Chuyện từ bức tranh vẽ Bác

19/05/2014 16:31

(Baonghean.vn) - Thể hiện hình tượng Bác Hồ, đã có nhiều tên tuổi lớn như danh họa Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, Nguyễn Minh Đính, họa sỹ thương binh Lê Duy Ứng, họa sỹ Huy Oánh, Đào Đức...có một họa sỹ ít tên tuổi hơn, lặng lẽ cùng những trang báo suốt bao năm qua, nhưng vẽ về Bác cũng là một niềm yêu kính, thôi thúc của ông. Trong số nhiều tác phẩm ông đã thực hiện, bức tranh cổ động “Luận cương Lênin đến với Bác Hồ” đã đoạt giải Nhất tại cuộc thi tranh cổ động toàn quốc năm 1979. Đó là nhà báo - hoạ sỹ Nguyễn Minh Thông.

Mong ước tuổi trẻ

Tác giả quê ở Thái Hoà (Nghĩa Đàn), vùng đất đỏ bazan với khá nhiều cảnh đẹp và là vùng cây công nghiệp lớn của tỉnh. Từ nhỏ, một kỷ niệm đã đi theo mãi và trở thành ước mong của cậu Thông lúc bấy giờ: được gặp Bác Hồ bằng xương, bằng thịt. Đó là năm 1961, đúng dịp Bác về thăm quê lần thứ 2, cậu Thông cũng mới vừa lên 8 tuổi, lứa tuổi đang hồn nhiên với câu hát “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng thiếu niên nhi đồng...”. Bởi vậy, nghe tin Bác về thăm Nông trường Đông Hiếu, cậu Thông đã chạy theo các chú, các bác vượt hơn 8 km để được nhìn thấy Bác. Nhưng rồi hàng ngàn người dân từ các xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Thuận, Thái Hoà đổ về... ai cũng muốn được gặp Bác, được thấy Bác, cậu không thể chen vào nổi nên chỉ có thể nghển cổ nhìn theo khi máy bay lên thẳng cất cánh.

Cậu đã tiếc rẻ ra về cộng thêm một khao khát: làm sao được thấy Bác “thật” đây? Cô giáo Minh chủ nhiệm lớp 2 của Thông lúc đó động viên: Em muốn được gặp Bác thì phải phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ cấp tỉnh để được đi Hà Nội. Vậy là Thông cố gắng thật ngoan, học thật tốt, tham gia tích cực công tác Đội, lại có thêm năng khiếu từ nhỏ nên lớp 4 đã xung phong vẽ báo tường cho lớp. Bởi vậy, năm 1964, cậu trò nhỏ Minh Thông vinh dự cùng mấy bạn trong trường được xuống tận Vinh tham dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ cấp tỉnh. Những năm sau, cậu vẫn liên tục phấn đấu đạt học sinh giỏi. Có lần, sáng kiến dùng pin cũ làm chuông điện báo của cậu đã được đưa về tỉnh triển lãm đồ dùng dạy học.

Năm 1971, cậu học trò năm xưa trở thành anh bộ đội, nhưng Bác đã đi xa, ước mong hồi bé không thực hiện được nữa rồi. Lòng yêu kính Bác thôi thúc anh vẽ bức tranh về Bác đầu tiên trong đời vào năm 1975, nhân dịp Đại thắng mùa Xuân để tặng đơn vị. Đó là bức chân dung Người cao trên 2 mét đang giơ tay chào vẽ bằng sơn trên nền vải. Điều thú vị là cho đến nay, qua 39 năm, bức tranh vẫn được lưu giữ cẩn thận tại Ban CH Quân sự Nghĩa Đàn mà chưa qua một lần phục chế.

Chàng sinh viên không dám...nhận giải

Đi tiếp ước mơ của mình từ nhỏ, sau khi ra quân, anh thi vào trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội năm 1977. Đến năm 1979, khi đang là sinh viên năm thứ 2, (vào quãng tháng 3 năm 1979), nghe tin Bộ Văn hoá phát động cuộc thi vẽ tranh cổ động toàn quốc với chủ đề về Bác, anh quyết tâm tham gia. Nhiều ngày nghiền ngẫm trong thư viện, anh nhận thấy Bác có nhiều công lớn trong cuộc đời hoạt động của mình: Thành lập Đảng, đưa vị thế Việt Nam ra trường quốc tế, giáo dục, bồi dường một thế hệ cách mạng... mà trong đó việc tìm ra con đường cứu nước là cực kỳ quan trọng. Bác đã tìm thấy Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin đăng trên tờ Le Paria, và Người đã sung sướng đến phát khóc. Chàng sinh viên Minh Thông đã mạnh dạn đưa chủ đề này lên tranh của mình với bốn câu thơ của Chế Lan Viên trong bài “Người đi tìm hình của nước”: Luận cương đến Bác Hồ,và Người đã khóc... Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi. Hình của Đảng lồng trong hình của nước, phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười.” Có lẽ, cho đến thời điểm đó, mới chỉ có anh là người đầu tiên đưa thơ vào tranh cổ động, và đó cũng chính là sự độc đáo của tác giả trẻ này. Sau đó, anh gửi dự thi cùng với 3 tác phẩm nữa, và ... hồi hộp chờ, mặc dầu không hy vọng lắm.

Tác giả Nguyễn Minh Thông và bức tranh
Tác giả Nguyễn Minh Thông và bức tranh "Luận cương Lê Nin đến với Bác Hồ"

Điều kỳ diệu đã đến khi tác giả trẻ Minh Thông trúng giải, mà lại là giải cao nhất, và không chỉ một giải, bởi tác phẩm “Bác là Bác Hồ Chí Minh” đoạt tiếp giải Nhì. Đến ngày nhận giải, tại phòng họp trang trọng của Xưởng tranh cổ động T.Ư, trong bộ quân phục xanh màu đã úa, chàng sinh viên lấp ló mãi bên ngoài mà không dám vào nhận giải vì thấy trong đó toàn những người bậc cha, bậc chú như Đào Đức, Trần Văn Cẩn, Trần Tía, Văn Giáo, Huy Oánh... Đến khi Ban tổ chức xướng tên, các bậc tiền bối lại có đến 2 lần ngơ ngác khi thấy một cậu sinh viên hãy còn “măng sữa” liên tiếp lên nhận cả 2 giải cao nhất, mặt đỏ bừng đến tận mang tai. Ngay sau đó, báo Nhân Dân đã phỏng vấn anh về cảm tưởng khi vẽ Bác, tác giả còn mở đầu rằng “Thưa các ông, các bác, các chú...” làm mọi người cười ồ lên.

Hai tác phẩm và những hành trình khó quên

Như vậy là trong triển lãm năm ấy, tác giả Minh Thông có đến 2 giải thưởng. Tác phẩm “Luận cương Lênin đến với Bác Hồ” đoạt giải Nhất. Đây là một bức tranh cổ động được vẽ ít màu (3 màu đỏ, đen và xanh tím), hình ảnh Bác được chọn là thời điểm tham dự Đại hội Tua (1924) được thể hiện với các mảng mạnh, dứt khoát, gương mặt đầy cương nghị, đôi mắt rực sáng, đặc biệt nhất là đã kết hợp ngôn ngữ thơ với tranh cổ động. Tác phẩm đạt giải Nhì “Bác là Bác Hồ Chí Minh” thể hiện chân dung Bác lại thật phúc hậu, gần gũi, thân thương biết bao. Điều đặc biệt là chân dung Bác chỉ thể hiện bằng một màu nâu đậm trên nền cờ đỏ sao vàng. Tác giả muốn nhấn mạnh rằng, Bác Hồ của chúng ta luôn nằm trong lòng Tổ quốc, luôn vì đất nước, vì nhân dân.

Tác phẩm đoạt giải Nhì đã được Xưởng tranh cổ động T.Ư trân trọng chọn làm quà tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân ngày thành lập. Tác giả cũng được mời đến dự, được đồng chí Vũ Kỳ thân mật tiếp chuyện và lần đầu tiên được ăn bưởi trong vườn của Bác. Những tép bưởi năm ấy hẳn còn ngọt mãi đến giờ. Vào dịp kỷ niệm 89 năm ngày sinh nhật Bác, 10 năm thực hiện Di chúc của Hồ Chủ Tịch (1979), tác phẩm “Bác là Bác Hồ Chí Minh” đã được phóng lớn đến khổ 4mx9m để treo trước Trung tâm Triển lãm, ngay ngã tư Tràng Tiền nhìn ra Hồ Gươm, tất cả cờ vui đuôi nheo treo khắp các trục đường chính Hà Nội lúc đó, đều sử dụng hình ảnh Bác trên bức tranh này.

Còn bức tranh giải Nhất lại có những hành trình xa hơn, đi đến nhiều nước XHCN để làm quà tặng trong các dịp thăm viếng, để giới thiệu với bè bạn 5 châu về hình ảnh của Bác trong những năm đầu làm cách mạng. Giấy chứng nhận của Xưởng tranh cổ động T.Ư còn ghi rõ :“Hoạ sỹ Nguyễn Minh Thông đã có tranh cộng tác với Xưởng trong những năm 79, 80, 81 phục vụ công tác cổ động chính trị và gửi đi các nước XHCN...”

Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm quê (1957 - 2007), sau 28 năm, tác phẩm “Luận cương Lênin đến với Bác Hồ” đã từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam về với xứ Nghệ trong những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm 117 năm ngày sinh của Bác. Tác giả nhớ lại "Tôi đã trào nước mắt khi gặp lại tác phẩm đã một thời là tâm huyết, được vẽ với tất cả niềm yêu kính của mình. Vinh dự hơn, tác phẩm của tôi được trang trọng đứng cùng tên tuổi của các bậc tiền bối trong nền hội họa Việt Nam". Đi một vòng lịch sử,tác phẩm "Luận cương Lê Nin đến với Bác Hồ" lại trở về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - địa chỉ tôn vinh cao nhất cho các tác phẩm hội họa thành danh của đất nước. Dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh Bác kính yêu năm nay, hẳn sẽ có thêm nhiều đoàn người đến gặp lại bức tranh và nhớ về một thời hoạt động của Người.

Công Mạnh

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Chuyện từ bức tranh vẽ Bác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO