không từ bỏ con đường học tập. Thương con, bất kể mưa to, nắng gắt, bố mẹ anh hàng ngày thay nhau cõng con đến lớp với niềm hy vọng cái chữ sẽ giúp cuộc đời của đứa con tật nguyền bớt khổ. Nhưng rồi, con đường học tập của Nhã phải dừng lại ở lớp 9, không có điều kiện học tiếp THPT. Bởi lẽ, gia đình vốn đã nghèo khó, trường học lại ở xa nên bố mẹ không còn đủ sức để hàng ngày cõng anh đến lớp.
Đến năm 25 tuổi (năm 2002), thương Nhã phải di chuyển quá vất vả, người chú ruột đã mua tặng anh một chiếc xe lăn, giúp anh di chuyển được xa hơn, đỡ tốn sức lực hơn và thêm phần tự tin trong cuộc sống. Lúc này, hoàn cảnh gia đình cũng đã đỡ phần vất vả hơn nên bố mẹ Nhã quyết định cho anh xuống Thành phố Vinh học nghề sửa chữa điện dân dụng.
Xong khóa học, Nhã trở về mở quán hành nghề sửa chữa đồ điện dân dụng. Đôi chân bị tật nguyền nhưng bù lại Nhã có đôi tay rất khéo léo. Các loại ti vi, quạt điện, nồi cơm điện... bị hỏng hóc, qua đôi bàn tay anh chúng trở lại hoạt động bình thường. Bằng sự khéo léo ấy, Nhã đã xây dựng được cho mình uy tín và "thương hiệu" đối với bà con nhân dân trong vùng.
Hạnh phúc bình dị của anh Lê Văn Nhã và chị Ngô Thị Mai
Số phận chị Ngô Thị Mai (sinh năm 1976) cũng chẳng may mắn hơn. Lúc mẹ vừa sinh ra, chị đã nhỏ yếu. Học xong lớp 9, bố mẹ chị buộc lòng để con gái mình phải nghỉ học giữa chừng vì đường xa, sức chị lại yếu sợ không thể gánh nổi.Một ngày, bỗng thấy chân tay sưng vù, chị được đưa đến bệnh viện, các bác sỹ cho biết chị bị thấp tim và sau đó bị suy tim nặng. Các bác sỹ khuyên, để đảm bảo an toàn tính mạng, chị không nên lập gia đình và sinh con. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, chị Mai quyết định mở một quán nhỏ để bán hàng tạp hóa.
Và một mái ấm
Trong hoàn cảnh ấy, anh Nhã và chị Mai tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên với mục đích bớt đi phần nào sự tẻ nhạt, buồn chán. Tham gia sôi nổi các hoạt động, mở rộng các mối quan hệ giao lưu nên hai người đã gặp gỡ nhau. Người xưa thường nói "đồng bệnh tương liên" (những người có cùng hoàn cảnh đau khổ thường dễ có lòng cảm thông, chia sẻ), từ sự gặp gỡ ban đầu, anh Nhã, chị Mai trở nên gắn bó và thường xuyên trao đổi tâm tình. Tình cảm của anh chị được bạn bè vun đắp ngày càng trở nên thắm thiết và họ quyết định cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình.
Trước quyết định của con trẻ, bố mẹ hai bên đều tỏ ra băn khoăn, thậm chí phản đối. Cũng không có gì khó hiểu, bởi lẽ con mình yếu đuối, tật nguyền, lấy người cùng cảnh ngộ sẽ càng trở nên khó khăn, vất vả, khó đảm bảo được cuộc sống tương lai. Anh chị kiên trì thuyết phục gia đình và chứng minh rằng tình yêu của mình thật sự chân thành và đảm bảo chung sống hạnh phúc. Trước quyết tâm của các con, cuối cùng hai bên gia đình đã đồng thuận. Đầu Xuân năm 2007, đám cưới của anh Nhã - chị Mai được tổ chức. Hôn trường chật ních người đến mừng hạnh phúc.
Đến bây giờ đã hơn 5 năm nhưng nhiều người ở xã Nam Anh vẫn còn nhớ như in hình ảnh cô dâu bước ra từ xe hoa, bên cạnh là chú rể trên chiếc xe lăn cùng tiến vào hôn trường trong tiếng vỗ tay, reo hò của tất cả mọi người. Và tình yêu của hai con người có số phận thiếu may mắn ấy đã đơm hoa, kết trái khi gần một năm sau một bé trai cất tiếng khóc chào đời. Hai bên gia đình đều vỡ òa niềm vui... Cậu bé được anh chị đặt tên là Lê Văn Lực với mong muốn con trai mình sẽ khắc phục được những khiếm khuyết về sức khỏe của bố mẹ.
Thường ngày, anh Nhã cặm cụi bên mấy thứ đồ điện hỏng hóc. Chị Mai tất tả với đàn gà, vịt và mấy luống rau. Anh em nội ngoại giúp anh chị làm thêm 2 sào lúa. Nhờ siêng năng nên cuộc sống hai vợ chồng cũng chẳng đến nỗi nào. Hàng tháng, anh Nhã còn được nhận tiền hỗ trợ cho người khuyết tật. Biết vợ yếu, anh cố gắng đỡ đần nhiều việc, từ cơm nước, tưới rau đến chăm sóc gà, vịt. Mùa Xuân này, anh chị đón thêm một niềm vui khi được dự án Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật hỗ trợ một số tiền để sửa sang, nâng cấp căn nhà nhỏ. Đồng thời, anh chị còn được tham gia chương trình "Vượt lên chính mình" và giành được 31 triệu đồng
Anh Nhã tâm sự: "Hiện tại cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Các loại đồ điện bây giờ chất lượng rất tốt, không mấy khi bị hỏng hóc nên công việc và thu nhập ngày một ít đi. Sắp tới chưa biết tìm một việc gì khác thích hợp hơn để đảm bảo chi tiêu của gia đình". Cũng như tất cả các bậc làm cha, làm mẹ, khi được hỏi về niềm mong ước lớn nhất, anh Nhã và chị Mai đều trả lời: "Mong ước lớn nhất của chúng tôi là con luôn khỏe mạnh, học hành đến nơi đến chốn để cuộc sống tương lai đỡ vất vả!".
Công Kiên