Chuyện về nghị quyết cho cây mía ở Hạ Sơn

30/01/2013 15:20

Giữa bạt ngàn rừng núi, đất đai Hạ Sơn đang được đánh thức tiềm năng bằng Nghị quyết về cây mía, cũng sau 15 năm cây mía đứng chân trên vùng đất này, vẫn còn đó bao trăn trở của Đảng ủy, chính quyền địa phương để đưa quê hương thoát nghèo bền vững, bắt kịp tốc độ phát triển chung của xã hội.

(Baonghean) - Giữa bạt ngàn rừng núi, đất đai Hạ Sơn đang được đánh thức tiềm năng bằng Nghị quyết về cây mía, cũng sau 15 năm cây mía đứng chân trên vùng đất này, vẫn còn đó bao trăn trở của Đảng ủy, chính quyền địa phương để đưa quê hương thoát nghèo bền vững, bắt kịp tốc độ phát triển chung của xã hội.

Từ Quốc lộ 48, lăn lộn mãi theo con đường nguyên liệu đã xuống cấp chừng 20 km tôi mới vào được xã Hạ Sơn – vùng đất còn bao bộn bề khó khăn của huyện Quỳ Hợp. Trên những triền đồi thoai thoải là không khí lao động hăng say của bà con nông dân. Hỏi ra mới biết, đang vào vụ mía nên nông dân tranh thủ thu hoạch bán cho nhà máy để còn có đồng ra đồng vào chuẩn bị cho Tết Quý Tỵ sắp tới gần. Cũng thật may mắn, trên đồng mía hôm đó, tôi được gặp cựu chiến binh Trương Đình Tăng – nguyên Chủ tịch UBND xã đang cùng con cháu thu hoạch mía ở xóm Xiểm.

Ông Tăng là một trong những người đầu tiên trực tiếp đi mua mía ở xã Thọ Hợp, Châu Quang về trồng và phân phối giống cho bà con cách đây gần 15 năm. Nhớ lại thời kỳ đó, người cựu chiến binh từng vào sinh ra tử trong “mùa hè đỏ lửa” ở chiến trường Quảng Trị chia sẻ: “Sau khi có thông tin về xây dựng nhà máy mía đường ở huyện và phát triển vùng nguyên liệu tại xã, tôi đã đạp xe đi liên hệ để mua mía giống về phân phối cho bà con nông dân. Riêng gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên trồng 3 ha mía”.



CCB Trương Đình Tăng thu hoạch mía.

Những năm 1998, Hạ Sơn là xã nghèo, mặc dù tiềm năng đất đai rất lớn. Nhưng trên những triền đồi màu mỡ, bà con chỉ biết trồng lúa rẫy, ngô… nên cuộc sống rất chật vật. Nắm bắt được chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy mía đường, Đảng ủy xã đã đề ra nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó xác định cây mía là cây xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Những đảng viên kỳ cựu như nguyên Chủ tịch Tăng đã phải lăn lộn đưa giống về, vừa vận động nhân dân làm theo. Vụ đầu tiên gia đình ông Tăng trồng mía chỉ để gây dựng lòng tin cho nhân dân và cung cấp giống cho họ. “Thấy cây mía phát triển tốt, nhiều gia đình đã tìm đến mua giống về trồng, đi đầu là các đảng viên, cựu chiến binh. Họ không chỉ mong muốn thoát nghèo cho gia đình mà còn tiên phong thực hiện trước để bà con thấy mà làm theo”, ông Tăng nhớ lại.

Một trong những đảng viên, cựu chiến binh đi tiên phong trồng mía là ông Trương Anh Liêm. Hôm tôi gặp cũng vừa lúc ông nhận Huy hiệu 40 năm tuổi đảng về. Trước khi có trong tay 7 ha mía với lãi ròng trên 100 triệu đồng/năm như hôm nay, gia đình ông Liêm rất nghèo. Đó là cái nghèo vì đông con, kinh tế chỉ phụ thuộc vào sắn, ngô, lúa trên rẫy. “Năm 1978, tôi phục viên trở về địa phương xây dựng gia đình. Suốt 10 năm theo nghiệp nhà binh, trở lại với đời thường, con cái lại đông nên cuộc sống hết sức chật vật, quá khó khăn. Đến năm 1998, tôi bỏ trồng sắn, ngô chuyển qua trồng mía. Từ đó cuộc sống gia đình ổn định, khấm khá lên từng ngày”, ông Liêm tấm tắc. Thu nhập khá đều đặn trong hơn chục năm qua, cuộc sống gia đình cựu chiến binh Liêm ngày càng khá giả, bây giờ ông chỉ giữ lại cho mình một ít diện tích mía để làm cho vừa sức tuổi già còn lại chia cho con cái đã trưởng thành, lập gia đình chăm sóc. Nói như ông, đó là cái vốn ban đầu để tạo lập cuộc sống mới cho các con. Nhờ đó, tư tưởng của bậc sinh thành cũng yên tâm, phấn khởi hơn.

Chia tay ông Liêm, tôi tìm gặp ông Lê Duy Khẩn – nguyên Bí thư Đảng ủy xã thời kỳ 1986 -2005. Ông Khẩn từng là giáo viên, rồi làm công tác đảng ở huyện Quỳ Hợp. Sau khi trở về địa phương và tiếp tục làm công tác đảng, trước thực cảnh nghèo đói của quê hương, ông cùng các đồng chí của mình đã không ít trăn trở làm sao đưa cuộc sống nhân dân phát triển, thoát nghèo bền vững. Và, khi chủ trương đưa cây mía du nhập đất Hạ Sơn trong 15 năm qua, từ bước đầu khảo nghiệm, rồi chứng kiến sự thành công đến hôm nay, ông vô cùng phấn khởi, bởi đó là thành quả của chặng đường dài vắt qua 2 thế kỷ với bao nhọc nhằn, lo toan. “Lúc đầu, bà con chưa quen làm mía nguyên liệu nên rất e dè. Đảng ủy xã ra nghị quyết xác định đây là cây xóa đói giảm nghèo cho Hạ Sơn nên quyết tâm làm vì đầu ra rất thuận lợi, trong khi tiềm năng có sẵn. Qua hơn 6 năm, nhân dân tin tưởng làm theo và thu hiệu quả kinh tế khá cao, Đảng ủy tiếp tục xác định đây là cây làm giàu cho nhân dân.

Quãng thời gian đồng hành cùng cây mía, hiệu quả kinh tế mang lại cho Hạ Sơn đã thấy rõ. Nhưng, theo lãnh đạo Đảng ủy xã vẫn còn nhiều khó khăn để đưa quê hương thoát nghèo nhanh, bền vững. Nhận định trên xuất phát từ thực tế địa phương là số hộ nghèo đến đầu năm 2013 của xã còn xấp xỉ 35% trên tổng số 916 hộ 4.063 nhân khẩu, cơ sở hạ tầng trong đó chủ yếu là hệ thống giao thông còn yếu kém… Ông Trương Văn An – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Mặc dù cây mía đã chứng minh hiệu quả kinh tế nhưng việc phát triển diện tích mía còn gặp khó khăn do quỹ đất đã được tận dụng gần hết. Trong khi đó, mấy năm qua cây mía mắc bệnh chồi cỏ dẫn đến năng suất giảm, giá cả cũng không ổn định như các vụ trước đây. Do đó, bà con nông dân kém vui hơn”. Để công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, chính quyền địa phương xác định trong thời gian tới phải nỗ lực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, kết hợp với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Chương trình 135 để tìm hướng đi mới cho nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, phát triển kinh tế đồng đều, toàn diện. “Định hướng đã rõ ràng nhưng thực sự, chúng tôi đang lúng túng trong việc tìm kiếm giống cây trồng vật nuôi phù hợp với địa phương. Do đó, địa phương phải đặt quyết tâm cao để thực hiện bằng được trong tương lại gần”, ông An khẳng định.

Chặng đường trước của bà con dân tộc Thổ còn ghập ghềnh với bao bộn bề khó khăn. Nhưng tin rằng, với những đảng viên nhiệt huyết, cùng định hướng đúng của Đảng ủy, chính quyền địa phương, Hạ Sơn sẽ dần vươn lên, thoát khỏi nghèo khó, trong đó mía là cây chủ lực.


Thành Duy

Chuyện về nghị quyết cho cây mía ở Hạ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO