Chuyện về một dòng họ nổi tiếng ở miền Tây Nghệ An
(Baonghean.vn) - Ở miền núi tỉnh Nghệ An, dòng họ Lang Vi được xem là "danh gia vọng tộc" với 3 đời liền có thành viên giữ chức Tri phủ phủ Tương Dương. Sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, dòng họ Lang Vi cũng đã và đang có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Vang bóng một thời
Trong chuyến công tác về xã Đôn Phục, huyện miền núi Con Cuông, chúng tôi được các cán bộ nơi đây giới thiệu về một dòng họ “danh gia vọng tộc” nức tiếng phủ Tương Dương xưa nay - đó là dòng họ Lang Vi. Dòng họ này đã có 3 đời làm quan “Thổ tri phủ” cai quản một vùng rộng lớn núi rừng miền Tây xứ Nghệ (bao gồm các huyện Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn).
Hiện nay, nhân chứng của một thời vàng son của dòng họ này là cụ bà Lữ Thị Quyết (104 tuổi, vợ của vị Tri phủ cuối cùng phủ Tương Dương Lang Vi Năng) vẫn còn sống cùng ông con trai cả Lang Vi Tịnh (86 tuổi) trong căn nhà sàn nằm cạnh bên trụ sở UBND xã Đôn Phục.
Dưới ánh nắng nhàn nhạt chiều Thu, ông Lang Vi Tịnh trầm giọng kể về một thời vang bóng của dòng tộc: Dòng họ Lang Vi ở Đôn Phục vốn có gốc là họ Vi ở vùng miền núi huyện Quỳ Hợp. Sau đó, dòng họ đã chạy loạn và dịch cư về Đôn Phục sinh sống, đến nay đã được 7 đời.
Ở đời thứ 3, chi thứ 3 của dòng họ có ông Lang Vi Bằng (ông nội của ông Tịnh) có công cầm quân đánh dẹp giặc nên được triều Nguyễn đặc cách phong làm Tri phủ vào năm 1895. Ông Lang Vi Bằng chính là người mở ra thời kỳ ba đời làm quan Thổ tri phủ của dòng họ.
Trong thời gian giữ chức Thổ tri phủ phủ Tương Dương, ông Lang Vi Bằng làm quan thanh liêm; đứng ra tổ chức nhiều cuộc khai phá đất hoang hóa, mở mang thêm đất đai để canh tác sản xuất nông nghiệp cũng như thành lập các bản làng mới. Ông còn dạy người dân ở đây cách trồng lúa nước và cho mở những con đường. Nhờ vậy, cuộc sống người dân Phủ Tương Dương khá hơn trước. Ông được người dân mến yêu, cảm phục.
Các đời Vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định nhiều lần ban tặng sắc chế thăng thêm phẩm hàm, chức vụ và ca ngợi đức độ làm quan. (Các sắc, đạo chế của vua ban, con cháu dòng họ vẫn lưu giữ, bảo quản rất kỹ càng nên gần một thế kỷ trôi qua nhưng những văn bản này đều nguyên vẹn).
Đến năm Khải Định thứ 6 (1921) ông Lang Vi Bằng xin được nghỉ và được triều đình Huế chấp nhận. Sau khi ông Bằng nghỉ, chức quan Thổ tri phủ được người anh họ ở chi 2 là ông Lang Vi Tài kế thừa. Đến niên hiệu Bảo Đại thứ 10 (1934), chức Thổ tri phủ lại được con trai của ông Lang Vi Bằng là Lang Vi Năng (bố ruột ông Tịnh) đảm nhiệm.
Trong thời kỳ này, ông Lang Vi Năng kế tục sự nghiệp của cha cai quản vùng miền núi phía Tây Nghệ An và có nhiều công tích. Đặc biệt, vào những năm 1941, ông Lang Vi Năng được Quốc vương nước Triệu Voi (Lào) là Si Sa Vang Vông tặng Bằng khen vì có công lao trong việc phân định biên giới hai nước. Ông Lang Vi Năng giữ chức Tri phủ phủ Tương Dương cho đến khi diễn ra cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trước và trong Cách mạng Tháng Tám thành công, dòng họ Lang Vi cũng có nhiều đóng góp cho nước nhà khi có ông Lang Vi Tào là cán bộ tiền khởi nghĩa. Sau đó, ông Tào giữ chức Chủ tịch lâm thời Ủy ban Kháng chiến huyện Tương Dương sau chuyển về giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính huyện Con Cuông đến năm 1953.
Ông Lang Vi Tịnh kể tiếp: "Lịch sử dòng tộc là vậy. Bố tôi - cụ Lang Vi Năng trước khi làm quan Tri phủ đã có thời gian học ở Huế và thi cử đỗ đạt. Cụ có 2 đời vợ. Vợ đầu sinh được 2 chị rồi mất. Mẹ tôi - cụ Lữ Thị Quyết là người vợ thứ 2, bà quê gốc ở xã Yên Na, huyện Tương Dương. Bố mẹ tôi sinh được 7 người con.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bố tôi hồi hương quay về quê cũ (xã Đôn Phục sinh sống). Ông có một thời gian tham gia làm cố vấn cho chính quyền mới, từng lên các làng, bản vùng cao để làm công tác tuyên truyền. Cụ mất vào năm 1975, hưởng thọ 78 tuổi. Tôi và các em thì có người làm nông, có người đi bộ đội, người thì tham gia công tác ở chính quyền xã. Tuy chưa phát huy được truyền thống như các cụ nhưng con cháu vẫn luôn cố gắng đóng góp vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở bản làng, quê hương".
Ở cái tuổi ngoài bách tuế, cụ Lữ Thị Quyết bây giờ không còn đi lại được, mắt mờ không còn nhìn rõ song vẫn tự ăn uống bình thường. Cụ vẫn thường lặng lẽ ngồi và nằm trên chiếc giường bên cửa sổ, lắng nghe hơi thở của cuộc sống, tiếng hát xuối, nhuôn đâu đó theo gió vọng về và đếm nhịp thời gian trôi…
Ôm ấp mạch nguồn
Cũng theo cán bộ xã Đôn Phục, dòng họ Lang Vi đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An và riêng tại xã Đôn Phục, huyện Con Cuông cũng vậy. Ở thời bình, dòng họ Lang Vi cũng đã có nhiều đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa ở địa phương. Người trong dòng họ sống đoàn kết, yêu thương nhau và đặc biệt có truyền thống khuyến học.
Ông Lang Vi Đức - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đôn Phục (nguyên Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2010-2015, thuộc chi trưởng của dòng họ) tự hào ôn chuyện về sự phát triển của dòng họ: Lịch sử Đảng bộ xã ghi nhận trong giai đoạn kháng chiến kiến quốc, người dân trong xã đã nhiệt tình tham gia và quyên góp nhiều của cải, vật chất phục vụ kháng chiến như tiền, vàng… góp phần tích cực trong việc xây dựng ngân khố Quốc gia, tiêu biểu có cụ Lang Vi Năng. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, con cháu dòng họ Lang Vi luôn hăng say lao động, xây dựng địa phương; nhiều người nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi đất nước thống nhất, cuộc sống ngày một đi lên, con cháu dòng họ Lang Vi đã chăm lo học hành. Từ những năm 1978 trở đi, dòng họ Lang Vi là một trong những dòng họ nổi tiếng hiếu học ở xã và ở huyện. Có rất nhiều cháu học hết cấp 3, học lên cao đẳng, đại học và đạt thành tích cao trong học tập. Có người đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Có người đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, sĩ quan quân đội, công an…Nhiều người tham gia công tác ở cơ quan Đảng, chính quyền các cấp.
Ông Lang Vi Đức cho biết thêm: "Dòng họ Lang Vi bây giờ có 5 chi với hơn 60 hộ. Các hộ gia đình chủ yếu cư trú tại xã Đôn Phục, thị trấn huyện Con Cuông. Còn thế hệ trẻ sau này của dòng họ thì đã toả ra khắp cả nước và ở cả nước ngoài. Và dẫu có đi xa nơi đâu thì con cháu luôn tự hào về lịch sử truyền thống của dòng họ.
Chính vì vậy, cháu con trong họ luôn hướng về nguồn cội để rồi ra sức học tập, lao động tốt để xây dựng đất nước, quê hương. Và ngược lại, các cụ cao niên trong họ vẫn luôn giáo dục truyền thống dòng tộc cho thế hệ trẻ; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, khuyến khích con cháu thi đua học tốt, noi gương thế hệ cha ông một lòng vì nước vì dân… Hiện nay, chúng tôi đang có kế hoạch xây dựng lại nhà thờ họ để công tác giáo dục truyền thống ngày càng được thực hiện tốt hơn".
Dòng họ Lang Vi là dòng họ lớn ở xã. Dòng họ này đã sớm xây dựng được tộc ước - quy ước dòng họ. Trong đó, tinh thần đoàn kết, yêu thương và khuyến học được chú trọng. Trong công cuộc xây dựng và phát triển hôm nay, dòng họ Lang Vi vẫn không ngừng đóng góp sức người, sức của, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Mong rằng các dòng họ khác cũng có sự phát triển như vậy".
Chị Trần Thị Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đôn Phục (Con Cuông)