Chuyến viếng thăm của "sứ giả" hoà bình

23/05/2015 07:34

(Baonghean) - Trưa 22/5, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-Moon cùng phu nhân có mặt tại Việt Nam, chính thức bắt đầu chuyến thăm kéo dài hai ngày theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây là lần thứ hai ông Ban Ki-Moon đến Việt Nam kể từ khi lên nhậm chức vào năm 2007.

Nội dung làm việc chính của chuyến đi lần này là để bàn về phát triển Chương trình Nghị sự sau năm 2015, đặc biệt trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, các chương trình giảm thiểu thiệt hại và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cuộc gặp lần này của Tổng thư ký Ban Ki-Moon cũng nhằm trao đổi, bàn bạc về các vấn đề an ninh quốc tế, hợp tác giữa Việt Nam và ASEAN với Liên Hợp quốc. Giữ gìn an ninh, hoà bình chung vốn là sứ mệnh lớn nhất của Liên Hợp quốc, vậy nên không có gì khó hiểu khi ông Ban Ki-Moon lựa chọn Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung làm điểm đến. Tình hình an ninh trên biển Đông và Biển Hoa Đông đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng và khó lường. Trong bối cảnh những điểm nóng an ninh chính trị trên thế giới như Ukraina hay Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chắc chắn cộng đồng quốc tế sẽ hết sức thận trọng, quan tâm theo dõi những khu vực có dấu hiệt “nóng lên” và Liên Hợp quốc tất nhiên phải đi đầu trong nhiệm vụ to lớn này.

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-Moon.
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-Moon.

Theo lịch trình được đăng tải trên trang web chính thức của Liên Hợp quốc, ông Ban Ki-Moon có cuộc gặp và làm việc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Ngày 23/5, ông dự Lễ khai trương và thăm Nhà chung Liên Hợp quốc tại Hà Nội - cũng là Nhà chung thân thiện với môi trường đầu tiên của Liên Hợp quốc trên toàn thế giới; dự Lễ kỷ niệm một năm ngày thành lập Trung tâm gìn giữ hoà bình Việt Nam. Ông Ban Ki-Moon cũng sẽ đi thăm Trường THPT Chu Văn An và Học viện Ngoại giao Việt Nam. Tại đây, ông sẽ có bài phát biểu trước đông đảo học sinh, sinh viên về vai trò và tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong việc tuyên truyền, đấu tranh vì bình đẳng giới và phản đối bạo lực do bất bình đẳng giới trong học đường.

Là một cá nhân có nhiều nỗ lực và đóng góp trong việc hoàn thành, thúc đẩy vai trò của Liên Hợp quốc trong giữ gìn hoà bình - an ninh, phát triển và đảm bảo quyền con người, chắc chắn chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Ban sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp. Bởi ông Ban từng có nhiều hoạt động, sáng kiến để giải quyết các mâu thuẫn, căng thẳng khu vực. Đồng thời, là người đứng đầu Liên Hợp quốc, tiếng nói của ông có sức nặng nhất định trong những vấn đề cần huy động sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế như môi trường - khí hậu, chống khủng bố, vũ khí hạt nhân, cứu trợ nhân đạo.

Đến với Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung lần này, chắc chắn trong các mối quan tâm của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc không thể thiếu vắng vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông; vấn đề cứu trợ nhân đạo và giải quyết cuộc khủng hoảng di cư của Myanmar. Từng trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN hồi cuối năm 2014, ông khẳng định quan điểm giải quyết mâu thuẫn trên cơ sở đối thoại và nhấn mạnh vai trò trung gian hoà giải của Liên Hợp quốc nếu các quốc gia trong khu vực bày tỏ mong muốn được hỗ trợ. Lần này, trước những diễn biến mới theo chiều hướng căng thẳng gia tăng và có nguy cơ xung đột bạo lực, chuyến thăm trực tiếp đến Việt Nam của ông Ban Ki-Moon có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm, theo dõi của Liên Hợp quốc và gia tăng thiện cảm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Điều này càng khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế là đúng đắn và cần thiết để Việt Nam có thể phát triển nhanh, bền vững và an toàn. Hiện nay, Việt Nam và Liên Hợp quốc đang phối hợp triển khai kế hoạch chung tiếp theo giai đoạn 2012 - 2016, mối quan hệ có chiều hướng phát triển tốt đẹp. Gia nhập Liên Hợp quốc từ năm 1977, có thể nói Việt Nam đang ngày càng củng cố mối quan hệ với các quốc gia thành viên khác và ngày càng đạt được sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế. Sau khi đảm nhiệm thành công vị trí uỷ viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam tiếp tục được đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và tham gia vào các hoạt động giữ gìn hoà bình ở một số quốc gia.

Trước khi đến thăm Việt Nam, ông Ban Ki-Moon đã đến Hàn Quốc vào ngày 18/5, gặp gỡ Tổng thống Park Geun-Hye cùng một số lãnh đạo cấp cao khác. Đồng thời, trong chương trình thăm và làm việc, ông đã khai mạc Diễn đàn giáo dục thế giới tổ chức tại Incheon. Lịch trình dự kiến ông đến Triều Tiên vào ngày 20/5, thăm đặc khu công nghiệp Kaesong nơi có các xí nghiệp hợp tác kinh tế với Hàn Quốc. Kaesong chỉ cách khu phi quân sự 10km về phía Bắc và là nơi diễn ra nhiều vấn đề mâu thuẫn với Hàn Quốc cũng như chịu các hình thức trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên vào giờ chót, chuyến thăm này đã bị phía Triều Tiên huỷ bỏ không lý do. Để thấy nhiệm vụ của “người hoà giải” không phải bao giờ cũng dễ dàng. Qua đây, có thể thấy bên cạnh sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, bản thân các quốc gia phải hướng đến một chính sách cởi mở và thiện chí thì mới có thể hội nhập và bắt nhịp với cộng đồng chung sống trên hành tinh này.

Thục Anh

Mới nhất
x
Chuyến viếng thăm của "sứ giả" hoà bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO